18/08/2019 08:55 GMT+7

Youtuber giáo dục 'ngàn like': Người sáng tạo phải sống lành mạnh

TRỌNG NHÂN thực hiện
TRỌNG NHÂN thực hiện

TTO - Youtuber Nguyễn Đức Thịnh (25 tuổi, Hà Nội) là chủ nhân kênh YouTube 5 minutes about IELTS - một trong những kênh của Việt Nam về học tập có hơn 231.000 lượt đăng ký.

Youtuber giáo dục ngàn like: Người sáng tạo phải sống lành mạnh - Ảnh 1.

Nguyễn Đức Thịnh (giữa) chia sẻ về bí quyết thi IELTS trong buổi trao tặng học bổng IELTS Prize 2019 do Hội đồng Anh tổ chức - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Mới đây, Thịnh cũng nhận được giải nhất Học bổng IELTS Prize của Hội đồng Anh (British Council).

Làm video về học thuật, mình phát triển được nhiều, từ suy nghĩ đến lối sống. Khi làm YouTube, bản thân người sáng tạo phải sống lành mạnh, bởi tất cả mọi thứ về bạn đều được thể hiện ít nhiều trên kênh của mình.

NGUYỄN ĐỨC THỊNH

Không chỉ với Thịnh, xu hướng những thầy giáo trẻ "hóa phép" các bài giảng trên bảng phấn truyền thống thành video chia sẻ kinh nghiệm thú vị trên YouTube đang phát triển mạnh mẽ, nhất là khi nhu cầu thi IELTS ở Việt Nam rất cao.

* Cơ duyên nào đã đưa Thịnh đến công việc làm YouTube về học tiếng Anh và IELTS?

- Sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh của Học viện Ngân hàng (2015), mình theo giảng dạy ở một số trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội trong khoảng một năm rồi tự mở các lớp dạy thêm. Năm 2017, mình bước vào công việc làm YouTube do sở thích muốn chia sẻ kiến thức IELTS đã gom nhặt được. Với lại, mình cũng thích làm video từ khi còn là sinh viên.

Mình bắt đầu với những video ngắn, thời lượng khoảng năm phút về các bí quyết học tiếng Anh, những kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, đến câu chuyện học - luyện thi IELTS, bao gồm các vấn đề như từ vựng và ngữ pháp. Khi có người theo dõi, càng làm YouTube mình càng hứng thú. Những bình luận, những lời cảm ơn của người xem với kiến thức mình chia sẻ là động lực cho mình tiếp tục các sản phẩm tiếp theo.

* Cùng là công việc truyền tải kiến thức, người làm YouTube khác với một giảng viên như thế nào?

- Làm YouTube luôn cần nghĩ ra những nội dung mới, không chỉ chuyên môn tiếng Anh mà còn về hình thức truyền tải, cảm giác khi nào cũng như ngồi trên lửa vì liên tục phải sáng tạo. Điều này tương đối khác với công việc giảng dạy thường mang tính lặp lại. 

Chẳng hạn, cùng chủ đề về thì hiện tại đơn, trên YouTube mình cần truyền đạt mới hơn, sử dụng theo câu cú tốt hơn, dùng thêm các yếu tố hài hước thu hút cộng đồng thay cho cách giảng bài truyền thống.

Tiếp đến là khả năng đứng trước máy quay. Nhiều giáo viên có thể giảng dạy rất hay nhưng không tốt khi ghi hình. Mình may mắn khi có thể diễn trước máy quay tự nhiên như đang trò chuyện với người xem. Kỹ năng này ngoài năng khiếu thì cũng cần rèn luyện, những video ngày đầu của mình cũng rất thô cứng.

Ngoài ra, người làm YouTube trong không gian mạng đôi khi phải nhận trực tiếp những bình luận tiêu cực. Lúc đầu cũng thấy buồn, chán nhưng sau mình quen dần. Những kiến thức chia sẻ trên YouTube đều đến từ kinh nghiệm dùng tiếng Anh trong thực tế của mình, không phải những thứ mới đọc được mà vội vàng rao giảng...

* YouTube thường rất quan tâm đến lượt like (thích) và subscribe (đăng ký). Một người sáng tạo video về giáo dục như Thịnh có bị ảnh hưởng bởi các con số này không?

- Quả thật là có. Thậm chí có giai đoạn mình luôn bị ám ảnh bởi lượng tương tác đến nỗi như một bản năng, điều đầu tiên mình chú ý chính là lượt like và subscribe. Đôi lúc mình còn có cảm giác đố kỵ với những kênh cùng nội dung, cũng không đặc sắc lắm nhưng tương tác cao hơn mình. 

Khủng khiếp nhất là lúc mình bị một YouTuber mới nổi vượt mặt, mình áp lực đến độ nghĩ đến chuyện cạnh tranh cả trong lúc ăn ngủ. Cảm xúc đó giống như con sâu ăn mòn bản thân, làm mình trở thành người tiêu cực.

Có giai đoạn để tăng tương tác, mình quyết định giảm bớt chất học thuật trong các video, tăng thêm tính giải trí. Được ít lâu, mình lại nhận ra hướng đi này không ổn. Mình thấy điều khiến người xem đến và ở lại với một kênh là do chính phong cách riêng của chính bạn: người có nhiều người xem có phong cách riêng, mình cũng thế, và chỉ cần giữ được phong cách đó là được. 

Dần dần mình cũng bình tâm, hạn chế thói xấu so sánh với người khác từng khiến mình rất khó chịu. Làm YouTube cũng là một quá trình đấu tranh mệt mỏi, khi cần kiểm soát sự đố kỵ, giữ lấy niềm vui cho bản thân và lợi ích cho người xem.

* Được biết Thịnh vừa quyết định rẽ sang con đường du học khi mọi thứ đang có vẻ ổn định?

- Năm nay 25 tuổi, mình muốn đi trải nghiệm ở môi trường mới, khám phá thêm tiềm năng của bản thân dù có thể tương đối trễ khi du học, lại là bậc cử nhân. Tiếng Anh của mình tương đối tốt nhưng dường như chưa thể sử dụng tối đa khi ở VN nên mình cũng thấy hơi bí bách...

Sang Canada, ngoài việc học, mình tiếp tục làm YouTube. Ngoài tiếng Anh, mình cũng sẽ ghi lại cuộc sống và hành trình du học. Duyên của mình với YouTube khá lớn, trước đây ở ĐH nhờ nó mà một sinh viên từ tỉnh lẻ như mình có thể học tiếng Anh với người bản xứ mà không cần đến trung tâm, sau này cũng nhờ YouTube mà mình có cơ hội tiếp xúc với công việc làm truyền thông - truyền hình, giúp mình tìm được hướng du học về chính ngành này ở Trường ĐH Prince Edward Island (Canada).

Đáp ứng nhu cầu giới trẻ

Nguyễn Hoài Bảo (19 tuổi, TP.HCM) đang chuẩn bị cho kỳ thi IELTS vào tháng 9-2019. Bảo cho biết luôn dành ra một khoảng thời gian trong ngày để xem các video trên YouTube về các "bí kíp" thi IELTS do vừa dễ xem vừa hữu ích. "Một ngày thay vì xem video giải trí, mình xem các kênh tiếng Anh khoảng 30 phút, được khoảng 2-3 video là biết thêm được rất nhiều từ và bí quyết hay" - Bảo nói.

Đ.H.T. (28 tuổi) - giảng viên tiếng Anh tại TP.HCM, cũng đang có ý định mở kênh YouTube về tiếng Anh - cho biết đây gần như là xu hướng với những bạn trẻ năng động, bởi ngoài thời gian đứng lớp có phần "nhàm chán", các bạn có thêm một môi trường để chia sẻ những bài học cho nhiều người hơn. "Nhưng không phải ai cũng thành công, điều này còn phụ thuộc vào may mắn của mỗi người" - T. nói.

Trong khi đó, Trần Minh Đạt (24 tuổi, TP.HCM) cũng là một người theo dõi trung thành kênh của Thịnh. Đạt nhận xét hiện nay có nhiều kênh làm về IELTS nhưng kênh của Thịnh nổi bật hơn bởi tính gần gũi và thực tế, những bí quyết làm bài tưởng chừng đơn giản nhưng lại hiệu quả cao. "Thịnh thỉnh thoảng cũng làm các video chia sẻ về lối sống hay tự rèn luyện bản thân..., nghe nhiều cũng có thêm động lực cho mình" - Đạt nói.

Hậu trường kiếm tiền từ Youtube, Facebook của các chủ kênh YouTuber Việt

TTO - Từ 2018, YouTube quy định một kênh cá nhân chỉ có thể bật tính năng kiếm tiền khi đã đủ 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký. Một video hút người xem chưa chắc đã kiếm được nhiều tiền...

TRỌNG NHÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp