01/09/2014 15:00 GMT+7

​Con ăn giặm, mẹ chớ vội

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - 6-10 tháng tuổi rất quan trọng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé. Tuy nhiên vẫn có nhiều bà mẹ cho con ăn sai cách trong độ tuổi này.

Tùy từng độ tuổi mà cho con ăn các loại thức ăn phù hợp - Ảnh: Hữu KHoa

Những sai lầm này chủ yếu xuất phát từ tâm lý vội vàng, nóng ruột của mẹ muốn con nhận được càng nhiều dinh dưỡng càng tốt. Vì vậy vô tình vì thương con hóa ra mẹ lại làm ảnh hưởng quá trình ăn uống của con.

Mẹ nóng ruột, con biếng ăn

Chị N.M.P. (Q.10, TP.HCM) đưa con gái 10 tháng tuổi đến Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khám vì ba ngày liên tục con chị không ăn muỗng cháo nào. Chị P. cho biết con gái ăn giặm từ lúc 4 tháng tuổi. Mấy tháng đầu bé ăn rất ngon, mỗi bữa một chén đầy, ăn thêm các bữa phụ là trái cây, sữa chua, váng sữa.

“Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, có nhu cầu, thói quen, sở thích khác nhau. Mẹ muốn chăm con tốt thì phải thấu hiểu con mình. Chớ nên máy móc, ép con ăn hết cháo, uống hết sữa quy định. Nếu ép quá nhiều trẻ có tâm lý sợ hãi dẫn đến tình trạng biếng ăn càng nặng”

Bác sĩ CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Tuy nhiên, hai tháng gần đây bé rất biếng ăn, mỗi bữa ép lắm chỉ ăn được mấy muỗng cháo, sữa cũng không chịu uống. Chị P. tìm mọi cách từ mua xirô trị biếng ăn đến bỏ đói con nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

Không như chị P., chị H.T.H. (Q. Bình Thạnh) lại không vội vàng cho con ăn giặm sớm mà tuân thủ nguyên tắc “6 tháng đầu hoàn toàn bằng sữa mẹ”. Bé được 7 tháng tuổi, chị cho con ăn giặm theo kiểu Nhật (ăn cháo trắng, cho ăn riêng từng món...). Vì nghỉ việc ở nhà chăm con nên chị H. rất kỳ công chế biến món ăn. Con gái chị tỏ ra rất háo hức với thức ăn mẹ nấu. Thấy con ăn ngon miệng chị H. tăng từ một cữ cháo lên bốn cữ cháo trong một ngày.

Con biếng uống sữa nhưng người thân động viên “ăn được sẽ cứng cáp, không cần đến sữa” nên chị H. yên tâm cho con ăn. Tuy nhiên đến tháng thứ 9 con gái chị có biểu hiện biếng ăn trầm trọng, không ăn thức ăn lẫn uống sữa, đi ngoài phân sống và thường xuyên táo bón.

Theo bác sĩ Nguyễn Nhân Thành, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, trong quá trình khám dinh dưỡng cho các bé biếng ăn, bác sĩ nhận thấy trường hợp cho con ăn sai cách như chị P., chị H. dường như rất phổ biến. Cụ thể các bà mẹ thường mắc những sai lầm sau:

Cho con ăn giặm quá sớm so với tháng tuổi quy định: có rất nhiều người quan niệm phải cho ăn giặm sớm con mới cứng cáp, nhưng thực tế không phải vậy. Lý tưởng nhất là nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu trẻ có biểu hiện muốn ăn giặm và sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu của bé, mẹ có thể thay đổi thời điểm ăn giặm.

Cụ thể, đối với trẻ bú mẹ phải đợi đến lúc bé tròn 5 tháng, còn với trẻ bú bình phải đợi đến lúc bé tròn 4 tháng mới bắt đầu cho bé tập ăn bột ngọt. Sau đó đến tháng thứ 7 cho bé ăn bột mặn với đủ các nhóm chất: bột, đạm, béo và vitamin. Nhiều bà mẹ vội vã cho con ăn bột mặn quá sớm, nhồi tôm, cua, cá, thịt cho con khi bé ăn giặm được mấy tuần vì sợ con thiếu chất.

Cho con ăn quá nhiều, thiếu cân bằng các nhóm chất: khi mới được cho ăn giặm, các bé đều ăn rất ngon vì lúc này bé rất háo hức khám phá thức ăn mới. Các bà mẹ thấy con ăn ngon thường cho con ăn nhiều. Thậm chí một số bà mẹ còn cố ép con để con “giãn ruột” sau này ăn nhiều. Bên cạnh đó các mẹ thường cho con ăn những thức ăn giàu đạm như tôm, cua, cá, thịt... vì muốn con cứng cáp, khỏe mạnh. Điều này khiến khẩu phần ăn của trẻ không cân bằng.

Lấy thức ăn bữa phụ làm bữa chính: những thức ăn như sữa chua, trái cây, váng sữa, bánh flan... chỉ là thức ăn để bé ăn bữa phụ. Thế nhưng các bà mẹ thường cho con ăn nhiều, hậu quả trẻ sẽ dần bỏ bữa chính.

Cho con có phản xạ đói

Để bé không biếng ăn và nhận được chế độ dinh dưỡng hợp lý, bác sĩ Thành khuyến cáo các bà mẹ cần bỏ tâm lý xót con quá mức dẫn đến những ứng xử tiêu cực.

Nên cho trẻ có phản xạ đói bằng cách xây dựng khẩu phần ăn và thời gian biểu hợp lý. Mỗi bữa ăn và cữ bú cách nhau ít nhất hai tiếng, giờ giấc cố định, chỉ nên xê dịch nửa tiếng. Khẩu phần ăn phải cân bằng, hợp lý. “Với trẻ dưới 1 tuổi sữa vẫn là chủ yếu, chiếm 2/3-3/4 tổng thức ăn trong một ngày của bé, chỉ nên vượt chỉ tiêu sữa chứ không được vượt chỉ tiêu cháo” - bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Nếu trẻ biếng ăn quá mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khám và tư vấn cụ thể về chế độ ăn uống theo tháng tuổi và cân nặng của bé, hạn chế hoặc cắt luôn các loại thức ăn bữa phụ để trẻ ăn bữa chính thật tốt, đến khi trẻ đạt cân nặng và thói quen ăn uống trở về bình thường mới cho trẻ ăn lại các thức ăn phụ này. Không nên thấy con không ăn cháo, uống sữa thì vội vã thay bằng sữa chua, trái cây, váng sữa...

Lúc bắt đầu ăn giặm, dạ dày trẻ rất nhỏ, hệ tiêu hóa đang non yếu nên chỉ tiêu hóa được một lượng thức ăn rất ít. Ví dụ trẻ 6 tháng tuổi mỗi bữa chỉ nên ăn bảy muỗng cà phê bột nấu chín, mẹ tuyệt đối không nên thấy bé háo hức ăn mà cho ăn nhiều. Những thức ăn giàu đạm mẹ cũng không nên vội vã cho con ăn quá sớm. Tùy từng độ tuổi mà cho con ăn các loại thức ăn phù hợp. Đừng bắt một em bé 6 tháng tuổi ăn tôm, cua hay ngược lại một em bé đã 8 tháng tuổi cứ ăn bột dinh dưỡng.

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp