Biển báo tốc độ tối đa 30 km/giờ trên nhánh cầu A cầu vượt Cát Lái (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa |
Ngày 21-8, năm cầu có tải trọng 20 tấn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã được thay bằng biển báo cho phép xe từ 20-40 tấn lưu thông, tùy loại xe - Ảnh: Chí Quốc |
Vì sao có nghịch lý này?
Đồng Tháp: cầu Xã Vạt lại “nóng”
“Xử” hết biển tải trọng bất hợp lý trước ngày 30-9 Ngày 18-8, trên cơ sở kiến nghị của 14 doanh nghiệp vận tải ở ĐBSCL về năm cầu tải trọng 20 tấn qua địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có cuộc họp giải quyết. Ông Thể giao Tổng cục Đường bộ VN hạn chót đến ngày 27-8 phải thay thế biển báo các cầu 20 tấn trên quốc lộ 80 thuộc địa bàn Cần Thơ đã nêu trên và đến ngày 30-9 phải thay thế hết các biển báo hạn chế tải trọng bất hợp lý trên các tuyến quốc lộ ở ĐBSCL theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ông Thể cũng yêu cầu Vụ Vận tải nắm bắt phản ảnh, kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải đối với các vấn đề liên quan ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ để tham mưu cho lãnh đạo bộ xem xét xử lý, giải quyết kịp thời. |
Mấy ngày qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Đồng Tháp lại đứng ngồi không yên khi liên tục bị cơ quan chức năng tỉnh chặn xe xử phạt quá tải trọng tại cầu Xã Vạt, trong khi xe của họ chở đúng tải trọng theo đăng kiểm.
Trước đó ông Nguyễn Thành Dũng, chủ DNTN vận tải Hiệp Phát Lợi, TP Sa Đéc, đã làm đơn kêu cứu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về những bất cập của các biển báo trên cầu Xã Vạt và bốn cây cầu khác trên quốc lộ 80 chỉ cho phép tải trọng cầu 20 tấn.
Ngay sau khi nhận đơn, Bộ trưởng Thăng đã chỉ đạo ngành chức năng khảo sát cắm lại biển báo cho phù hợp.
Cụ thể, biển báo mới quy định xe thân liền là 24 tấn, tổ hợp xe đầu kéo với rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc 34 tấn, xe thân liền kéo rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc 40 tấn đều được phép qua cầu.
Biển báo mới còn quy định xe qua cầu từng chiếc, khoảng cách tối thiểu là 20m.
Tuy nhiên, sau khi biển báo mới được cắm thì mọi chuyện lại vẫn như... cũ.
Nguyên nhân là do “mô hình” xe trên biển báo mới mù mờ, khó hiểu khiến doanh nghiệp không biết xe mình thuộc dạng nào nên khi vận chuyển hàng qua đây thì bị xử phạt.
Tài xế Huỳnh Tấn Lộc cho biết khi cân xe tại trạm cân Sa Đéc, Sở GTVT ghi xe ông vượt tải trọng 7,9% (31,31 tấn/30 tấn).
Theo quy định thì vượt trên 10% mới bị xử phạt nên xe ông không bị lập biên bản quá tải trọng, thế nhưng khi cho xe qua cầu Xã Vạt thì bị lập biên bản vi phạm tải trọng cầu 7,31 tấn (31,31 tấn/24 tấn). Đến giờ ông cũng không hiểu được cách giải thích của ngành giao thông vì sao xe ông chỉ được phép qua cầu có 24 tấn.
Còn theo tài xế Nguyễn Thành Dũng, xe ông là loại xe rơmoóc được cấp phép lưu hành tổng trọng tải 40 tấn, thế nhưng không hiểu vì sao thanh tra giao thông “phán” tổng trọng tải xe ông chỉ 34 tấn nên mỗi lần qua cầu Xã Vạt đều bị xử phạt quá tải trọng cầu. Cứ mỗi lần bị phạt như vậy gần 10 triệu đồng, tài xế bị giam bằng 1-2 tháng.
Tương tự, bà Trần Thị Hồng Hạnh - chủ doanh nghiệp vận tải Hồng Hạnh, TP Sa Đéc - cho biết bà có năm xe tải (loại xe bốn trục) được cấp phép tổng trọng tải 30 tấn, tưởng biển báo mới cho phép xe bà chở đúng trọng tải, nào ngờ ngành chức năng chỉ cho phép xe bà lưu hành tổng trọng tải 24 tấn.
“Xác xe đã 15 tấn, nếu chở đúng tải trọng của ngành chức năng cho phép thì xe bà chỉ chở được 9 tấn. Chở như vậy lấy gì ăn? - bà Hạnh nói rồi đúc kết - Hồi chưa viết thư cho bộ trưởng, cũng chính những chiếc xe đó được tỉnh du di cho chở 25 tấn. Thấy khó quá chúng tôi mới viết thư cầu cứu bộ trưởng. Đến khi kêu cứu xong, bộ trưởng chỉ đạo cắm lại biển báo thì được chở chỉ có 24 tấn, tức giảm 1 tấn”.
Đường Tân Xuân 6 nối quốc lộ 22 (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) còn biển báo hạn chế tốc độ không quá 30 km/giờ - Ảnh: Q.Khải |
Cần Thơ: thay biển báo mới “làm kiểng”
Trong khi đó trong ngày 21-8, năm cầu tải trọng 20 tấn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) mà doanh nghiệp vận tải gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Đinh La Thăng trước đó đã được dỡ bỏ biển và thay bằng biển mới.
Theo đó, biển mới này cho phép xe tải thân liền có tổng trọng lượng khi qua cầu không quá 20 tấn, xe đầu kéo có tổng trọng lượng không quá 30 tấn và xe tải kéo theo rơmoóc có tổng trọng lượng không quá 40 tấn.
Sau bao ngày chờ đợi thay biển báo mới nhưng khi được thay, nhiều doanh nghiệp vận tải đã “ngửa mặt kêu trời” vì việc thay này cũng... như không.
Bà Phan Thị Hương Thảo (chủ DNTN vận tải Phước Minh, trụ sở tại TP.HCM), người đã gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Đinh La Thăng, buồn bã nói: “Hôm qua, khi nhận được thông báo của Bộ GTVT sẽ thay biển báo bất hợp lý trước ngày 27-8, doanh nghiệp chúng tôi đều chờ đợi. Nhưng hôm nay khi biển báo được thay, chúng tôi không vui gì cả bởi nó chẳng giải quyết được những gì mà chúng tôi kiến nghị. Ngay trong ngày, chúng tôi đã gọi Cục Quản lý đường bộ IV thì họ nói có kiến nghị gì nữa thì cứ gửi văn bản”.
Bà Thảo phân tích: “Rất hiếm khi có xe container chở hàng từ TP.HCM về Kiên Giang nên việc cho phép xe loại này đến 40 tấn lưu thông dường như chỉ để “làm kiểng”.
Trong khi đó theo tôi biết thì có gần 300 xe tải ba trục có tổng trọng lượng 24 tấn hằng ngày chở hàng từ TP.HCM về Kiên Giang thì chỉ cho phép xe tối đa 20 tấn lưu thông. Điều đó có nghĩa cách làm thì mới, biển báo cũng mới nhưng chẳng có sự thay đổi nào so với trước đây cả”.
Đại diện DNTN vận tải Phúc Hiệp Nguyên (Kiên Giang) cũng cho biết: “Khi hay tin cắm biển báo tải trọng mới, tui mừng chạy xe máy ra coi nhưng không ngờ lại “vỡ mộng” vì có khác gì quy định trước đây đâu. Phần lớn doanh nghiệp vận tải đều có xe tải 24 tấn mà cho phép xe tải trọng tối đa 20 tấn như vậy thì có khác gì trước đây. Bây giờ tụi tui phải làm sao đây vì đã kêu cứu tới bộ trưởng rồi?”.
TP.HCM còn biển báo tốc độ 30 km/giờ Ngày 21-8, ông Bùi Xuân Cường - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết trước đó sở đã triển khai tháo gỡ biển báo giao thông có tốc độ 30 km/giờ trước khi Bộ GTVT yêu cầu các địa phương rà soát tháo gỡ loại biển báo này. Theo đó, trên tuyến đường vành đai 2 TP.HCM, đường nối vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, sở đã thay biển báo tốc độ 30 km/giờ bằng biển báo xe đi tốc độ chậm. Biển báo này giúp lái xe chủ động quan sát điều chỉnh tốc độ phù hợp trên đường. Riêng quốc lộ 1 và quốc lộ 22 thì thay đổi biển báo tốc độ theo từng làn xe và không còn biển báo nào tốc độ 30 km/giờ. Hiện nay ở TP.HCM chỉ cầu vượt Cát Lái (Q.2) là còn biển báo tốc độ 30 km/giờ. Sở GTVT và Bộ GTVT đã thống nhất một nhánh cầu vượt nâng tốc độ lên 40 km/giờ. Riêng nhánh cầu vượt Cát Lái (hướng từ cầu Rạch Chiếc về Cát Lái), Sở GTVT đã đề nghị Bộ GTVT cho duy trì tốc độ 30 km/giờ. Bởi vì trước đây khi nâng tốc độ cầu vượt này lên 40 km/giờ vẫn xảy ra 7-8 vụ tai nạn xe tải bị lật trên cầu. Từ khi giảm tốc độ còn 30 km/giờ và có camera quan sát nên không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào. Ngày 21-8, trở lại khu vực đường song hành quốc lộ 22 (trước đây bạn đọc phản ảnh có nhiều biển báo hạn chế tốc độ 20 km/giờ), tại hầu hết giao lộ không thấy biển báo hạn chế tốc độ nữa, thay vào đó là biển báo tải trọng (5T). Trong khi đó, một số tuyến đường liên ấp, liên xã ra quốc lộ 22 có nơi đã được cắm biển báo tốc độ tối đa 40 km/giờ nhưng cũng có nơi vẫn còn biển báo hạn chế tốc độ 30 km/giờ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận