Rồi câu hỏi của My rất nghiêm túc: “Tương tư là gì, thưa chú?”.
Tương tư là gì?
Chú trả lời nhanh, cũng nghiêm túc: “Tương tư là sầu nhớ nhau. Người con trai, con gái lớn lên nhớ người mình thương, không lấy được nhau sinh ra buồn khổ, cũng gọi là tương tư”. Thế là My cười phá lên: “Trời, vậy mà thằng quỷ trong lớp nó nói tương tư con. Nó khùng rồi”. Theo thổ lộ của My, trong lớp 4 của cô bé ở trường quốc tế giờ có ba cặp... “iu nhau”. Các cặp này hay lén viết thư tâm tình bằng email, gửi tin nhắn và thỉnh thoảng cũng “mi” nhau! Chắc do ảnh hưởng bởi phong trào, cậu nhỏ ngồi dãy bên trái hôm nay chịu không xiết, bày tỏ tương tư với My.
Lời chia sẻ của chú hàng xóm là chỉ nên học hành, chơi với nhau kiểu bạn bè cùng lớp cho vui vẻ. Còn những thứ linh tinh khác quên đi. Lúc nào lớn thì là người lớn, nhỏ là người nhỏ, đừng bắt chước làm chi cho nhức đầu. My cười hắc hắc: “Ở trường con mấy cặp đó có khi cãi rồi rượt nhau um sùm, giống y phim Tom & Jerry”. Giáo viên một trường tiểu học công lập ở Q.6, TP.HCM cũng chia sẻ: “Lác đác học sinh khối 4,5 đã có vài biểu hiện kỳ kỳ. Nhưng ở trường các em này vẫn giữ bí mật. Chỉ trong nhóm bạn thân mới biết đứa này với đứa kia cặp đôi. Lên lớp lo dạy đã hết giờ, chỉ thúc tụi nhỏ học chứ tôi không mắt mũi nào để ý mấy chuyện đó”.
“Thủ phạm” không chỉ là dậy thì sớm
Chuyện bé gái 10 tuổi đã dậy thì bây giờ không hiếm, nhất là với những trẻ ở đô thị, có dinh dưỡng tốt cộng với những điều thường xuyên xem - nghe - đọc. Tuy vậy, chuyện nhổ giò sớm của trẻ lại đi đôi với những biến chuyển tâm lý mà người lớn khó lường.
Một thầy giáo phụ trách tham vấn học đường đề nghị giấu tên kể: “Có học trò lớp 5 tỉnh bơ nói tụi con đã thử làm như phim. Hỏi phim ở đâu ra, em đó nói phim của ba mẹ, để đầy trong phòng ngủ. Tôi sững sờ nhưng phải vừa nhẹ nhàng, vừa nghiêm mặt nói con không được làm thế nữa, ngừng ngay. Bởi chuyện đó gây hại cho con. Rồi việc nữa là mời cha mẹ gặp riêng để cảnh báo. Họ ban đầu cũng không tin, sau mới thấy sợ, rối lên”.
Nhiều bậc cha mẹ nhìn con phổng phao, nhưng vẫn giữ rịt ý niệm “nó là con nít, biết gì”. Họ không ngờ con nít giờ sẵn sàng biết đủ thứ, trong đó có lắm thứ đáng để người lớn rụng rời. Thói quen đề ra nhiều “khu vực cấm bay” trong việc dạy con, rốt cuộc làm trẻ lén lút học theo những nguồn thông tin khác. Danh nghĩa “vùng cấm bay” vẫn tồn tại, nhưng thực tế có thể đã xảy ra những vụ “oanh tạc” động trời do bắt chước mà không được kiểm soát.
Nếu phòng thủ cứng nhắc
“Cứ cấm tiệt cho nó lành”, đó là câu cửa miệng của nhiều cha mẹ. Thấy con quan tâm đến chuyện giới tính, họ vừa hoảng hốt vừa cấm đoán, vừa có thể sử dụng đòn roi để làm vật cản. Nhiều cha mẹ khác tuy ở độ tuổi còn trẻ, vẫn có thói quen sợ vẽ đường cho hươu chạy khi phải nói với con về những vấn đề giới tính. Nhưng nếu cứ phòng thủ quá cứng nhắc, chính trẻ sẽ bị thiệt hại. Không hiểu biết về cơ thể, tâm lý, những biến đổi theo sự lớn lên của mình, trẻ khó có khả năng tự bảo vệ an toàn.
Sự tò mò về giới tính là điều tự nhiên, nhất là khi trẻ bắt đầu hành trình dậy thì. Nếu sự tò mò không được chia sẻ đúng hướng, trẻ có thể có hành vi tình dục từ quá sớm.
Bởi thế nên vận dụng câu “phòng canh nóng mà thổi canh nguội”, cha mẹ nên làm bạn thân với trẻ. Với vai bạn thân sẽ chia sẻ được với trẻ những điều gần gũi, hữu ích hơn nhiều so với một “ông bà kẹ” chuyên hù dọa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận