Câu chuyện về hai nữ bác sĩ, dược sĩ tương lai này được bắt đầu từ gánh trứng vịt lộn và công việc tách vỏ hạt điều để mưu sinh, tìm đường đến trường...
Đào bán trứng vịt lộn cho khách - Ảnh: Lê Trung |
Bé Đào “bán trứng vịt” đỗ hai trường đại học
Hằng ngày khi đèn đường vừa lên cũng là lúc cô học trò Nguyễn Thị Diệu Đào - Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) - cùng mẹ sắp xếp bàn ghế để bán trứng vịt lộn cho khách qua đường.
Đào vừa xuất sắc đỗ hai trường đại học: Đại học Y dược Huế (26 điểm) và Sư phạm Đà Nẵng (23,5 điểm).
Gánh trứng vịt lộn nhỏ của hai mẹ con nằm trên vỉa hè đường Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ. Từ mấy năm nay, sau khi ba Đào bị tai nạn lao động phải nghỉ hưu sớm tại nhà dưỡng bệnh, mẹ Đào cặm cụi làm lụng vất vả nuôi hai con gái ăn học. Căn bệnh thoái hóa khớp không ngăn được bước chân bà rong ruổi trên khắp ngả đường thành phố bán trứng vịt lo cho chồng, nuôi con.
Biết mẹ sớm khuya vất vả, từ nhỏ Diệu Đào đã ý thức được phải làm sao cho mẹ bớt khổ. Mỗi ngày sau khi đi học về, cất cặp sách là Đào lao vào làm việc nhà giúp mẹ. Tối đến, Đào đạp xe chở mẹ bưng rổ trứng ra vỉa hè, sắp xếp bàn ghế xung quanh cùng mẹ bán trứng vịt. Những khi trở trời mẹ bệnh, Đào tự dọn gánh trứng vịt ngồi bán.
Người dân gần đó đều quen hình ảnh cô bé nhỏ nhắn, ngồi cặm cụi bán từng trứng vịt lộn cho khách. Cứ đều đặn khoảng 22g30 mỗi tối, sau khi bán hết trứng, Diệu Đào dọn hàng về. Đúng 23g, đó là lúc Đào tập trung vào sách vở, bài tập cho buổi học ngày mai và học đến tận 1g-2g sáng.
Nhà khó khăn nhưng suốt 12 năm liền Diệu Đào đều là học sinh giỏi. Ba năm THPT Đào luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Lớp 8 Đào đoạt giải nhì môn hóa kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, lớp 9 đoạt giải ba môn hóa kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh...
Cô học trò ấy còn là một lớp phó học tập gương mẫu của lớp 12/3 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua Đào được 37 điểm (trong đó môn toán 10, hóa 10, sinh 10).
Diệu Đào kể ước mơ lớn nhất trong đời là được làm bác sĩ. Trước kỳ thi đại học năm nay, Đào dự định đăng ký vào Trường đại học Y dược Huế. Tuy nhiên, mẹ Đào khuyên nên thi ngành sư phạm để giảm bớt chi phí học tập và miễn học phí.
Thuyết phục mẹ mãi, Diệu Đào mới được mẹ đồng ý cho dự thi khối B - ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược Huế và khối A - ngành sư phạm hóa Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Thế là Đào đỗ cả hai trường.
Mấy ngày nay mẹ Đào vừa lo bán trứng vịt vừa phải chạy vạy khắp nơi kiếm tiền nhập học cho con. Trò chuyện với chúng tôi, sự lo lắng, mệt mỏi hiện lên khuôn mặt đầy nếp
nhăn của bà. “Sáu năm học ngành bác sĩ không phải chuyện ngày một ngày hai. Con đậu đại học mình vui lắm, nhưng hai vợ chồng đã già rồi, làm gì để kiếm tiền cho con ăn học đây” - bà nghẹn ngào nói.
“Con đường trước mắt sẽ đầy khó khăn, chông gai nhưng em vẫn muốn thực hiện ước mơ làm bác sĩ. Em đã làm hồ sơ xin học bổng của báo Tuổi Trẻ, hi vọng sẽ được suất học bổng để có thể nhập học ở Huế, ba mẹ đỡ lo tiền bạc. Sau đó em vừa học vừa đi làm thêm để phụ việc học” - Diệu Đào quả quyết.
Trâm phụ bà tách vỏ lụa hạt điều - Ảnh: Lư Thế Nhã |
Kỳ tích của cô học trò bất hạnh
Cô học trò Đặng Thị Bảo Trâm (Trường THPT Lê Hoàng Chiếu, Bến Tre) vừa được tuyển thẳng vào Trường đại học Y dược TP.HCM.
Hỏi thăm đường đến nhà Trâm, nhiều người dân chúng tôi gặp ở ấp 1, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre không ngớt lời khen: “Cha mẹ chia tay, sống với ông bà ngoại nghèo mà học giỏi, xóm này chưa có đứa nào giỏi bằng cháu Trâm!”.
Khi Trâm vừa tròn 7 tuổi, cha mẹ Trâm chia tay. Cha bỏ đi trước, sau đó không lâu mẹ gửi lại hai đứa con cho ông bà ngoại nuôi dưỡng để đến tận Cà Mau sinh sống.
Ông bà ngoại Trâm tuổi gần 70, căn nhà cũ kỹ khoảng 40m2 là nơi tá túc của bốn con người: hai già cần được chăm sóc và hai trẻ cần được nuôi dạy lớn khôn... Ông bà không có đất đai canh tác. Ông Trâm chạy xe ôm, mỗi ngày kiếm được vài mươi ngàn đồng nuôi cả nhà. Bà Trâm tách vỏ lụa hạt điều kiếm tiền phụ ông lo cho cháu.
Thương ông bà ngoại vất vả, hằng ngày sau giờ học Trâm phụ ngoại việc nhà, tách vỏ hạt điều, cùng bà ngoại đi lượm củi mang về nấu ăn...
Thấy ngoại vất vả nuôi hai cháu ăn học, năm 2012 chị của Trâm - Đặng Thị Hồng Phúc - đành từ bỏ ước mơ cháy bỏng vào đại học của một học sinh vừa tốt nghiệp THPT, đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Giao Long, phụ ông bà ngoại nuôi em gái hoàn thành ước mơ học tập.
Biết Trâm khó khăn, hàng xóm, thầy cô đều quan tâm giúp đỡ em. Áo quần đồng phục Trâm mặc là của bà con lối xóm cho hai chị em. Chị lên lớp trên để lại cho em mặc.
Năm Trâm học lớp 9, thầy Lê Huỳnh Đạt - giáo viên toán Trường THCS Bình Thắng - thấy Trâm luôn mặc đồ cũ đi học nên đặt ra giải thưởng: “Em thi đỗ vào lớp 10 thầy sẽ tặng em một bộ áo dài”. Và với bộ áo dài thầy tặng, Trâm đã mặc suốt những năm học THPT cho đến hết tuổi học trò.
Những năm học THPT, thầy cô biết nhà Trâm nghèo đều dạy thêm, luyện thi cho Trâm mà không nhận học phí.
Trâm là học sinh giỏi 12 năm liền cùng với nhiều giải thưởng như: giải ba cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa, giải khuyến khích cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh môn sinh.
Đặc biệt nhất có lẽ là giải ba cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia với đề tài “Bảo quản trái cây bằng dung dịch thuốc tím”. Chính nhờ giải thưởng này Trâm được tuyển thẳng vào Trường đại học Y dược TP.HCM.
Khi cánh cửa đại học đang rất cận kề thì cuối năm 2013, nỗi đau xé lòng ập đến với gia đình Trâm. Trong lúc chạy xe ôm kiếm tiền nuôi cả nhà, ông ngoại Trâm đã bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống. Bà cháu cố gắng nén buồn, nương tựa vào nhau tiếp tục mưu sinh để lo việc học cho Trâm.
Cứ ba ngày, hai bà cháu tách xong 10kg hạt, tiền công được trả 45.000 đồng. Số tiền ít ỏi này giờ đây không chỉ trang trải cho sinh hoạt gia đình mà còn dành dụm cho Trâm đi học đại học.
Bà ngoại Trâm trầm tư tính toán: “Mùa này xài nước mưa, thức ăn thì cả nhà nhận cá vụn của cảng cá cho, có gì ăn nấy... Trâm đã nói với tui sẽ vừa học vừa làm thêm kiếm tiền trang trải việc học...”.
Trâm được tuyển thẳng vào ngành dược Trường đại học Y dược TP.HCM. Niềm vui tràn đầy nhưng nỗi lo cũng vô tận. Năm năm đại học phía trước là cả một thử thách, là quãng đường quá dài, quá sức với cô tân sinh viên mảnh mai như Trâm.
Nhưng chúng tôi tin rằng Trâm sẽ vững bước trên con đường đi tìm tri thức như lời em nói khi chia tay: “Em sẽ cố như đã từng cố gắng và sẽ tiếp tục đạt bằng được ước mơ của mình...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận