17/08/2014 08:57 GMT+7

​TP.HCM ngập do cống thoát nước lỗi thời

QUANG KHẢI - D.NGỌC HÀ
QUANG KHẢI - D.NGỌC HÀ

TT - Cơn mưa chiều tối 15-8 làm nhiều tuyến đường tại TP.HCM ngập nặng. Nhiều người dân cho biết họ bị thiệt hại tài sản do mức ngập cao hơn những đợt mưa trước.

Đoạn đường Tân Hóa (Q.6) sau cơn mưa chiều 15-8 - Ảnh: M.Trường
Đoạn đường Tân Hóa (Q.6) sau cơn mưa chiều 15-8 - Ảnh: M.Trường

Sáng 16-8, ông Lư Thanh Lương ở đường Lũy Bán Bích, P.Tân Thới Hòa (Q.Tân Phú) cho biết gia đình ông phải tát nước, lau nhà, rửa bàn ghế đến 22g30 ngày 15-8 mới xong.

Cơn mưa chiều cùng ngày đã làm đường Lũy Bán Bích ngập nặng, nước tràn vô nhà ông và những nhà lân cận gây hư hại nhiều đồ đạc trong nhà. Nhà ông Lương bị nước ngập hơn 20cm, làm hư tủ lạnh và một CPU máy vi tính. 

Tàu lửa “nằm đường” vì ngập nước

Hết hạn bà chằn, mưa quay trở lại

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 15-8 mưa đã xuất hiện diện khá rộng trên các tỉnh thành Nam bộ đánh dấu sự kết thúc hạn bà chằn (đợt giảm mưa). Tại TP.HCM mưa đã xảy ra ở nhiều quận huyện, lượng mưa cao nhất đo được tại trạm Tân Sơn Hòa (Tân Bình) là 67,2mm, tại trạm Mạc Đĩnh Chi có lượng mưa 55,2mm, tại Cát Lái (Q.2) 50,2mm... đã gây ngập nhiều tuyến đường.

Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, thông thường sau những ngày nắng nóng, do độ ẩm trong không khí còn cao, tạo điều kiện mây đối lưu phát triển gây mưa dông. Trong những ngày tới, thời tiết tại Nam bộ sẽ quay lại với đặc điểm sáng nắng chiều tối có mưa dông, mưa ngày càng mở rộng về diện tích cũng như lưu lượng tại Đông - Tây Nam bộ.

Sau cơn mưa chiều 15-8, nhiều khu vực gần kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị ngập nặng do nước cống tràn lên đường. Một số người dân ở cuối đường Út Tịch (Q.Tân Bình) đoạn giáp với đường Hoàng Sa cho biết họ phải dọn nhà đến 20g mới xong do nước mưa, nước cống tràn vào nhà. 

Ông Lê Tiến Thịnh, nhà ở số 51 đường Út Tịch, cho biết sau khi mưa ngớt thì nước từ cống tràn lên mặt đường gây ngập sâu đến 1m, xe máy “chết” la liệt, taxi không chạy được. Nhà ông Thịnh bị nước tràn vô gây ngập gần 50cm, làm hư hại hai CPU máy vi tính và một số tài liệu.

Theo ông Thịnh, lúc đường ngập, nước dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn thấp hơn so với mặt đường đến 2m nhưng nước trên đường không có chỗ thoát xuống kênh. 

Người dân ở khu vực ngã tư Phan Xích Long - Nguyễn Công Hoan (Q.Phú Nhuận) cũng cho hay sau trận mưa ngày 15-8, nước cống tràn lên đường gây ngập mặt đường khoảng 40cm, nặng hơn so với những cơn mưa trước đây.

Cơn mưa chiều 15-8 cũng làm ngập tuyến đường sắt đoạn qua cầu Hang ở Q.Gò Vấp khiến chuyến tàu lửa PT1 từ Phan Thiết về Sài Gòn phải nằm ở ga Bình Triệu chờ nước rút.

Một cán bộ ga Bình Triệu cho hay nếu tàu chạy trên đường sắt khi nước ngập sẽ dễ bị trật bánh, gây tai nạn nên cơ quan chức năng đã quyết định cho tàu ngừng. Đến 19g05, tàu PT1 mới tiếp tục hành trình về ga Hòa Hưng, trễ ba giờ so với kế hoạch. 

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn TP.HCM có gần chục cơn mưa lớn, nhỏ gây ngập. Những khu vực hay ngập là đường Kinh Dương Vương, Hồng Bàng, Tân Hóa (Q.6), Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, D1, D2 (Q.Bình Thạnh), Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú)...

“Tôi thấy những cơn mưa gần đây không lớn nhưng đường vẫn cứ bị ngập. Mà càng ngày nước ngập càng sâu hơn” - ông Trần Đình Nguyên, một người dân ngụ trên đường D1 (Q.Bình Thạnh), nhận xét.

Ngập do công trình và mưa quá khả năng thoát nước cống

Theo ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, cơn mưa ngày 15-8 khá lớn, lượng mưa đo được tại trạm Cầu Bông (Q.1) lên đến 79,8mm xuất hiện trong thời gian khoảng 35 phút.

“Thiết kế cống thoát nước ở mức 85mm trong ba giờ mưa. Vì vậy nên nước thoát không kịp, gây ngập tại nhiều khu vực” - ông Long giải thích. Ngoài ra trời mưa vào lúc triều cường đang lên cũng làm hạn chế khả năng thoát nước của các tuyến cống ra sông rạch.

Hiện TP đã có nhiều hệ thống đê bao ngăn triều, trạm bơm đi vào hoạt động, phải chăng các công trình này chưa phát huy hiệu quả?

Ông Long cho rằng đã có gần 40 trạm bơm đặt tại nhiều khu vực để hỗ trợ bơm nước từ các tuyến cống ra kênh. Nhưng cơn mưa chiều 15-8 có lượng mưa lớn, xảy ra thời gian ngắn nên nước thoát chậm hơn bình thường. Hạng mục trạm bơm (công suất 68 m3/giây) thi công chưa đồng bộ nên chưa phát huy tác dụng chống được tổ hợp mưa lớn kết hợp với triều cường.

Ngoài ra, nhiều điểm ngập do bị ảnh hưởng của các công trình đang thi công. 

Ông Hồ Long Phi, giám đốc Trung tâm biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng thiết kế cống thoát nước chịu được trận mưa 85mm như trên đã được phê duyệt và thực hiện từ trước năm 2000.

Cụ thể, theo dự báo trước năm 2000 thì các trận mưa 85mm sẽ xuất hiện với chu kỳ hai năm lặp lại một lần, các trận mưa 95mm chu kỳ ba năm một lần và những trận mưa 105mm năm năm xuất hiện một lần.

Thiết kế khả năng thoát nước này phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cũng như khả năng tài chính trước đây. Tuy nhiên thiết kế cống thoát nước này đã lỗi thời so với hiện tại. 

QUANG KHẢI - D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp