Trường cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM - Ảnh: M.Giảng |
Năm 2007, khi chuyển đổi từ loại hình trường dân lập sang tư thục, hội đồng quản trị Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến toàn thể cán bộ giảng viên, cổ đông và hội đồng quản trị, trình đề án chuyển đổi trường sang loại hình tư thục hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Tháng 12-2007, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long ký quyết định cho phép trường hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận.
Sau gần bảy năm hoạt động, ngày 7-8 vừa qua, đại hội đồng cổ đông của trường đã biểu quyết thay đổi mô hình hoạt động từ phi lợi nhuận sang lợi nhuận. Đại hội cũng bầu hội đồng quản trị mới.
Đây chỉ là giọt nước tràn ly trong “cuộc chiến” kéo dài nhiều năm nay giữa các nhóm cổ đông trong trường.
Lợi nhuận để minh bạch hơn?
Ý kiến chỉ đạo mang tính áp đặt Ông Lê Tuệ - nguyên hiệu trưởng, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị, cổ đông sáng lập trường - đã có đơn phản ánh, kiến nghị gửi Thành ủy, UBND TP.HCM, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM về vấn đề của trường. Trong đó, ông Tuệ cho rằng không rõ vì lý do gì mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo mang tính áp đặt và đe dọa, buộc trường phải tổ chức đại hội cổ đông mà thành phần chỉ có các cổ đông cá nhân, không thừa nhận có đại diện của phần vốn sở hữu chung nhợp nhất không chia? Ông cho rằng ý kiến chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM như thế là chưa thỏa đáng, chưa phù hợp với các văn bản pháp lý hiện hành liên quan như nêu trên, chưa phù hợp với thực tế của trường. Ông kiến nghị cơ quan chức năng sớm cho ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đại hội đồng cổ đông đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi của cổ đông, cán bộ giảng viên. |
Tại thời điểm chuyển đổi sang loại hình tư thục năm 2007, vốn điều lệ của trường là 45 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn sở hữu chung hợp nhất không phân chia của trường là hơn 17,6 tỉ đồng (chiếm 39,7% cơ cấu vốn chủ sở hữu, người đại diện phần vốn sở hữu tập thể là hội đồng quản trị và đại diện tập thể cán bộ, giảng viên cơ hữu của trường) và của các cổ đông là 26,7 tỉ đồng.
Theo một thành viên hội đồng quản trị cũ, hằng năm khi phân phối kết quả hoạt động tài chính, trường đã hạch toán ghi tăng phần vốn sở hữu chung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (công văn 2127 ngày 11-2-2010) và đến thời điểm hiện nay phần vốn thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia đã chiếm 64,34% cơ cấu vốn chủ sở hữu (vốn góp thuộc sở hữu tư nhân chỉ còn 35,66%).
Một thành viên hội đồng quản trị cũ cho rằng muốn thay đổi mô hình hoạt động của trường đã được bộ phê duyệt cần phải lấy ý kiến của cán bộ giảng viên, nhân viên và cổ đông chứ không thể một nhóm cổ đông vì muốn lợi nhuận mà thay đổi như vậy. Và để chứng minh cho mục đích lợi nhuận của nhóm cổ đông khi chuyển mô hình hoạt động sang lợi nhuận, ông này đưa ra dẫn chứng: nếu hạch toán cả tiền bị phạt thuế thì đến thời điểm này trường đang lỗ khoảng 10 tỉ đồng (tháng 3-2014,
Cục Thuế TP.HCM đã có quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính đối với trường tổng cộng số tiền hơn 16 tỉ đồng) nhưng hội đồng quản trị vẫn chia lãi. Trong đó, năm học 2008-2009 chia cổ tức 30%, 2009-2010: 27%, 2010-2011: 30% và 2011-2012: 20%, có chia cổ tức cho phần vốn sở hữu tập thể.
Cá biệt, năm 2012-2013 hội đồng quản trị chia cổ tức bằng giá trị khu đất tại Củ Chi (khu đất này được mua giá 16 tỉ đồng) cho các cổ đông mà không chia cho vốn sở hữu chung và không căn cứ vào kết quả tài chính.
Theo ông Lê Tuệ - nguyên hiệu trưởng và là cổ đông sáng lập của trường - thì: “Chúng tôi muốn làm một trường tử tế và ngay từ đầu đã xác định mô hình hoạt động phi lợi nhuận. Nay những người có tiền họ bất chấp ý kiến của tập thể cán bộ, giảng viên và nhân viên nhà trường, những người sáng lập để chuyển đổi vì mục tiêu lợi nhuận của mình. Chia cổ tức cho cổ đông bằng số tiền mua đất tại Củ Chi để tăng vốn góp cho cá nhân, không chia cổ tức cho phần vốn sở hữu chung hợp nhất là vi phạm hướng dẫn của Bộ Tài chính”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức - chủ tịch hội đồng quản trị khóa cũ và vừa được bầu chủ tịch hội đồng quản trị khóa mới - cho biết việc chia cổ tức từ số tiền đã dùng để mua đất tại Củ Chi nhằm đảm bảo quyền lợi cổ đông và không trái luật bởi lúc này tiền của trường không còn. Năm 2012, trường bị đình chỉ tuyển sinh vì thiếu diện tích. Trường phải chạy tìm mua đất để tránh tiếp tục bị đình chỉ tuyển sinh.
Tuy nhiên, vì lúc này không có tiền nên phải vay tạm ứng của cổ đông. Cổ tức được chia này được chuyển toàn bộ vào việc tăng vốn góp của cổ đông theo tỉ lệ vốn góp. “Lợi nhuận hay phi lợi nhuận chỉ là cách chơi chữ bởi thực tế những năm trước trường vẫn hoạt động theo mô hình lợi nhuận dù mang tiếng là phi lợi nhuận. Chúng tôi xác định lợi nhuận để minh bạch, đầu tư bao nhiêu, như thế nào cho sự phát triển của trường, cho sinh viên” - ông Đức nói thêm.
Pháp lý chồng chéo
Về đại hội đồng cổ đông ngày 7-8, một số cổ đông lớn, cổ đông sáng lập cho biết đại hội này không hợp lệ vì bầu thành viên hội đồng quản trị đang là thành viên hội đồng quản trị ở một trường ĐH khác. Bầu người chưa bao giờ đến trường vào hội đồng quản trị, bầu người không đủ tiêu chuẩn theo điều lệ vào ban kiểm soát, vi phạm pháp luật về đất đai...
Quan trọng nhất là đại hội đã bỏ qua vai trò của phần vốn sở hữu chung hợp nhất của trường. Trong đại hội cổ đông vừa qua, đại diện cho phần vốn sở hữu tập thể này không được mời dự với tư cách là cổ đông.
“Theo quy chế tổ chức và hoạt động đối với trường ĐH và trung cấp chuyên nghiệp tư thục, tập thể người góp vốn và thành viên cơ hữu của trường sẽ bầu ra đại diện cho phần vốn sở hữu chung hợp nhất không phân chia đó, đại diện phần vốn này sẽ hoạt động theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số và có đầy đủ quyền như các cổ đông góp vốn là cá nhân khác, được tham dự đại hội đồng cổ đông và biểu quyết tất cả các vấn đề của đại hội đồng cổ đông. Đối với trường CĐ tư thục, tuy chưa có quy chế tổ chức và hoạt động được ban hành nhưng việc quản lý phần vốn thuộc sở hữu chung tại trường CĐ tư thục không thể khác trường ĐH tư thục và trường trung cấp tư thục có các quy định nêu trên” - ông Lê Tuệ cho biết.
Đưa ra căn cứ pháp lý hoàn toàn ngược lại, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng không có quy định nào về người đại diện, tư cách cổ đông của phần vốn sở hữu tập thể trong trường CĐ tư thục nên ban tổ chức đại hội đã không mời.
Ông Đức viện dẫn theo Luật giáo dục đại học và nghị định 141 hướng dẫn thi hành luật này và điều lệ trường CĐ do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2009, vốn sở hữu chung được gọi là tài sản sở hữu chung không chia, giao cho hội đồng quản trị bảo toàn và phát triển, hoàn toàn không quy định ai là người đại diện.
Hơn nữa, hằng năm kế toán trưởng của trường tự động chia cổ tức cho phần vốn sở hữu tập thể này và họ tự tính ra mức 64,34%. Phần vốn này đã đầu tư vào nhà cửa, đất đai không thể tự tính tích lũy như vậy. “Tôi khẳng định đại hội đã làm đúng và chặt chẽ theo luật pháp và được sự đồng thuận cao nhất của các cổ đông và cán bộ giảng viên trong trường. Một ban lãnh đạo mới đoàn kết sẽ giúp chúng tôi xây dựng và phát triển trường tốt hơn” - ông Đức nói.
Không có quyền can thiệp vào đại hội Theo báo cáo tại đại hội, tháng 7-2014 Sở GD-ĐT TP.HCM và các phòng liên quan đã mời chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, trưởng ban tổ chức đại hội của trường lên làm việc và đề nghị khi chưa có các văn bản mới hơn có liên quan đến vốn sở hữu chung thì trường vẫn phải tiến hành đại hội cổ đông theo các văn bản hiện hành. Khi có các văn bản mới sẽ tiến hành đại hội để bầu lại. Nếu không tổ chức, hội đồng quản trị và ban giám hiệu sẽ hết hiệu lực và sở bắt buộc phải đề nghị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Thanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết hội đồng quản trị đã hết nhiệm kỳ và sở có trách nhiệm đề nghị họ tổ chức đại hội đúng thời hạn đó là điều bình thường. Sở không có quyền can thiệp vào chuyện đại hội cổ đông của trường mà chỉ có thẩm quyền xem xét đề xuất công nhận hay không công nhận đối với hội đồng quản trị, nếu đúng thì công nhận, không thì trả lời cho trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận