Phóng to |
1. Tròn một tháng sau ngày xảy ra tai nạn cháy nổ gas ở khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương làm hơn chục người thương vong, Nguyễn Thị Ngọc (chi hội trưởng Chi hội thanh niên công nhân nhà trọ khu phố 1B) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chiều hôm đó tôi đang chuẩn bị cho ba đứa nhỏ ăn uống thì nhận được điện thoại của một người bạn báo tin vụ cháy nổ bình gas kinh hoàng tại một dãy nhà trọ trong cùng khu phố, cách nhà tôi chừng cây số. Tôi chạy ngay tới thì trông thấy một cảnh tượng hết sức đau lòng: trong đống đổ nát vẫn còn nghi ngút khói hắt lên mùi khét lẹt, hàng chục nạn nhân tuổi còn rất trẻ đang rên la cầu cứu, người bị cháy sém hết đầu tóc, quần áo, người bị thương do nhà đổ, đồ vật rơi trúng...”. Chứng kiến thảm cảnh đau lòng đó, Ngọc đứng trân người suốt mấy phút, rồi chị sực tỉnh bấm điện thoại thông báo cho các thành viên trong chi hội thanh niên khu phố biết, kéo đến mỗi người một tay chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế, trấn an những người bị ảnh hưởng.
"Nguyễn Thị Ngọc là người khá đặc biệt, dường như bạn ấy yêu mến tất cả mọi người và được tất cả mọi người yêu mến" |
2. Gần chục năm qua, những công nhân ở khu phố 1B, phường An Phú đã quá quen với hình ảnh chị chủ nhà trọ Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1981), người mẹ trẻ một nách ba con “suốt ngày đi lo chuyện thiên hạ”.
Những lá thư ép nhựa Trân trọng những tình cảm của học trò, mỗi khi ra đường Ngọc luôn mang theo xấp thư bày tỏ tình cảm của các em nhỏ, nhờ tham gia lớp học tình thương mà biết đọc biết viết. Những lá thư được chị ép nhựa cẩn thận, đựng chung với giấy tờ tùy thân. Năm ngoái, trên đường từ TP.HCM về nhà, đến ngã tư Bình Chuẩn (Thuận An) chị bị kẻ gian giật mất chiếc túi. Nhiều ngày sau đó, trên đoạn đường xảy ra vụ cướp giật, người ta thấy những mảnh giấy ghi dòng chữ: “Ai nhặt được những bức thư của các con tôi gửi cô giáo Nguyễn Thị Ngọc, xin vui lòng liên hệ số điện thoại 0913... Xin cảm ơn và hậu tạ”. |
Cha mẹ bận mưu sinh, chị và anh trai song sinh Nguyễn Quốc Phong từ khi chập chững biết đi đã được gửi về quê ngoại ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Nhà ngoại cũng nghèo nên từ năm học lớp 2, anh em chị đã đội mâm đi bán bánh ú, kẹo mứt cho mấy bạn đồng lứa. Quá khó khăn, người anh phải bỏ dở việc học đi làm thuê khi chưa hết tiểu học. Cả nhà dồn hết cho Ngọc, nhưng chị cũng theo tới lớp 8 rồi đi phụ việc cho quán giải khát. Được vài năm chị khai tăng tuổi lên cho đủ trưởng thành để xin làm công nhân may ở Khu công nghiệp Việt Hương, cách nhà chừng chục cây số.
Khi huyện Thuận An được quy hoạch làm khu công nghiệp, nhiều công ty ồ ạt mọc lên, công nhân các nơi tụ về, cha mẹ chị mới vay mượn tiền phá khu vườn tràm phía sau nhà, dựng lên mấy phòng trọ bằng tranh tre, rồi dần dà vay thêm tiền xây cất được hơn 300 phòng trọ như hiện nay. Bây giờ Ngọc đã là “chị chủ”, nhưng vợ chồng Ngọc vẫn ở trong căn nhà nhỏ phía sau dãy nhà trọ. Căn nhà không khác mấy những phòng trọ của công nhân, luôn mở rộng cửa đón tiếp mọi người.
3. Ngọc dành tình cảm đặc biệt cho lũ trẻ con em công nhân. Duyên nợ tới cách đây hơn ba năm, khi đang dạy học cho con nhìn ra cửa sổ chị thấy hai đứa bé (sau này Ngọc mới biết tên là Lê Văn Tính và Nguyễn Thị Thu Hiền, cùng ở trọ tại nhà ba mẹ Ngọc) cứ đứng ngoài cửa chăm chăm ngó vào. Ngọc đánh tiếng: “Hai đứa sao không về nhà học bài đi, đứng đây làm gì?”. Hai đứa trẻ trả lời: “Tụi con muốn học như con của cô”. Ngọc hơi bất ngờ, chị suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Các con muốn học thì về nhà lấy tập sách lại đây cô dạy”. Hai đứa trẻ vô tư trả lời: “Tập là cái gì hả cô?”. Nghe tụi nhỏ hỏi, cả tuổi thơ cơ cực vừa bán bánh vừa đi học chợt hiện lên sống động trong Ngọc. Từ buổi đó Ngọc trở thành cô giáo bất đắc dĩ. Khu phố 1B có hàng trăm con em công nhân không được tới trường, nhu cầu học tập quá lớn, Ngọc đề xuất và được đoàn phường, địa phương nhiệt tình giúp đỡ. Lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ra đời, đặt tại trụ sở khu phố 1B. Thấy lớp học ở đây không thuận tiện cho việc đi lại của học sinh, Ngọc về năn nỉ mẹ cho chuyển lớp về nhà mình luôn. Hơn hai năm qua lớp học hơn 70 học sinh do cô giáo Ngọc phụ trách duy trì đều đặn mỗi tuần năm buổi tối, từ thứ hai đến thứ sáu.
Trong mắt mọi người B.V.T. (sinh năm 1991, quê ở Kiên Giang) - công nhân Công ty Yung Sing Lung đóng tại địa bàn phường An Phú - không ngần ngại kể: “Hồi mới ở quê lên tôi thường tụ tập bạn bè tổ chức uống rượu lúc nửa đêm rồi hứng lên tìm cớ gây sự, đánh nhau với thanh niên trong khu vực để giải sầu. Một lần đụng mặt với băng nhóm khác, ẩu đả tưng bừng, tôi bị “hốt” về phường, may có chị Ngọc đứng ra bảo lãnh. Rồi chị tin tưởng kêu tôi mang kìm, búa cùng đi tháo gỡ mấy tấm biển quảng cáo người ta lén giăng mắc, phun dán trên vách tường, cột điện. Được tin tưởng, giao việc tôi thấy vui lắm, rồi trở thành thành viên của hội lúc nào không hay”. Lần khác, B.V.C. (sinh năm 1989, quê ở An Giang), công nhân Công ty mì gấu đỏ gần nhà trọ của Ngọc, giấu con dao Thái Lan trong ống tay áo đi tìm nhóm thanh niên vừa kiếm chuyện với mình để “xử”. Được các công nhân “mật báo”, Ngọc đã ra ngõ cản trước đầu xe C. lớn tiếng bảo: “Lấy con dao trong người ra ngay. Em không cha, mẹ thì đang bệnh, có việc gì mẹ chết”. Bấy lâu nay sống vô tư như cỏ dại, chợt có người nói trúng phóc chuyện của gia đình mình khiến C. giật mình, cậu ta ngớ người làm rớt luôn con dao. Ông Lưu Văn Dũng, trưởng ban đại diện khu phố 1B, cũng tỏ ra ngạc nhiên: “Địa bàn khu phố tập trung rất đông công nhân, trong đó không ít thanh niên thuộc thành phần phức tạp. Nhiều lúc mình nói mấy em cháu không nghe nhưng không hiểu sao cô Ngọc nói họ lại nghe. Ngộ thiệt!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận