Phải đến hơn 23g, buổi trình diễn nhạc kịch tối 30-8 ở đình làng Khúc Thủy (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) mới kết thúc. Vậy mà người dân nơi đây vẫn nán lại hẹn hò nhau: "Ngày mai, cánh ta sang làng Khê Tang xem Dòng sông không chảy ngược nữa nhé!"
Phải nói ngay rằng vì mọi thứ đều không chuyên nghiệp nên đêm diễn của các sinh viên Hà Nội đã gặp rất nhiều trục trặc từ khâu tổ chức đến chuyện phông màn, âm thanh.
Vở kịch cũng có nhiều màn quá dài và nghệ sĩ đôi lúc quên...lời. Nhưng, dường như những trục trặc ấy không quá làm phiền khán giả vốn là những người nông dân quanh năm quay quắt với nghề làm miến dong, bánh đa... nay bỗng đâu được xem một đêm kịch với một sân khấu lớn không chỉ miễn phí mà còn là kịch diễn về chính làng mình, dòng sông quê mình và có cả người nhà mình làm diễn viên.
Vì thế ngay từ chiều, người dân xã Cự Khê đã nổi lửa sớm lo bữa cơm tối để rồi mới nhập nhoạng, đám trẻ con đã rủ nhau ra sân đình nhận chỗ bằng ghế nhựa và cả... chiếu.
Sân khấu đỏ rực với những trái tim trẻ rực cháy nhiệt huyết đã được người làng Khúc Thủy, làng Cự Đà chen chúc và vây kín đến tận... chân sàn diễn.
Mỗi màn diễn, mỗi nhân vật xuất hiện đều có lời bình phẩm ngay. Đám trẻ con căng mắt nhìn có đúng là cây điền thanh hay cụm cỏ mọc ven sông ngay trước cửa nhà mình được đưa lên sân khấu không.
Người lớn thì có lúc khe khẽ hát theo những bài hát quen thuộc như Trở về dòng sông tuổi thơ, Hát mãi khúc quân hành, Giai điệu Tổ quốc; có lúc reo lên khi thấy ông, bà, bố, mẹ, con, cháu của mình làm “nghệ sĩ”...
Lúc hòa nhịp cùng vở kịch, họ gật gù với bao ký ức về sông quê khi sân khấu tái hiện cảnh chợ quê ven sông hay cảnh gánh nước, gội đầu, cất vó, mò tôm, cá... Để rồi lần đầu tiên những ông bà chủ làng nghề miến, bánh đa không “nổi đóa” mà cứ im phăng phắc xem, nghe các “nghệ sĩ” nói về con sông ô nhiễm do nước thải của chính các làng nghề xả ra.
Họ biết trách nhiệm của mình nhưng cũng đặt câu hỏi đầy tâm tư: không làm nghề người dân sống bằng gì?... Ông Thành (thôn Khúc Thủy) ngồi ghếch chân trên ghế xem, gật gù: “Đúng đấy”. Còn chị Hoa (thôn Cự Đà) dù đồng tình nhưng cố vớt vát góp thêm nguyên nhân: “Mà cũng tại nước ở các nhà máy, bệnh viện... ở trên phố (trung tâm Hà Nội - NV) đổ xuống”.
Vậy, phải làm gì đây? - Câu hỏi của một đêm nhạc kịch rất mộc mạc, dân dã ấy đã được đặt ra. Trong đêm khuya, tiếng khán giả vỗ tay vẫn vang giòn đồng tình với giải pháp được kịch hóa của đội thanh niên thôn Khúc Thủy cho rằng chính thanh niên cần xung kích trong việc thu gom rác và tuyên truyền đến người dân cùng bảo vệ môi trường sống của chính mình.
Và, thật thú vị khi ngay trong đêm kịch, ông Đặng Anh Phương - phó chủ tịch UBND xã Cự Khê - đã phát đi thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông Nhuệ với dân làng.
Một hành động đẹp của tuổi trẻ! Dự kiến dự án Đi và mở, dự án trình diễn nghệ thuật vì cộng đồng, do nhóm sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và du học sinh thực hiện sẽ được thực hiện liên tục trong mỗi mùa hè. “Chúng tôi sẽ cùng ngồi lại và bàn tiếp về kế hoạch cho mùa hè năm sau sẽ tiếp tục đem chèo, tuồng hay cải lương với những thông điệp về môi trường, an toàn giao thông hay giữ gìn làng nghề... về với các làng quê” - Hoàng Diệu Quỳnh, thành viên ban nội dung của dự án, cho biết. Theo sát dự án, GS.TS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Tôi thấy việc làm của các em là một hành động đẹp của tuổi trẻ hôm nay, mang lại những hiệu quả lớn cho xã hội, dù rất nhọc nhằn. Điều đó khiến tôi suy nghĩ, sao giáo dục nước ta lại cứ dành nhiều thời gian “nhồi nhét” những vấn đề đạo đức, nhân cách, trách nhiệm xã hội cho học sinh qua các giờ giáo dục công dân hay đạo đức mà không dành nhiều thời gian ngoại khóa để các em được thực hành những suy nghĩ, lý tưởng rất đẹp, lãng mạn của tuổi trẻ? Tôi mong rằng những đêm kịch như thế này cần được nhân lên và cần sự đồng hành của toàn xã hội”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận