15/11/2014 11:13 GMT+7

​Khổ với nhà tái định cư

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Cảnh nhà lún, nghiêng, ngập nước, ô nhiễm, thiếu điện, thiếu nước... nhiều năm đeo đẳng người dân những nơi này.

Khu tái định cư Đền Lừ 2, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) xuống cấp nặng - Ảnh: Lâm Hoài

Tự nguyện di dời chỗ ở để nhường lại đất triển khai các dự án phúc lợi công cộng, nhưng hàng nghìn người dân Hà Nội đang phải sống trong cảnh khốn khổ khi di chuyển tới chỗ ở mới tại các khu nhà tái định cư (TĐC).

Cái này bà con kêu nhiều rồi, báo chí kêu nhiều rồi, sở đã xin tiền nhiều lần nhưng thành phố không có khiến tình trạng kéo dài. Hiện nay bắt đầu vào làm quyết liệt rồi, sở đề nghị phía Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội phải ứng tiền ra làm luôn, đồng thời trình thành phố xin cơ chế hoàn vốn cho công ty sau

Nguyễn Quốc Tuấn (phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội lý giải vì sao các khu nhà TĐC xuống cấp chưa được sửa chữa)

Chịu hết nổi

Năm 2005, để phục vụ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy, hàng trăm hộ dân P.Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng) phải rời khu định cư lâu đời để về khu TĐC Đền Lừ 2 (Q.Hoàng Mai) cách xa trung tâm thành phố.

Chỉ vài năm sau chưa kịp ổn định tại nơi ở mới thì bà con phải đối mặt với cảnh xuống cấp của khu nhà này.

Ngày 5-11 có mặt tại khu TĐC này, chúng tôi ghi nhận cảnh nhếch nhác, xuống cấp tại hàng loạt hạng mục. Ngay phía ngoài sảnh, dọc chân tường và nền nhà A1 nhiều chỗ lún nghiêm trọng. Nhiều mảng bêtông và nền gạch bị vênh, hở hàm ếch rất nguy hiểm.

Còn tại tòa nhà A3 hầu hết diện tích bờ tường đều bị bong tróc, nhiều chỗ bị nứt toác, thấm, dột nước, hệ thống cầu thang thoát hiểm nứt toác, nhiều chỗ gãy rời. Khu vực nhà xây cho thuê dịch vụ cũng bị lún, nứt nghiêm trọng, nước thải tràn vào khu vực nhà xe bốc mùi xú uế...

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Phê - tổ trưởng tổ dân phố 84 (khu TĐC Đền Lừ 2), hàng trăm hộ dân ở đây thường xuyên bị thiếu nước sạch và thang máy hỏng hóc liên tục. “Sức chịu đựng có giới hạn, chúng tôi hết sống nổi với khu nhà này rồi” - bà Phê bức xúc.

Năm 2006, cả trăm hộ dân chấp nhận “rời phố về làng” chuyển đến khu TĐC Đồng Tàu (P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai) để nhường mặt bằng cho dự án mở rộng nút giao thông Ngã Tư Sở và cải tạo ven sông Tô Lịch.

Thế nhưng chỉ năm năm sau đó, chín tòa nhà tại đây đã xuống cấp rất nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của cư dân nơi đây.

Hàng loạt căn hộ ở khu nhà N2 bị nứt, vỡ nền. Hàng loạt ống nước thải tại các tòa nhà N3, N6, N7 bị vỡ, bị tắc ứ khiến nước thải thường xuyên chảy ra lênh láng bốc mùi hôi thối.

Khu tái định cư Đền Lừ 2, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) xuống cấp nặng - Ảnh: Lâm Hoài

Dân tự cứu mình

Theo đại diện cư dân tại khu TĐC Đồng Tàu, khi hàng loạt tòa nhà xuống cấp nặng, người dân đã gửi văn bản cầu cứu đến Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Sở Xây dựng TP, UBND TP nhưng sau nhiều năm vẫn bị rơi vào quên lãng.

Tương tự, đại diện tổ dân phố 84 (khu TĐC Đền Lừ 2) cho biết trong suốt nhiều năm người dân đã gửi đơn phản ảnh đi khắp nơi nhưng đại diện các cơ quan chức năng đến chứng kiến tận mắt khu TĐC xuống cấp rồi khảo sát lên xuống nhưng sau đó “lặn” mất luôn.

Sau thời gian chờ đợi sự đoái hoài của các cơ quan chức năng trong mệt mỏi, người dân tại các khu TĐC phải tìm mọi cách để cứu mình.

Tại khu Đền Lừ 2, người dân lấy gạch, tôn, thậm chí cất công đúc từng miếng bêtông để trám lót vào các khe hở ở chân tường vòng quanh tòa nhà đề phòng việc mọi người đi lại bị tụt chân xuống.

Còn cư dân ở khu Đồng Tàu phải quyên tiền mua vật liệu, thuê người khắc phục các vết lún, nứt ở nền móng, tường nhà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Tuấn - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - thừa nhận hầu hết các khu nhà TĐC trên địa bàn hiện nay tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Tại khu Đồng Tàu, ông Tuấn cho biết nguyên nhân sụt lún do nền đất yếu nên phải lập dự án riêng để xử lý dứt điểm.

Còn các bộ phận cọc, cột, kết cấu chịu lực khác ảnh hưởng nhẹ nên đang được xử lý từng bước. Riêng khu Đền Lừ 2, theo ông Tuấn, do được bàn giao trước khi Luật xây dựng có hiệu lực nên chủ đầu tư không để lại phần trăm kinh phí trên tổng mức đầu tư để bảo trì tòa nhà.

Như vậy buộc phải lấy tiền từ ngân sách sửa chữa, cải tạo tòa nhà nên việc cải tạo đình trệ nhiều năm nay.

Ông Tuấn cho hay hiện các lực lượng thi công bắt đầu triển khai xử lý bể phốt, hiện tượng tràn nước thải, gia cố lại nền tại đây. Việc sửa chữa này làm song song với việc khảo sát lập dự toán để sửa chữa từng hạng mục.

Liên quan tới các khu TĐC còn lại trên địa bàn, ông Tuấn cho hay Sở Xây dựng Hà Nội đang tiến hành điều tra cơ bản để sửa chữa dần. “Ưu tiên khắc phục trước những hạng mục hư hỏng nặng và phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân như điện, nước, vệ sinh, thang máy...” - ông Tuấn nói.

Kiểm tra toàn bộ nhà TĐC tại Hà Nội

Lo ngại các khu nhà TĐC xuống cấp đe dọa an toàn người dân, mới đây Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan mở rộng phạm vi kiểm tra đối với các khu TĐC trên địa bàn.

“Nếu phát hiện các hư hỏng phải có biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn công trình và đảm bảo sinh hoạt bình thường cho người dân” - văn bản do Thứ trưởng Lê Quang Hùng ký nêu rõ.

Theo ông Phạm Gia Yên, chánh thanh tra Bộ Xây dựng, trách nhiệm trong quản lý xây dựng và để xuống cấp nhà TĐC thuộc về các cơ quan quản lý của Hà Nội. Ông Yên cho hay tới đây thanh tra bộ sẽ thanh tra để làm rõ chất lượng hàng loạt dự án nhà TĐC tại Hà Nội.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp