09/04/2025

Cùng một thủ đoạn lừa đảo gọi giao hàng nhưng các đối tượng liên tục thay đổi chiêu thức tinh vi hơn, khiến nhiều người mất cảnh giác. Không chỉ giả danh nhân viên giao hàng, kẻ gian còn mạo danh nhân viên của các đơn vị vận chuyển lớn.

Cụ thể, chúng gọi điện xác nhận đơn hàng với thông tin đơn và địa chỉ nhận hoàn toàn trùng khớp với nạn nhân. Đối tượng viện lý do đơn hàng sáng nay giao thất bại và yêu cầu nạn nhân chuyển thêm 18.000 đồng để giao lại trong chiều cùng ngày.

Do số tiền nhỏ và thông tin đơn hàng chính xác, nạn nhân đã chủ quan và dễ dàng chuyển khoản vào số tài khoản do đối tượng cung cấp.

Tuy nhiên, sau khi nạn nhân nhận được đơn hàng ‘thật’, kẻ gian tiếp tục gọi điện, thông báo đã gửi nhầm tiền vào tài khoản đăng ký dịch vụ làm shipper và cảnh báo mỗi tháng tài khoản sẽ bị trừ 3.500.000 đồng. Chúng yêu cầu nạn nhân bấm vào đường link ‘hỗ trợ hủy’. Nếu nạn nhân làm theo, đối tượng sẽ chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản.

Đây không phải là thủ đoạn lừa đảo mới nhưng các đối tượng ‘biến hóa’ tinh vi hơn để đánh lừa sự cảnh giác của người dân. Với thủ đoạn này, người dân vẫn có thể nhận ra một số dấu hiệu bất thường trong quá trình giao dịch như:

- Gọi điện yêu cầu chuyển khoản thêm tiền để giao hàng: Các đơn vị vận chuyển chính thống không yêu cầu khách chuyển khoản thêm tiền ngoài phí đã thanh toán.

- Thông tin đơn hàng đúng nhưng yêu cầu bất thường: Dù thông tin đơn hàng đúng, nhưng việc đòi thêm phí nhỏ (như 18.000 đồng) qua chuyển khoản cá nhân là dấu hiệu bất thường.

- Gửi link lạ yêu cầu ‘hỗ trợ hủy dịch vụ’: Các công ty giao hàng không bao giờ yêu cầu người dùng bấm vào link lạ để hủy dịch vụ hoặc đăng ký.

- Dọa trừ tiền định kỳ trong tài khoản: Dùng lý do ‘gửi nhầm số tài khoản đăng ký shipper’ rồi hù dọa sẽ bị trừ 3.500.000 đồng mỗi tháng để tạo tâm lý hoảng loạn, buộc nạn nhân làm theo hướng dẫn.

- Tài khoản nhận tiền không phải tài khoản công ty: Khi chuyển khoản, nếu tài khoản nhận là tên cá nhân lạ chứ không phải tên công ty vận chuyển thì cần cảnh giác.

Khi thấy có dấu hiệu bất thường, người dân tuyệt đối không làm theo những yêu cầu của kẻ gian. Tuyệt đối không chuyển khoản và không bấm vào các đường link lạ. 

Sau lừa đảo, nạn nhân có lấy lại tiền được không?

Hiện nay, kẻ gian ngày càng tinh vi khiến việc tự mình có thể lấy lại được số tiền bị lừa là một việc rất khó khăn. Khi đã phát hiện mình đã bị lừa tiền, người bị hại cần trình báo ngay với cơ quan Công an để ngăn chặn việc lừa đảo tiếp tục xảy ra cũng như xử lý được kẻ lừa đảo và lấy lại số tiền. 

Để trình báo, người dân cần thu thập các bằng chứng như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của kẻ lừa đảo, tài khoản bị trừ tiền… để tố giác với cơ quan chức năng.

Khi muốn làm đơn tố giác muốn làm đơn tố giác gửi tới cơ quan Công an cư trú, người dân cần chuẩn bị hồ sơ gồm: 

- Đơn trình báo công an

- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng)

- Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…)

Bên cạnh đó, người bị hại cũng có thể thông tin, trình báo qua các đường dây nóng của cơ quan Công an như:

- Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội

- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053

- Đối với người dân tại TP. Hồ Chí Minh: Gọi đến số điện thoại đường dây nóng 0693187200

- Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam

Xem thêm: Săn sale ngày đôi, ai ngờ mất tiền gấp đôi vì 'shipper giả' quá giống

Xem thêm: Chiêu trò lừa đảo bằng Google Maps, nguy cơ rò rỉ thông tin và tống tiền

Xem thêm: Nhận cảnh báo động đất sớm, theo dõi tình trạng động đất ngay trên điện thoại

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp