31/08/2014 08:05 GMT+7

​Ngổn ngang giáo dục

ĐOÀN LÊ GIANG (Trường đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
ĐOÀN LÊ GIANG (Trường đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)

TT - Chỉ còn vài ngày nữa, hàng vạn tiếng trống trường sẽ vang lên báo hiệu một năm học mới bắt đầu.

Phụ huynh vào lớp cùng ngồi chung với con trong những ngày đầu tập trung lớp 1 tại một trường tiểu học tại TP.HCM

Tiếng trống ấy liên quan đến hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, hơn 1 triệu giáo viên và hàng chục triệu người dân trong cả nước. Thế mà chưa bao giờ câu chuyện giáo dục lại ngổn ngang như hiện nay.

Nào là chuyện trang bị bảng tương tác giá hàng chục triệu đồng cho các trường mầm non, nào là chuyện ngưng chương trình tiếng Anh Cambrige mà thay vào đó là chương trình tiếng Anh tích hợp cho học sinh tiểu học với học phí cao ngất ngưởng, nào là đề án mua sắm khổng lồ lên đến mấy ngàn tỉ đồng máy tính bảng cho học sinh tiểu học...

Đối với đại học thì việc tuyển sinh đang sôi lên sùng sục. Hàng mấy trăm trường đại học, cao đẳng lao vào cuộc tranh giành số thí sinh vừa cầm trên tay giấy báo điểm: chưa tuyển xong nguyện vọng 1 đã tuyển luôn nguyện vọng 2, đến đăng ký là báo trúng tuyển và thu tiền ngay không cho về suy nghĩ, thậm chí không đăng ký dự thi cũng nhận được giấy báo nhập trường...

Trường nào cũng tuyên bố mục tiêu, sứ mệnh, chuẩn đầu ra rất “hoành tráng” nhưng đầu vào thì hạ thấp đến sàn và “thủng sàn” để vét cho đến thí sinh cuối cùng...

Việc tuyển sinh cũng còn ngổn ngang hết chỗ nói: hết ba chung rồi, bây giờ còn mấy chung nữa, ba hay hai chung, hay ba riêng hết rồi?

Học sinh sắp vào trung học mà không biết mình sẽ học theo hướng nào, học sinh sắp bước vào năm cuối phổ thông mà không biết mình sẽ thi môn gì? Học sinh hoang mang, thầy cô hoang mang, hàng triệu gia đình hoang mang...

Bức tranh giáo dục như thế khiến ai cũng lo âu - lo cho tương lai con em mình, lo cho tương lai đất nước. Việc giáo dục khó như thế sao, rối quá không giải quyết được sao? Tôi nghĩ không hẳn như vậy.

Quan sát các hiện tượng rối rắm, đủ hình đủ kiểu ấy chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy đằng sau nó là các lợi ích.

Người ta rất thích các đề án hoành tráng mua sắm trang thiết bị lên đến hàng ngàn tỉ, các đề án nhắm vào túi tiền của phụ huynh trung lưu trở lên, nhưng rất né tránh các chương trình nhắm đến chất lượng học tập, hỗ trợ gia đình nghèo, nâng cao trình độ và đời sống giáo viên.

Ở đại học thì chuyện lợi ích càng rõ. Mặc cho đại học đang khủng hoảng thừa, nhưng hằng năm nó vẫn “sản xuất” ra hàng trăm ngàn sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp, bất chấp nền kinh tế có nhu cầu không. Đại học đang tồn tại vì nó chứ không phải vì nhu cầu đất nước.

Ở các nước tiên tiến và ở cả các nước xung quanh ta, giáo dục có lâm vào tình trạng như thế không? Câu trả lời là: Không! Sự ngổn ngang, bát nháo trong giáo dục của chúng ta có nguyên nhân nội tại, tức là do chúng ta, nên để giải quyết nó thì không ai làm thay chúng ta được.

Chỉ chừng nào chúng ta tạo ra được cơ chế dẹp hết nạn tham nhũng và lợi ích nhóm trong giáo dục; chừng nào chúng ta thay đổi mô hình giáo dục phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần; chúng ta học tập nghiêm túc với lộ trình đàng hoàng cách làm giáo dục của các nước, gần thì Singapore, Hàn Quốc, xa thì Nhật Bản, Hoa Kỳ... thì lúc ấy giáo dục của chúng ta mới hết ngổn ngang.

Con em của chúng ta mới thấy được tương lai, đất nước ta mới mong được vẻ vang “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ước mong.

 

ĐOÀN LÊ GIANG (Trường đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp