Cô Lê Thị Hoàng (đứng) hướng dẫn học trò trong giờ tập vẽ - Ảnh: Tâm An |
Lớp học của cô Lê Thị Hoàng (52 tuổi) nằm trong khu điều trị phong Bến Sắn, Tân Uyên (Bình Dương) dạy học sinh từ lớp 1 đến lớp 6. Bao năm qua, cô Hoàng chỉ có một ước mơ đơn giản là học trò mình... không phải tìm đến lớp học của cô nữa mà được học ở những ngôi trường bình thường như bao đứa trẻ khác.
Cái nghèo và con chữ
Lớp được dựng tạm bợ bằng những vật liệu thô sơ: vài miếng tôn, những tấm vách ngăn, rèm gỗ che mưa nắng. Học trò đen nhẻm, đầu tóc cháy nắng, áo quần lấm lem.
Hầu hết các em có ba mẹ là công nhân từ những vùng quê nghèo lên đây làm công nhân gỗ, đá mài, phụ hồ... Gia đình không có chỗ ở ổn định, việc học của các em cũng vì thế là một ước mong xa xỉ.
Đa số học sinh trong lớp học trễ so với tuổi của mình. Các em không được nhận vào trường lớp chính thống bởi nhiều lý do: gia cảnh khốn khó, không có hộ khẩu, quá tuổi nhập học vào lớp đúng lứa...
“Con thích đi học lắm, nhưng nhà con không có điều kiện nên giờ con mới học lớp 4. Con có hai em cũng đang học ở đây. Ba làm hồ, còn mẹ con đi làm công nhân tới khuya mới về. Cô Hoàng rất thương con, cô chỉ cho con đánh vần từng chữ, chỉ từng phép tính” - đó là lời tâm sự của em Lê Văn Quý, 12 tuổi, quê ở Sóc Trăng.
Em Nguyễn Thị Diệu (quê Kiên Giang, 8 tuổi, học lớp 1) cũng bộc bạch: “Ba mẹ con cũng đi làm công nhân. Con rất thích đi học và ước mơ được làm cô giáo”.
Đậm đà tình cô trò
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Bình Dương, cô Hoàng thấy các em con bệnh nhân phong ở khu điều trị Bến Sắn muốn học nhưng ở đây không có lớp dạy, vậy là cô xin phép ban giám đốc khu điều trị mở lớp cho đến nay.
Sau này những bệnh nhân phong khỏi bệnh trở về nhà đưa tiếng lành về cô Hoàng đồn xa, lớp học của cô trở thành điểm đến của nhiều em nhỏ nghèo gần đó. Hiện lớp có khoảng 35 em. Ngày cô dạy hai buổi, theo chương trình sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.
Để có bàn ghế cho học sinh ngồi học tươm tất, cô Hoàng phải đi mua từng tấm gỗ hay xin lại của thợ xây dựng, thợ mộc rồi đem về đóng thành bàn. Những chiếc bàn ghế được ghép lại tuềnh toàng, to nhỏ dài ngắn khác nhau là cả tấm lòng cô dành cho học trò.
Chuyện thiếu sách khiến việc học của các em thêm khó khăn, cô Hoàng vận động các em lớp trước sử dụng sách cẩn thận, gom lại để dành cho lớp sau.
Vào lớp, tủ sách giáo khoa vài trăm cuốn cũ kỹ được xếp ngăn nắp, gọn gàng trên kệ cùng những bức tranh do các em vẽ ước mơ được cô gìn giữ, nâng niu. Ngoài giờ học chính, mỗi khi ra chơi cô còn bày những trò như bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông để các em vui chơi thư giãn, rèn luyện thể lực.
Mỗi khi có học trò nghỉ học, cô tới tận nhà hỏi han, vận động phụ huynh cho các em tiếp tục đến lớp. Trân quý tình cảm của cô nên cứ đến ngày 20-11, ngày 8-3, những em trong lớp học trại phong trước đây nay đã vào đại học, hay có em đã nghỉ học bươn bả mưu sinh nơi đất khách quê người vẫn tìm về thăm cô Hoàng.
Từ ngày bị viêm tủy cột sống, dù hằng ngày bị cơn đau nhức hành hạ, đi lại khó khăn nhưng cô vẫn quyết tâm gắn bó với lớp.
Thương cô bệnh tật, mỗi tháng phụ huynh gom góp một ít tiền đóng học phí cho cô, giúp cô phần nào trang trải cuộc sống.
Nhưng với những em hoàn cảnh quá khó khăn cô vẫn không lấy tiền. Phần tiền ít ỏi nhận từ phụ huynh, cô để dành mua... mì gói để cứ đến cuối tuần lại phát cho mỗi em vài gói mang về.
Cô chia sẻ:“Tôi thấy ba mẹ các em lo mưu sinh là chính, tụi nhỏ ở nhà nheo nhóc đứa lớn coi đứa nhỏ... Tôi cũng không khá giả gì về tiền bạc để giúp, nên tặng các em những gói mì như thế là thiết thực nhất”.
Yêu và hết mình với học trò thân thương, lòng cô vẫn đau đáu mối băn khoăn: “Tôi có thể truyền hết kiến thức mình có cho các em, nhưng tôi không thể cho các em tấm bằng chính quy để có thể học lên cao hơn. Mong sao xã hội rộng vòng tay hơn nữa, tạo điều kiện cho em nào cũng được đến lớp, đến trường. Mong gia đình các em dù khó đến đâu cũng cần phải cho con em mình đi học. Tương lai của các em sẽ về đâu nếu đứt đoạn con đường học vấn?”.
Mời bạn đọc viết bài, quay clip Từ nay đến hết ngày 31-8, mời bạn đọc tiếp tục viết bài hoặc quay clip giới thiệu những “hạt giống tâm hồn” quanh bạn - những người nhân ái, lạc quan, sống vươn lên, giúp đỡ mọi người bằng tinh thần trong sáng. Bài dự thi gửi về địa chỉ mail [email protected], hoặc gửi trực tiếp vào microsite cuộc thi http://hatgiongtamhon.tuoitre.vn. Bài viết 1.000 chữ giới thiệu một nhân vật là người thật việc thật kèm file hình ảnh (không dán vào file Word), thông tin nhân vật gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại để Tuổi Trẻ xác minh. Mỗi tác giả gửi tối đa ba bài dự thi. Với những bài viết xuất sắc được chọn đăng hằng tuần trên báo in Tuổi Trẻ, mỗi tác giả sẽ nhận 2 triệu đồng nhuận bút, bộ sản phẩm Bibica và 200 quyển sách Hạt giống tâm hồn của First News. Với cuộc thi clip, những clip được chọn đăng trên microsite cuộc thi là clip ghi lại khoảnh khắc đẹp, xúc động truyền cảm hứng sống độ dài 3-5 phút. Ở cả hai hạng mục bài viết và clip, những tác phẩm truyền cảm nhất sẽ được xếp hạng chung cuộc gồm giải nhất, nhì, ba. Cơ cấu giải thưởng tham khảo tại http://hatgiongtamhon.tuoitre.vn. Những nhân vật có câu chuyện xúc động sẽ được chọn làm người thụ hưởng trong game show Vì bạn xứng đáng của VTV. Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Bibica và First News tài trợ. NHỊP SỐNG TRẺ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận