02/09/2014 10:37 GMT+7

​Mua nhà hợp pháp vẫn bị rắc rối

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Một vụ kiện tranh chấp nhà đã thi hành án xong, ngôi nhà được phát mãi sau đó người mua nhà cũng đã bán lại cho người thứ ba.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Ảnh: H.Đ.

Thế rồi giám đốc thẩm lại hủy án, ngôi nhà được tòa tuyên giao cho người khác, đẩy những người mua nhà hợp pháp vào tình huống khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc ở P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM kể khoảng năm 2003-2004, bà Ngọc cho bà Vũ Thị Hồng Hải (ở P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) vay nhiều lần, tổng số tiền lên tới 300 triệu đồng. Hai bên không ký giấy vay nợ mà bà Hải ký hợp đồng bán căn nhà số 89 P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM cho bà Ngọc với thỏa thuận nếu bà Hải không trả được nợ thì sẽ thực hiện hợp đồng mua bán nhà đã ký.

Luật sư Vũ Quang Đức (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp TP.HCM):

Tình huống dở khóc dở cười

Căn cứ Luật thi hành án dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự và tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm đã thực thi đúng quy định của pháp luật trong vụ án nói trên.

Vấn đề ở đây là quy định về thời hạn thi hành án dân sự và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có độ chênh lệch rất lớn, khiến những bản án, quyết định đã được thi hành xong có thể bị hủy hoặc sửa dẫn đến những hệ lụy khiến các bên liên quan dở khóc dở cười như trường hợp của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và ông Trần Văn H..

Sau đó bà Hải không trả được tiền cho bà Ngọc, căn nhà trên thuộc về bà Ngọc và bà Ngọc cho thuê. Bà Ngọc không biết rằng bà Hải cũng dùng ngôi nhà đó thế chấp để vay tiền của nhiều người khác, trong đó có 200 triệu đồng của vợ chồng ông Hoàng Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Kim. Ông Dũng khẳng định mình cũng mua ngôi nhà đó nên đã dọn vào ở.

Bà Ngọc cho biết bởi không thỏa thuận được, bà đã kiện vợ chồng ông Dũng ra TAND Q.12 để đòi nhà. Sau hai lần xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa đã tuyên trả căn nhà về cho bà Vũ Thị Hồng Hải, buộc bà Hải trả tiền nợ cho bà Ngọc và vợ chồng ông Dũng.

Cũng theo bà Ngọc, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, do bà Hải không có tiền để trả nợ nên Chi cục Thi hành án dân sự Q.12 đã buộc bà Hải đưa căn nhà trên ra bán đấu giá để trả tiền nợ theo tỉ lệ hợp lý.

Vợ chồng ông Dũng và một người khác nữa được ưu tiên mua nhưng họ đều không mua nên bà Ngọc đã mua nhà và trả tiền cho những người còn lại, trong đó có vợ chồng ông Dũng.

Sau khi thi hành bản án xong vào năm 2009, bà Ngọc đã hợp thức hóa giấy tờ nhà và bán cho ông Trần Văn H.. Mọi thủ tục mua bán được hoàn tất, bà Ngọc mới biết vợ chồng ông Dũng đã làm đơn đề nghị giám đốc thẩm.

Quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao ngày 21-9-2010 đã tuyên hủy hai bản án mà bà Ngọc là nguyên đơn dân sự với lý do: hợp đồng mua bán nhà giữa bà Hải và bà Ngọc là hợp đồng giả cách để vay tiền nên không có giá trị pháp luật, còn giữa bà Hải và vợ chồng ông Dũng có thỏa thuận vay tiền và thế chấp nhà để đảm bảo trả nợ với điều kiện không trả được gốc và lãi thì bà Hải chấp nhận chuyển nhượng nhà cho vợ chồng ông Dũng. Bản án giám đốc thẩm nhận định rằng điều kiện đó phù hợp với thỏa thuận mua bán nhà. 

Sau đó, ông Hoàng Văn Dũng có đơn khởi kiện bà Vũ Thị Hồng Hải ra TAND Q.12 yêu cầu thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở liên quan đến căn nhà số 89 (trong bản án này bà Hải cũng chỉ xác nhận bà mượn nợ của vợ chồng ông Dũng).

Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 10-10-2013, TAND Q.12 chấp nhận đơn khởi kiện của ông Dũng, đồng thời tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đối với căn nhà số 89, hủy hợp đồng mua bán giữa bà Ngọc và ông H..

Bà Ngọc cho biết bà không nhận được thông tin về việc bản án bị hủy, và bà cũng không được tham dự phiên tòa do ông Dũng kiện bà Hải nói trên. Khi biết phán quyết của TAND Q.12, bà Ngọc và ông H. đã làm đơn kháng cáo.

Tuy nhiên, sau nhiều lần mở phiên tòa rồi lại hoãn, ngày 29-8 tòa lại tiếp tục hoãn một lần nữa với lý do: cần phải làm rõ thêm một số nội dung nhưng các đương sự không có mặt đầy đủ.

Sau phiên tòa ngày 29-8, bà Ngọc nói vụ việc này khiến bà rất mệt mỏi, còn người đại diện của ông H. thì cho rằng ông H. mua nhà ngay tình, tiền đã trao và các thủ tục mua bán đã xong, hiện giờ gia đình ông đang sinh sống ổn định tại căn nhà này mà nay tòa tuyên hợp đồng mua bán giữa ông H. và bà Ngọc là vô hiệu thì tòa đã không nghĩ gì đến quyền lợi của ông H..

Ông Phạm Công Hùng (thẩm phán TAND tối cao): 

Chủ sở hữu (cũ) không còn quyền với tài sản đã được thi hành án!

Điều 258 Bộ luật dân sự về quyền đòi lại bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình đã quy định rất rõ rằng chủ sở hữu được đòi lại bất động sản trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua đấu giá.

Ngoài ra khoản 3, điều 135 Luật thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản”.

Theo đó, trong trường hợp này bà Ngọc không phải là đương sự tranh chấp của ngôi nhà mà đơn thuần là người mua nhà, phần tài sản này đã được định đoạt ngay tình, bởi vậy bản án sau sẽ không được động đến phần tài sản này nữa mà các đương sự sẽ phải thỏa thuận với nhau về mặt tiền bạc.

H.ĐIỆP ghi

 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp