Hiện nay cả nước có hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động (cả khu vực chính thức - lao động có hợp đồng và khu vực phi chính thức), nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ gần 11 triệu.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nếu cứ để thực trạng này thì sẽ đặt gánh nặng lớn lên Nhà nước khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai, bởi hàng triệu người hết tuổi lao động mà không có lương hưu. Vì vậy mục đích của lần sửa đổi này là mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt với cơ chế bảo hiểm tự nguyện.
Bà Mai phân tích: “Dự báo đến năm 2020 chúng ta vẫn còn khoảng 25 triệu lao động ở khu vực phi chính thức (nông dân, không có hợp đồng lao động... - PV). Chúng ta khuyến khích số lao động khu vực không chính thức tham gia bảo hiểm tự nguyện, có thể với chính sách Nhà nước hỗ trợ 50% tiền đóng bảo hiểm dựa trên mức chuẩn hộ nghèo (theo tính toán cứ 1 triệu người tham gia BHXH thì Nhà nước phải chi 200 tỉ đồng/năm).
Nếu các đối tượng này tham gia BHXH với mức tối thiểu theo chuẩn nghèo thì mức lương hưu họ được nhận vẫn cao hơn mức Nhà nước dành cho đối tượng hưu trí xã hội (hiện nay những người 80 tuổi trở lên được hỗ trợ 270.000 đồng/tháng)”.
Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng dự kiến thêm phương án thứ hai là Nhà nước chỉ hỗ trợ những người lao động khu vực phi chính thức có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH ở mức chuẩn nghèo, còn lại người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng đến mức 20 lần lương tối thiểu để khi hết tuổi lao động được nhận lương hưu cao.
Ủng hộ quan điểm trên nhưng nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tính toán kỹ chính sách hỗ trợ phù hợp với sức chịu đựng của ngân sách. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng 25 triệu lao động khu vực phi chính thức là con số rất lớn, hiện nay những người soạn thảo luật chưa dự liệu được sẽ có bao nhiêu người trong số này tham gia BHXH tự nguyện nếu phương án trên được Quốc hội chấp nhận.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý phải tính toán kỹ lộ trình thực hiện trên cơ sở sự đảm bảo của ngân sách. “Tôi rất băn khoăn về phương án Nhà nước hỗ trợ hết với số này. Còn phương án Nhà nước chỉ hỗ trợ đối tượng khó khăn, thu nhập thấp thì có thể thực hiện được” - bà Ngân bày tỏ.
Đa số ý kiến thống nhất quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH với người có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng.
“Chúng ta cần nâng cao tỉ lệ người lao động đóng BHXH, tránh gánh nặng cho Nhà nước khi người lao động hết tuổi lao động. Việc mở rộng như vậy cũng tránh được tình trạng doanh nghiệp lách luật, chỉ ký hợp đồng ngắn hạn để không phải đóng BHXH. Quy định này sẽ được đông đảo người lao động hoan nghênh, chứ còn hỏi chủ doanh nghiệp thì chắc người ta không mong muốn” - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng phân tích.
Ông Tùng đề nghị quy định buộc người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho người lao động theo mức lương được quy định tại điều 90 của Bộ luật lao động: “Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.
Theo ông Tùng, hiện nay đa số chủ sử dụng lao động chỉ đóng bảo hiểm dựa trên mức lương tối thiểu trong khi thu nhập hằng tháng của người lao động cao hơn mức này rất nhiều, hậu quả là hàng triệu công nhân hết tuổi lao động sẽ phải nhận mức lương hưu rất thấp.
Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận