Tướng Prayuth, thủ tướng mới của Thái Lan - Ảnh: Reuters |
>>
>> Bộ trưởng trong nội các nghèo đi, bà Yingluck giàu lên
>> Quân đội Thái Lan giám sát chặt truyền thông
Theo Reuters, có tới 191 trong tổng số 197 nghị sĩ Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ việc bổ nhiệm ông Prayuth làm thủ tướng. Chỉ có ba người bỏ phiếu chống và ba bỏ phiếu trắng.
Việc ông Prayuth trở thành thủ tướng sẽ mở đường cho việc thành lập một chính phủ lâm thời vào thời gian tới.
“Chức thủ tướng tạo điều kiện cho ông Prayuth lãnh đạo đất nước theo đúng luật pháp” - nhà phân tích Gothom Arya thuộc ĐH Mahidol nhận định. Việc bổ nhiệm ông Prayuth sẽ cần sự phê chuẩn của nhà vua Thái Lan.
Dự kiến ông Prayuth, 60 tuổi, sẽ từ chức tư lệnh lục quân vào tháng 9 tới. Tuy nhiên ông vẫn sẽ nắm quyền lãnh đạo Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO). Giáo sư Surachart Bamrungsuk thuộc ĐH Chulalongkorn đánh giá quân đội đang cố gắng khẳng định vị trí của họ đối với tương lai đất nước.
“Những gì họ muốn là một nền dân chủ có định hướng với quân đội trong vai trò kiểm soát” - giáo sư Surachart đánh giá. Trước đó quân đội Thái Lan từng cam kết sẽ khôi phục nền dân chủ, nhưng NCPO chưa hề đưa ra một kế hoạch cụ thể nào.
Ông Prayuth cho biết sẽ chuyển giao lại quyền lực sau khi hoàn thành lộ trình hòa bình ba bước, gồm hòa giải, lập chính phủ lâm thời để thực hiện cải cách, và tổ chức bầu cử. Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh cho rằng chức danh thủ tướng chỉ mang tính chất lễ nghi đối với ông Prayuth và đường hướng của Thái Lan sẽ không thay đổi.
“Ông Prayuth là một tướng quân đội chứ không phải là chính trị gia được dân bầu. Các nước phương Tây sẽ tiếp tục gây sức ép yêu cầu Thái Lan tổ chức bầu cử tự do” - nhà ngoại giao này cho biết.
Quân đội Thái Lan tổ chức đảo chính ngày 22-5 sau sáu tháng khủng hoảng chính trị khiến chính quyền Bangkok tê liệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận