27/08/2014 08:15 GMT+7

​Gian nan cai nghiện ma túy đá

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Cai nghiện tự nguyện lẫn bắt buộc đều “tắc”, khi người nghiện ma túy đá ngày càng nhiều. Giải quyết việc làm cho người sau cai, tái hòa nhập cộng đồng gặp khó khăn.

Các đối tượng đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 - Ảnh: Vũ Thủy

Đó là thông tin do ông Trần Hải Đăng - phó giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi, TP.HCM)  - báo cáo tại buổi giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 26-8.

50-60% nghiện ma túy đá

"Hiện nay ma túy tổng hợp có vô số loại với những tác động khác nhau nên việc đưa ra một phác đồ điều trị cho dạng nghiện này chưa thể thực hiện"

Đại diện Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH nói về việc điều trị cho người nghiện ma túy đá

Theo trung tâm, từ đầu năm đến nay không tiếp nhận trường hợp cai nghiện bắt buộc nào mà chỉ tiếp nhận người cai dịch vụ nên tại đây chỉ có 415 người cai nghiện (trong khi khả năng tiếp nhận của trung tâm là 600-800 người).

Trong đó, theo ông Đăng, tỉ lệ người nghiện ma túy đá được đưa vào điều trị tại trung tâm trong những năm gần đây chiếm đến 27% tổng số người nghiện.

Đặc biệt, tỉ lệ này đã tăng lên 50-60% trong những tháng gần đây. Hiện trung tâm có 67 học viên sử dụng ma túy đá đang điều trị và trong số này có khoảng 10% nghiện rất nặng.

Những học viên này rất manh động, họ “đi theo điệu nhạc” và có những biểu hiện tâm thần, hoang tưởng với những hành vi nguy hiểm, thường xuyên chửi thề, đá cửa...

Hiện nay chưa có phác đồ điều trị cho dạng nghiện này nên việc điều trị rất gian nan. Trung tâm vừa phải điều trị cắt cơn vừa điều trị tâm thần bằng cách yêu cầu người nhà mua thuốc điều trị tâm thần gửi vào.

Đối với người nghiện ma túy đá, trung tâm phải có phòng riêng cho mỗi đối tượng, có cán bộ canh giữ nên rất tốn kém. Thời gian để điều trị ổn định cần rất lâu, từ một tháng cho đến cả năm do tác hại của ma túy đá đối với hệ thần kinh kéo dài.

Bà Hà Thị Nhâm - trưởng phòng giáo dục hòa nhập cộng đồng của trung tâm - cho biết người nghiện ma túy đá thường xuyên hoang tưởng, quậy phá nên công tác tiếp cận, giáo dục đối với họ cũng khó khăn. Trung tâm phải chia họ thành các nhóm nhỏ 10-12 người, giáo viên có chuyên môn cứng mới dám làm việc với người nghiện ma túy đá.

Đa số người tái hòa nhập cộng đồng bỏ việc

Cùng ngày, đoàn giám sát có buổi làm việc với ban quản lý Cụm công nghiệp - khu đô thị mới Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) về công tác tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện.

Cụm công nghiệp này được thành lập từ năm 2006 với mục đích xã hội là tạo việc làm cho người tái hòa nhập cộng đồng. Các doanh nghiệp tại đây được nhận nhiều chính sách ưu đãi về thuế đất, vay vốn, nhưng theo Lực lượng Thanh niên xung phong TP (đơn vị quản lý cụm công nghiệp), hiện nay chỉ còn 12 người sau cai nghiện làm việc tại các doanh nghiệp.

Trước đó năm 2011, cụm công nghiệp này còn tiếp nhận 158 người tái hòa nhập cộng đồng vào làm việc tại các doanh nghiệp nhưng sau đó số này rơi rụng dần. Thậm chí, giai đoạn 2006-2009 có 3.103 đối tượng được giải quyết việc làm tại đây nhưng đến cuối năm 2009 chỉ còn 115 người còn đeo bám.

Đồng thời, nhiều người làm việc tại đây đã tái nghiện chỉ sau một tuần, một tháng. Số người bỏ làm việc đi khỏi đây cũng mất hút, cơ quan chức năng không nắm được thông tin.

Trả lời câu hỏi của ông Đặng Thuần Phong - phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - về nguyên nhân dẫn đến tình trạng người sau cai rời bỏ công việc, ông Nguyễn Công Khánh - phó chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP - cho rằng người nghiện không phù hợp với công việc tại doanh nghiệp mà chỉ thích hợp với những nghề như làm tóc, sửa xe với giờ giấc tự do hơn.

“Họ không đủ sức khỏe để đeo bám lâu dài, đa số tay nghề yếu, chỉ có thể lao động giản đơn như nghề may. Đồng thời nhiều người sau cai đến đây thuộc diện lang thang nên không được ký hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội nên họ không muốn làm” - ông Khánh nói.

“Liệu có phải chính sách cai nghiện hiện nay chưa phù hợp? Trước đây chúng ta lo lắng họ không có việc làm nên tái nghiện nhưng nay tạo việc làm, họ vẫn đi khỏi, vẫn tái nghiện” - ông Đặng Thuần Phong đặt vấn đề.

Đồng thời, ông Phong cũng đặt vấn đề phải chăng công tác dạy nghề ở các trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu dạy nghề cho người nghiện. Ông Phong cũng lo ngại việc không làm được giấy tờ cho người nghiện và doanh nghiệp không ký hợp đồng với họ cũng là rào cản thu hút người tái hòa nhập về làm việc tại cụm công nghiệp.

Theo ông Phong, các trung tâm khi dạy nghề phải khảo sát nhu cầu nghề của người nghiện, dạy các nghề mà họ có thể làm tự do, không gò bó thời gian.

 

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp