02/09/2014 02:51 GMT+7

​Bạn đọc phải được “nói” nhiều hơn

MAI HƯƠNG - VIỄN SỰ ghi
MAI HƯƠNG - VIỄN SỰ ghi

TT - Nhiều góp ý của bạn đọc nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ đã đòi hỏi Tuổi Trẻ tăng thêm tính phản biện xã hội, tính tương tác với bạn đọc.

Ảnh: M.H.
Ảnh: M.H.

Đồng thời đi sâu vào những vấn đề bức xúc đời thường của người dân...

* Bà Trương Thị Thanh Trúc (cán bộ quân đội ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Ðể dân “nói” nhiều hơn

Cả nhà tôi đọc Tuổi Trẻ từ ngày báo mới ra đời, đến nay đã mấy chục năm. Chúng tôi thật sự gắn bó, yêu quý tờ báo, nhận thấy đây là tờ báo có dũng khí, có tiếng nói mạnh mẽ, dám nói thật nhiều vấn đề, đặc biệt là các đề tài liên quan đến dân sinh, những bê bối của cán bộ, cơ quan nhà nước.

Bản thân tôi là cán bộ quân đội, là đảng viên, nếu báo chí không lên tiếng thì tôi cũng có thể tìm hiểu thông tin từ những nguồn khác, kênh khác.

Riêng với người dân bình thường, có thể nói báo chí là kênh duy nhất để họ biết được những mặt trái, tiêu cực đang xảy ra trong bộ máy công quyền, nhất là khi tình trạng bưng bít thông tin vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều ngành.

Theo dõi Tuổi Trẻ thời gian gần đây, tôi thấy báo đi tiên phong vào nhiều vấn đề nóng như vụ máy tính bảng cho học sinh, vụ vợ liệt sĩ tái giá không được công nhận mẹ Việt Nam anh hùng, vụ người dân khiếu kiện 13 năm mới được giải quyết...

Những chuyện đó diễn ra hằng ngày trong cuộc sống, dân bức xúc cũng nhiều nhưng không thấu được tới tai ai. Báo không lên tiếng thì chưa chắc đã được quan tâm giải quyết.

Cho nên tôi mong Tuổi Trẻ hãy cải tiến theo hướng để cho người dân, nhất là những người dân thường không chức tước, không địa vị, “nói” nhiều hơn trên mặt báo. Chúng tôi có được nói trên báo mới mong có nhiều người nghe.

Dĩ nhiên, không phải vấn đề nào báo nêu lên cũng được giải quyết ngay nhưng chịu nói, dám nói đã là một bước thành công. Tôi mong Tuổi Trẻ dù cải tiến thế nào vẫn hãy giữ vững lập trường, kiên trì với mục tiêu là đứng về phía những người dân nghèo, sức yếu, thế cô trong xã hội.

Ảnh: T.Đ.
Ảnh: T.Đ.

* Luật sư HÀ HẢI (Ðoàn luật sư TP.HCM):

Cần nhiều “quy trình ngược”

Trang Bạn đọc của Tuổi Trẻ những năm qua đã được chú trọng nhiều, với việc tăng trang, tăng chuyên mục. Tuy nhiên tôi mong muốn tính tương tác của trang Bạn đọc phải cao hơn nữa. Lâu nay, đa số vấn đề mà bạn đọc tham gia viết bài, đóng góp ý kiến thường là từ những tuyến bài, những vấn đề Tuổi Trẻ khơi gợi.

Ðiều này tạo ra sự cộng hưởng, nhưng sẽ có cộng hưởng lớn hơn, thu hút bạn đọc tham gia hơn nếu như có nhiều vấn đề được nêu là từ chính ý tưởng của bạn đọc và tòa soạn Tuổi Trẻ mạnh dạn triển khai. Ðây có thể coi là “quy trình ngược” nhưng rất cần thiết.

Thực tế cũng có tuyến bài, có những chương trình trên Tuổi Trẻ được thực hiện từ “quy trình ngược” này. Nhưng tôi thấy trang Bạn đọc cần là cầu nối mạnh mẽ hơn nữa để khơi gợi ý tưởng của bạn đọc.

Ngoài ra, Tuổi Trẻ cũng cần dành hẳn một trang báo nhất định cho các bạn đọc làm báo. Ðó phải là trang báo riêng, thật sự, với văn phong, cách tác nghiệp của bạn đọc, dành cho bạn đọc “tung hoành”.

Hiện nay bạn đọc cộng tác với Tuổi Trẻ khá nhiều nhưng chưa có một trang báo chuyên biệt cho những bạn đọc làm báo, nên chưa thúc đẩy tối đa “máu nghề nghiệp” của bạn đọc.

Ảnh: M.H.
Ảnh: M.H.

* Ông Nguyễn Văn Hùng (Q.Tân Bình, TP.HCM):

Viết về kinh tế đời thường

So với các tờ báo khác, Tuổi Trẻ là tờ báo chịu khó đổi mới và thường có những đợt cải tiến báo cho phù hợp với xu hướng và nhu cầu bạn đọc. Tôi chỉ muốn nhắc một điều là cho dù cải tiến thế nào cũng phải duy trì và phát huy cho được thế mạnh tương tác với bạn đọc.

Một vấn đề khác tôi quan tâm là Tuổi Trẻ nên cải tiến nội dung trang Kinh tế. Có cảm giác nội dung kinh tế trên báo vĩ mô quá, toàn nói những vấn đề mang tầm quốc gia, có vẻ dành cho người làm chính sách, chuyên gia kinh tế đọc hơn là cho bạn đọc bình dân.

Trong khi kinh tế còn là những vấn đề liên quan chuyện cơm áo gạo tiền mà người nào, nhà nào cũng đối mặt hằng ngày. Giá cả thị trường ra sao, hàng hóa chất lượng thế nào, doanh nghiệp đang khó khăn ra sao, công ty nọ, công ty kia bê bối thế nào... - đó là những điều người ta muốn biết.

Rồi còn nông dân vất vả thế nào, họ đang nghĩ gì, đang làm gì, nông nghiệp lao đao làm sao - báo phải đi sâu. Nông nghiệp, nông thôn là một mảng đề tài rộng, liên quan đến nhiều thân phận nhưng Tuổi Trẻ vẫn chưa chạm tới được cái cốt lõi của vấn đề, chưa có cách tiếp cận mới so với cách làm trước đây.

Ðây là khâu Tuổi Trẻ cần đột phá sắp tới.

Ảnh: V.S.
Ảnh: V.S.

Bạn đọc LÊ CAO (Ðà Nẵng):

Tăng chất phản biện và phóng sự điều tra

Báo Tuổi Trẻ có truyền thống, có sự tin tưởng của nhiều bạn đọc để tiếp tục phát huy vị trí của mình trong làng báo. Tuy nhiên Tuổi Trẻ cần phải thật sự cải tiến, tăng cường hai vấn đề: phản biện chính sách, pháp luật và tăng cường cả chất lượng và số lượng phóng sự điều tra.

Ðời sống chính trị - xã hội luôn gắn liền và chịu tác động với các chính sách, quy định pháp luật, mà trong đó không thiếu những quy định thiếu thực tiễn, chất lượng yếu kém tác động tiêu cực đến đời sống người dân.

Tuổi Trẻ cần thường xuyên có những ý kiến, những bài viết có tính chất phản biện đối với các quy phạm pháp luật, đối với các đường lối, chính sách ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề phản biện phải được phản ánh lồng ghép với thực tiễn cuộc sống, chứ không đơn thuần là những phản ánh, trao đổi mang tính nghị trường, hội họp.

Phản biện sớm, phản biện có chất lượng sẽ góp phần ngăn chặn các chính sách, quy định pháp luật sai lầm, lạc lối được ban hành, góp phần tạo ra các chính sách, quy định pháp luật phù hợp, chất lượng để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Việc nâng cao chất phản biện của tờ báo cũng là cách để Tuổi Trẻ phát huy tính trí tuệ của tờ báo.

Mảng phóng sự điều tra về các vấn đề nóng như nạn tiêu cực, tham nhũng, sự lãng phí, các vấn đề như tệ nạn xã hội, tội phạm... của Tuổi Trẻ còn yếu.

Nếu các vấn đề chính trị - xã hội mà chỉ được thể hiện thông qua các tin bài, từ các nguồn tin truyền thống do các cơ quan nhà nước cung cấp, mà thiếu các nguồn thông tin, sự kiện từ thực tiễn cuộc sống, từ chính người dân thì tờ báo sẽ không tránh được sự trùng lắp với các thông tin của nhiều tờ báo khác.

Nếu tăng chất tự tìm kiếm, điều tra để thu thập thông tin, Tuổi Trẻ mới có thể tạo nên những khác biệt, tạo ra các sản phẩm báo chí mang bản sắc riêng của mình.

 

MAI HƯƠNG - VIỄN SỰ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp