Đã từ lâu, dư luận của khán giả xem THTT Việt Nam vẫn đặt ra câu hỏi: Có hay không sự dàn xếp kết quả của ban tổ chức? Đâu là giới hạn của sự can thiệp từ ban tổ chức/nhà tài trợ vào công tác chấm thi của ban giám khảo?
1 Bốn ngày trước, chương trình THTT Ngôi sao Việt cũng bị nghi ngờ “có sự ưu ái cho thí sinh Thanh Tùng” khi Thanh Tùng đột ngột vượt lên và giành chiến thắng trước một Hoàng Sơn ổn định phong độ suốt cuộc thi bằng một ca khúc “đo ni đóng giày” và rất quen thuộc với tai nghe của số đông khán giả là Right here waiting for you.
Ba tuần trước (ngày 1-7), một tin nhắn nặc danh được gửi đến phóng viên các báo để tố cáo chương trình Cuộc đua kỳ thú 2014 dàn xếp kết quả sau khi đội đua Sơn Việt - Minh Long bị loại. Nội dung tin nhắn: “BHD đã dàn xếp giải một cách lộ liễu trong mùa này. Họ tự ý thay đổi quy chế, đưa ra luật mới để không loại đội Xanh Dương”. Tác giả tin nhắn nặc danh này tự nhận là thành viên Công ty BHD và tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Tin nhắn nặc danh và không kèm theo bằng chứng thì rõ ràng chưa đủ để kết luận về trách nhiệm của ban tổ chức, nhưng với công chúng xem truyền hình, lời ta thán về công tác tổ chức của nhà sản xuất đã được ghi nhớ.
Lùi lại hơn một năm trước, cuộc thi The Voice (Giọng hát Việt) mùa đầu cũng đã ầm ĩ một lúc vì “nghi án” giám đốc âm nhạc của ban tổ chức dàn xếp kết quả và thiên vị một thí sinh. Sự việc đã được xử lý và thí sinh dính nghi án không phải là người đăng quang, nhưng niềm tin của công chúng với chương trình đã ít nhiều sụt giảm...
Có thể nói đa số chương trình THTT có dính đến việc thắng thua đều bị dư luận đặt lên “bàn mổ” với những dấu chấm hỏi dày đặc. Cũng không có gì lạ, mỗi thí sinh tham gia THTT bị loại - đặc biệt là những cuộc thi có yếu tố thắng thua không rạch ròi kiểu toán học mà phụ thuộc nhiều vào cảm tính của các giám khảo trong chương trình lẫn giám khảo công chúng (qua tin nhắn) - đều có ít nhiều bức xúc là việc đương nhiên. Nếu phải ngồi xuống để giải thích cho thỏa mãn từng trường hợp thắc mắc thì chắc chắn rằng chẳng ai sản xuất chương trình nữa! Và việc giải thích thắc mắc của từng thí sinh bị loại là việc không bao giờ xảy ra nên cảm xúc nghi ngại, không tâm phục khẩu phục vẫn ở đó!
Vấn đề cốt lõi ở đây chính là việc ban tổ chức/nhà sản xuất đối diện với những thông tin nghi ngờ đó như thế nào? Đối xử với thí sinh ra sao? Làm thế nào để cả thí sinh lẫn khán giả/người quan sát thấy được sự rõ ràng, công bằng và nếu có nghi ngờ thì cũng không - có - bằng - chứng để đưa vấn đề ra công luận.
2 Ở góc độ của nhà sản xuất, đặc biệt là sản xuất chương trình truyền hình, ban tổ chức có quyền lựa chọn những câu chuyện - những nhân vật đặc biệt, gây thu hút khán giả để nhấn nhá trong những phóng sự đi kèm. Nếu một chương trình THTT mà thiếu đi các “gia vị thú vị” về người tham dự thì chắc hẳn độ “nóng” sẽ giảm đi nhiều. Khi tham gia THTT, thí sinh rất cần lưu ý vấn đề này để tránh sự ức chế và tâm lý cho rằng ban tổ chức thiên vị.
Tuy nhiên, việc nhà sản xuất/ban tổ chức chọn “đội hạt giống” để “nuôi” và dìu họ đến những chặng đường sâu hơn, thậm chí đến giải nhất bằng cách tỏ rõ những ưu ái, thiên vị bằng cách đổi luật chơi (dù họ có quyền đó), chọn cho nhân tố hạt giống thực thi sở trường thay vì sở đoản hoặc một đề tài chung thì rõ ràng việc các thí sinh khác phản ứng là có cơ sở.
Với những vụ ầm ĩ ngày càng nhiều về THTT ở Việt Nam, nhiều người đúc kết vui rằng “phi xìcăngđan bất thành THTT”. Có nhiều chương trình, khán giả chẳng quan tâm đến chất lượng chuyên môn, thậm chí chẳng thèm xem, nhưng hễ nghe rục rịch có xìcăngđan là chú ý ngay. Và một khi sự quan tâm của công chúng về những lùm xùm của thí sinh hay ban tổ chức/nhà sản xuất lại lớn hơn sự chú ý của họ về chất lượng chương trình và giá trị nhân văn mà một chương trình truyền hình cần đem đến cho khán giả thì phải chăng đã đến lúc cần gióng lên tiếng chuông báo động?
Các chương trình THTT ngày càng khiến khán giả - những người “nuôi sống” chương trình - nhắc nhở nhau “đừng tin vào tính thực tế”. Nhiều người rủ nhau quay lưng. Đó có phải là điều các nhà sản xuất muốn nhìn thấy?
Phản hồi của ban tổ chức Vua đầu bếp Tối 24-7, ba ngày sau vụ việc vợ chồng thí sinh Chung Chí Công - Trần Thị Thanh Thảo trong cuộc thi Vua đầu bếp mùa thứ hai viết ra những bằng chứng chứng minh việc ban tổ chức chương trình đã có sự dàn xếp về kết quả và thiếu chuyên nghiệp khi không thống nhất về quy chế dự thi dành cho các thí sinh, ban tổ chức đã gửi cho Tuổi Trẻ phản hồi về câu chuyện này. Theo đó, trong tập phát sóng thứ 2 của Vua đầu bếp Việt Nam vào 20g ngày 26-7 tới, toàn cảnh câu chuyện dự thi của vợ chồng thí sinh Chung Chí Công - Trần Thị Thanh Thảo sẽ được phát lại trọn vẹn - theo lời của ban tổ chức - để khán giả xem đài có được cái nhìn khách quan về toàn bộ sự việc. Ngoài ra, ban tổ chức không đưa thêm bất cứ bình luận nào về những cáo buộc của vợ chồng thí sinh Chung Chí Công trước đó. MINH TRANG |
Thương lượng hay không thương lượng? “Thương lượng hay không thương lượng?” là câu hỏi được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc thi hát Tôi là người chiến thắng - The winner is... (truyền hình trực tiếp vào 21g thứ bảy hằng tuần trên HTV7). Nếu thương lượng khôn ngoan, bạn sẽ là người chiến thắng dù có thể bạn hát không hay, chưa đạt hoặc kể cả chuyện bạn thương lượng để đối thủ của mình vào vòng trong và mình phải dừng cuộc chơi thì bạn vẫn có 10 triệu đồng còn hơn về tay trắng. Nhưng không phải lúc nào cũng có những cuộc thương lượng rõ ràng, rạch ròi ngay trên một sân khấu THTT như Tôi là người chiến thắng. Những cuộc thương lượng phía sau sân khấu, phía sau màn hình nhiều hơn như thế. Khán giả truyền hình đều thấy ngày càng có nhiều “người của công chúng” tham gia các cuộc thi, chương trình THTT trong vai trò thí sinh tại Việt Nam. Có dễ để mời những người ít nhiều có vị trí, tên tuổi trong làng giải trí tham gia các sân chơi không ít “sóng gió” đó? Chắc chắn phải có thương lượng! Thương lượng không chỉ ở ngôi vị chiến thắng mà còn rất nhiều điều kiện kèm theo khác. Người ta có thể thương lượng, “trao đổi” để được danh hiệu quán quân. Người ta cũng có thể “bàn bạc” để xem mình sẽ vào đến top mấy của chương trình. Hoặc người ta cũng chấp nhận làm thí sinh của cuộc thi này (không giành được giải cao nhất) nhưng sẽ trở thành giám khảo hay “host” (người chủ trì một chương trình) của cuộc thi khác. Người ta cũng có thể chịu về nhì, về ba để “em út” của mình (vốn cần thêm cơ hội để tỏa sáng) về nhất ở mùa thi giải sau hay ở một sàn đấu khác. Hay đơn giản người ta cần một cơ hội để công chúng vẫn nhớ đến mình sau một thời gian im hơi lặng tiếng... Thương lượng không chỉ để có ngôi vị hay giải thưởng, mà còn để có rất nhiều “giá trị thặng dư” khác mà những ai không tham gia khó lòng ngờ hết được. Q.N. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận