"Youthquake" (tạm dịch: chấn động trẻ) được định nghĩa là "những thay đổi quan trọng về văn hóa, chính trị, xã hội phát sinh từ hành động hoặc ảnh hưởng của thanh niên". Từ này được Từ điển Oxford bình chọn là Từ của năm 2017.
Một cuộc biểu tình của sinh viên tại London, Anh - Ảnh: Alamy
Thế hệ X: sinh từ giữa thập niên 1960 tới những năm đầu đầu 1980.
Thế hệ Y (thế hệ Thiên niên kỉ): sinh từ 1983-2000. Cuộc Đại suy thoái kinh tế giai đoạn 2007-2012 ảnh hưởng nhiều đến những người này, vì gây ra tỉ lệ thất nghiệp cao ở người trẻ.
Thế hệ Z (thế hệ i, thế hệ Hậu thiên niên kỉ): sinh từ giữa thập niên 1990 tới giữa những năm 2000, hiện chưa có dự đoán kết thúc. Đây là thế hệ sử dụng Internet từ khi còn nhỏ, tiếp cận sớm với công nghệ và mạng xã hội.
Thuật ngữ này được sử dụng nhiều hơn 401% lần vào năm 2017, cho thấy sự thay đổi về mức độ quan tâm tới chính trị của thế hệ Thiên niên kỷ (thế hệ Y, sinh từ khoảng 1983-2000).
Báo chí quốc tế liên tục sử dụng từ "youthquake" trong những bản tin về cuộc tổng tuyển cử ở Anh và New Zealand, như những ví dụ tiêu biểu về thế hệ cử tri trẻ đang vận động để ủng hộ đảng họ yêu thích.
"Youthquake" được chọn là 1 trong 10 từ nổi bật bên cạnh những thuật ngữ chính trị thời sự khác, như "Antifa" - từ rút gọn của "anti-facist" (chống phát xít) đã biến đổi qua thời gian và trở thành một danh từ riêng chỉ một phong trào chính trị; hay "kompromat" có nghĩa thu thập thông tin thỏa hiệp để tống tiền, điển hình cho các mục đích chính trị.
"Kompromat" trờ thành từ nổi bật nhất tháng 9 khi chính trị gia người Nga Nikita Isaev đe doạ "đánh Donald Trump bằng kompromat của chúng tôi" trên đài truyền hình quốc gia Nga.
Ngoài ra danh sách này còn bao gồm từ "milskhake duck", thuật ngữ chỉ người hoặc vật mang lại cảm hứng tích cực ban đầu trên mạng xã hội, nhưng sau đó sớm bị vạch trần có quá khứ không mấy tốt đẹp.
Mặc dù mới được nhắc đến trong thời gian gần đây trong từ điển Oxford, thực tế "youthquake" đã xuất hiện lần đầu vào năm 1965, do biên tập viên Diana Vreeland của tạp chí Vogue dùng để diễn tả cách giới trẻ làm thay đổi lĩnh vực thời trang và âm nhạc trên toàn thế giới.
Nhà nghiên cứu từ ngữ học Susie Dent cho biết năm 2017, danh sách từ không có nhiều từ mang tính tích cực. Những thuật ngữ như "Antifa" và "Kompromat" xuất hiện vào những thời điển gây thất vọng.
Sự xuất hiện của "youthquake" giúp họ tìm thấy sự hi vọng khi có thêm những từ ngữ tích cực trong năm, kết thúc một năm nhiều khó khăn và chia rẽ.
Người trẻ biểu tình ở Catalonia, Tây Ban Nha - Ảnh: Juan Carlos Cardenas/EPA
"Youthquake không tự dưng được chọn là "Từ của năm". Hiện nay "youthquake" đã trở thành một từ phổ biến ở Mỹ và không ngừng phát triển ở Anh" - ông Casper Grathwohl, Giám đốc Từ điển Oxford, cho hay.
Trong bài giải thích quyết định, ông Grathwohl viết: "Chúng tôi chọn "youthquake" dựa trên bằng chứng và mối quan tâm về ngôn ngữ của mình. Nhưng quan trọng nhất, vào thời điểm mà ngôn ngữ của chúng ta phản ánh sự bất an sâu sắc, "youthquake" là một từ chính trị hiếm hoi mang ý nghĩa tích cực, và bao hàm cả sự hy vọng. Đôi khi chúng ta chọn một từ đơn giản vì nhận ra thời điểm của nó đã đến. Tôi tin "youthquake" là từ đã tập hợp người trẻ lại trong suốt năm qua".
Các "Từ của năm" được lựa chọn bởi các hãng từ điển khác bao gồm "fake news" (tin giả) - do từ điển Collins bình chọn và "feminism" (nữ quyền) do từ điển Merriam-Webster Hoa Kỳ chọn dựa trên sự quan tâm ngày càng tăng sau Ngày Phụ nữ Toàn cầu vào đầu năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận