Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Ảnh: H.Khoa |
Giảng viên cao cấp Triệu Vũ (nguyên trưởng khoa lịch sử Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận xét: “Ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao, không phải ai cũng nhận thức được tính chất khổng lồ, phức tạp và lâu dài của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước sau chiến tranh, nhưng Hồ Chí Minh đã nhìn thấy và cảnh báo trước”.
Theo ông Vũ, “cuộc chiến khổng lồ” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong di chúc bao trùm đậm nét nhất là vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng con người, đào tạo cán bộ - những chuyện mà Bác gọi là “công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”.
Chỉnh đốn Đảng, giáo dục cán bộ
Rất nhiều cuộc họp trung ương mà Bác chủ trì, Bác không cho ra nghị quyết. Bác bảo là bàn thấu đáo, kỹ lưỡng rồi tất cả cùng hành động. Phương châm của Bác là nói ít, làm nhiều, hành động là chủ yếu |
Giáo sư, tiến sĩ HOÀNG CHÍ BẢO |
Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận trung ương) phân tích: “Nếu căn cứ vào ngôn ngữ của Bác trong di chúc, bao giờ Bác cũng đặt dân lên hàng đầu. Dân tộc là tối thượng, Tổ quốc là trên hết, lợi ích phát triển đất nước là lợi ích cốt lõi của quốc gia. Nhưng trong những lời căn dặn, lời đầu tiên, Bác dặn về Đảng”.
Theo ông Bảo, là người sáng lập và rèn luyện Đảng, Bác hiểu rõ mặt mạnh, mặt yếu của Đảng, các yếu kém, khiếm khuyết của tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên. Mối bận tâm lớn nhất của Người là làm thế nào để Đảng không xa dân khi đã cầm quyền.
Giảng viên Triệu Vũ cho rằng tệ tham nhũng, tiêu cực nay đã thành căn bệnh của xã hội, đã có dấu hiệu di căn khi tham nhũng vặt thành phổ biến, tham nhũng lớn không còn là hiếm. “Vì vậy trong dân gian đã có những câu hài hước rằng: Có không ít trường hợp anh tiêu cực xét xử anh tham nhũng, anh lãng phí xét xử anh tham ô” - ông Vũ chua xót nói.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đồng quan điểm khi dẫn chứng rằng dự cảm của Bác về vấn đề chỉnh đốn Đảng đã có từ tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947.
Đây giống như một bản “xét nghiệm” đối với Đảng và Bác cũng đã kê ra rất nhiều bệnh của cán bộ đảng viên, đồng thời kê cả thuốc. Rồi đến bản di chúc viết năm 1968, Bác nói sau khi kết thúc chiến tranh phải chỉnh đốn Đảng ngay.
“Tôi cho rằng nên nghiên cứu về di chúc của Bác theo hướng là chúng ta đã làm cái gì, làm thế nào mà từ khi Bác viết di chúc đến nay, sau mấy mươi năm, nghị quyết trung ương 4 vẫn còn nhận định hiện trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất.
Nên nhìn nhận thế nào nếu ta cứ ca ngợi di chúc của Bác là đỉnh cao của trí tuệ, là ánh sáng soi đường nhưng trong thực tế ta chưa làm được như lời Bác dặn? - ông Nguyên đặt vấn đề và nhấn mạnh - Ta nói di chúc của Bác là ánh sáng soi đường thì phải làm thế nào để ánh sáng ấy soi được những góc khuất nhất, tối nhất trong hiện thực xã hội”.
Phải đoàn kết để giữ nước
Tiến sĩ Trần Thị Minh Tuyết (giảng viên khoa tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí - tuyên truyền) thống kê được trong Hồ Chí Minh toàn tập có 43% bài viết đề cập đến vấn đề đoàn kết. Còn trong hơn 1.000 từ của bản di chúc, từ “đoàn kết” được Bác nhấn mạnh đến tám lần, chứng tỏ suy ngẫm của Người về vấn đề này rất kỹ lưỡng và thấu đáo.
Ngoài ra, theo bà Tuyết, khi đề cập đến vấn đề lợi ích thì Bác trước hết là nói về dân, nhưng khi đề cập đến yêu cầu, nhiệm vụ thì “trước hết nói về Đảng”. Cho nên chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Ở khía cạnh này, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên đặt ngược vấn đề: “Theo văn hóa Á Đông, di chúc là cái gì người ta trăn trở, băn khoăn nhất, mong muốn thực hiện nhất. Bác Hồ nói đến đoàn kết rất nhiều, chúng ta thống kê được Bác nhắc bao nhiêu lần đến từ đoàn kết nhưng chúng ta có nghĩ là tại sao như thế?
Chẳng hạn như trong một gia đình con cái hòa thuận với nhau thì lúc bố sắp mất, bố sẽ không phải dặn đi dặn lại rằng các con phải đoàn kết. Nhưng nếu con cái cãi nhau thì người bố nhất định phải dặn dò”.
Ông Nguyên cho rằng có hiểu và cảm nhận sự sâu sắc của văn hóa Á Đông thì mới hiểu được nỗi trăn trở và sự dự cảm của Bác.
Cùng mối trăn trở về chuyện này, tiến sĩ Nguyễn Bách Khoa (Huyện ủy Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nhận xét: “Về mặt tổ chức, có thể khẳng định chưa có sự mất đoàn kết hay mâu thuẫn đến mức xung đột giữa tổ chức Đảng cấp trên với tổ chức Đảng cấp dưới.
Tuy nhiên, xét về góc độ cá nhân, mặc dù chưa có công trình nghiên cứu nào về sự mất đoàn kết của đảng viên trong Đảng ở các cấp nhưng thực tế đã có không ít dấu hiệu, biểu hiện mất đoàn kết. Có nơi nghiêm trọng, kéo dài phải xử lý kỷ luật. Chuyện bằng mặt mà không bằng lòng xảy ra khá phổ biến”.
Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đúc kết rằng kế thừa lời dặn của Bác, trong bối cảnh hiện nay muốn độc lập tự chủ thì phải tin vào sức mình và phát huy cho được sức mạnh đoàn kết nhất trí trong Đảng và trong dân.
“Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ giữa các nước là quan hệ phụ thuộc và tùy thuộc lẫn nhau chứ không phải lệ thuộc. Muốn vậy, phải giữ cho được sức mạnh của ý Đảng, lòng dân. Chỉ có sức mạnh đoàn kết nhất trí này mới giúp chúng ta vượt được khó khăn. Phát triển dân tộc có mạnh mẽ thực chất bao nhiêu thì mới giữ vững được độc lập chủ quyền bấy nhiêu” - ông Bảo nhấn mạnh.
Bảo quản nguyên vẹn các kỷ vật gắn liền với cuộc đời Bác Hồ Nhân 45 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-9-1969 - 2-9-2014), cũng là 45 năm thực hiện di chúc của Người, ngày 16-8 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại nhà 67 thuộc khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ công lao vĩ đại của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu dương và mong muốn tập thể cán bộ, nhân viên khu di tích nỗ lực hết mình để giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn các kỷ vật gắn liền với cuộc đời của Bác, làm tốt việc giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè, du khách quốc tế hiểu biết sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận