13/08/2014 08:26 GMT+7

​Đừng quên “cảm giác” của công chúng

t.t
t.t

TT - LTS: Dù còn nhiều tranh cãi chưa có hồi kết, vấn đề thu - nộp tác quyền một cách văn minh, không “gây khó” cho nhau không phải là không có hướng giải quyết.

 

Tuổi Trẻ giới thiệu những ý kiến đáng quan tâm:

Chữ tâm cho một thương vụ thành công 

Câu chuyện thu - nộp tác quyền những ngày qua ồn ào với những hình ảnh hết sức xấu xí cũng vì các bên quá chú trọng đến chuyện tiền. Vâng, đồng tiền đi liền khúc ruột, nhưng bên cạnh tiền vẫn còn nhiều thứ quan trọng để chúng ta dành sự quan tâm.

"Khi đã nhìn thấy lỗ hổng trong việc cấp phép cho các chương trình chưa thực hiện trách nhiệm pháp lý, cơ quan nhà nước cũng nên trám lại bằng cách yêu cầu có xác nhận được phép sử dụng tác phẩm trước khi cấp phép biểu diễn"

Làm sô vừa là chuyện kinh doanh nhưng cũng vừa là phục vụ công chúng. Kinh doanh phải sòng phẳng, đúng pháp luật, mà trong trường hợp này là thực hiện nghĩa vụ xin phép tác giả, chủ sở hữu.

Phục vụ khán giả, ngoài chuyện làm một chương trình chất lượng với ca sĩ, âm thanh, ánh sáng... còn phải có trách nhiệm với đồng tiền khán giả bỏ ra.

Khán giả hoàn toàn có quyền và có tư cách được thưởng thức một chương trình ca nhạc trong sạch và đúng pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Đâu phải ngẫu nhiên trong công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ người ta chú trọng đến “cảm giác” của công chúng - được quyền cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn bởi chương trình, tác phẩm đã thực hiện đầy đủ mọi trách nhiệm về quyền tác giả, quyền liên quan.

Ở góc độ ngược lại, việc đi thu tiền theo hợp đồng đã được ủy thác của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) là hợp lý, thể hiện trách nhiệm của trung tâm đối với số tiền phần trăm mình được trích lại, bảo vệ lợi ích của tác giả, của cộng đồng.

Nhưng cũng chính trong công tác này, nhiều tổ chức đại diện tập thể quyền khắp thế giới cũng lưu tâm đến yếu tố hỗ trợ phát triển, cũng giống như các nhà kinh doanh chăm sóc khách hàng, để sự phát triển bền vững hơn.

Suy cho cùng, có người nào chủ trương kinh doanh lâu dài lại muốn gây ồn ào khiến mình mất uy tín?

Nếu bầu sô tôn trọng pháp luật, tôn trọng công lao của nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm, việc (cố gắng) chi trả một khoản tiền tác quyền không phải là điều vượt quá tầm tay.

Nếu VCPMC khoan sức cho bầu sô nhiều hơn thì ngắn hạn có thể thu không được nhiều, nhưng ở trung hạn và dài hạn tình hình bản quyền hẳn sẽ khởi sắc hơn. Sẽ không thể có một thương vụ thành công nếu không bên nào chịu nhượng bộ, chỉ khư khư bám lấy cái lý của mình để đòi tiền cao hoặc không chi trả.

Và cơ quan quản lý nhà nước, khi đã nhìn thấy lỗ hổng trong việc cấp phép cho các chương trình chưa thực hiện trách nhiệm pháp lý thì cũng nên trám lại bằng cách yêu cầu có xác nhận được phép sử dụng tác phẩm (có hoặc không trả phí) trước khi cấp phép biểu diễn.

Có như thế con số thống kê hơn 90% vi phạm bản quyền trong các lĩnh vực tại VN mới mong giảm bớt và luật pháp mới mong nghiêm minh hơn trong cuộc chơi toàn cầu.

HOÀNG NGUYÊN

Càng công khai minh bạch, càng dễ xử lý

Cá nhân các nhạc sĩ không tự thu được mà thông thường nhạc sĩ ủy quyền cho một tổ chức. Theo tôi, việc thu bản quyền là quan hệ dân sự, việc thu như thế nào cũng phải linh hoạt và dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên.

Xét về mặt luật pháp, các nhạc sĩ có quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả. Nếu như các ca sĩ có quyền thỏa thuận về giá cátsê, tại sao các nhạc sĩ không được quyền thỏa thuận giá khi chương trình sử dụng ca khúc của họ?

Thực tiễn việc thực thi quyền tác giả và quyền liên quan có nhiều vấn đề phát sinh, cứng nhắc thì không thể giải quyết được. Việc thu phí tác quyền cũng sẽ phải tùy thuộc vào từng tính chất của cuộc biểu diễn, là chương trình thương mại, từ thiện hay vì mục đích chính trị.

Trên thế giới hiện nay áp dụng cách thu phí bản quyền dựa trên doanh thu lợi nhuận của chương trình. Ở VN, cách tính của VCPMC chỉ có tính tương đối. Theo tôi, chính xác nhất là thu tiền tác quyền từ doanh thu thực tế.

Tuy nhiên, cái khó tại VN là chẳng ai muốn công khai doanh thu thực tế của chương trình cả. Việc không minh bạch trong các con số dẫn đến việc những người đi thu tiền tác quyền lúng túng bấy lâu nay.

Như GEMA - Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc của Đức - mỗi năm thu hơn 1 tỉ euro, trong đó họ trích lại 15% để duy trì hoạt động và trả lương. Mặt khác, nếu 15% này vẫn còn dư thì họ sẽ đưa vào các quỹ khuyến khích, hỗ trợ âm nhạc... Hằng năm, họ tổ chức đại hội thành viên.

Các nguyên tắc của tổ chức, cách thức thu tiền bản quyền sẽ phải thông qua bởi đa số thành viên tham gia. Càng công khai minh bạch thì càng dễ xử lý các vấn đề phát sinh. 

Theo tôi, trung tâm của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã rất dũng cảm khi đặt ra vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc cho các nhạc sĩ.

Trong số các trung tâm hoạt động về bản quyền hiện nay như Hiệp hội Công nghiệp ghi âm, Hiệp hội Quyền sao chép VN... phải khách quan nhìn nhận rằng VCPMC đang hoạt động hiệu quả nhất.

Với tình hình bản quyền ở VN hiện tại thì chúng ta hãy nhìn vào mặt được của trung tâm để từ đó góp ý cho nó hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Ông Vũ Ngọc Hoan
(phó cục trưởng phụ trách Cục Bản quyền tác giả)
H.Hương ghi

Nên thu tiền sau đêm diễn

Việc thu tiền tác quyền sân khấu hoàn toàn khác với thu tiền bản quyền các tác phẩm đã ghi âm hay được các trang âm nhạc đưa lên mạng để kinh doanh. Thu tiền bản quyền trên sân khấu cần một kết luận thực tế cuối cùng sau buổi diễn mới có thể xác quyết.

Người thu bản quyền có thể dự trù số thu được trên chương trình biểu diễn và số ghế được bán ra, nhưng đó vẫn là tạm tính.

Dự trù là 10 triệu đồng cho 10 bài hát, nhưng cũng có thể chương trình chỉ trình diễn tám bài do giao lưu quá dài. Và cũng có thể nhiều bất trắc khác xảy ra như cúp điện, ca sĩ không đến... là những chuyện không ai có thể lường trước được.

Vì vậy, việc tổng kết đêm diễn với những số liệu chính xác nhất để thu tiền tác quyền sau đó là điều hợp lý nhất để không gây tranh cãi. Việc thu tiền tác quyền trước đêm diễn cũng sẽ rối rắm, nếu như trong đêm diễn có một hoạt động tặng tiền từ thiện bất ngờ.

Trên toàn thế giới, ở những nước có luật bản quyền văn minh, tiền từ thiện trong các chương trình luôn được tính đến trước khi tổng thu.

Thu tiền bản quyền là một hoạt động dân sự dựa trên khung luật pháp chứ không phải là vấn đề quản lý hành pháp cấp quốc gia. Chính vì vậy thu tiền bản quyền cần có đủ sự thuyết phục từ người thu đến người trả, nếu không tính chất sự việc sẽ vô giá trị như nhau.

Ngay trong trường hợp tranh chấp dân sự, việc tự giải quyết hỗn loạn với nhau chứ không phải là tòa án cũng cho thấy các giá trị tư pháp và hành pháp trong vấn đề bản quyền có một lỗ hổng đáng lo ngại.

Lâu nay chuyện thu chi tiền bản quyền vẫn được nói đến với những ý kiến trái chiều nhau. Rất nhiều người cảm ơn vì sự có mặt của VCPMC, vì không có họ thì sẽ chẳng có gì, nhưng cũng có người không thể hài lòng vì giá trị của hoạt động thu chi chưa đủ minh bạch ở nhiều nguồn.

Việc tranh cãi về bản quyền vẫn diễn ra, vẫn chưa giải quyết hết được, rõ ràng cho thấy các bất cập ở VCPMC là điều hoàn toàn có thật.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

>> 
>> 
>> 

t.t
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp