04/03/2016 10:30 GMT+7

Yêu thương dồn tụ cuối trời

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG
L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG

TT - Chỉ cần đứng ở điểm Trường tiểu học Pa Ủ ngay cạnh bản Mu Chi có thể dễ dàng nhận ra tấm lòng yêu thương của cộng đồng dành cho người La Hủ.

Những đôi chân trần của các em bé La Hủ - Ảnh: Ngọc Quang
Những đôi chân trần của các em bé La Hủ - Ảnh: Ngọc Quang

Đây là ngôi trường mầm non dành cho các cháu ở bản Mu Chi và Nhú Ma đã được khởi công xây dựng từ những ngày đầu đề án bảo tồn và phát triển dân tộc La Hủ vừa được triển khai.

Ngôi trường trị giá 2,5 tỉ đồng này là quà tặng của Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) vào mùa xuân 2011.

Trong khuôn viên trường có thêm một ngôi nhà nội trú cho học sinh, tuy vách gỗ, lợp tôn nhưng khá khang trang, ấm áp được gắn biển “Quà tặng của diễn đàn otofun.net”...

Góp yêu thương cho đời dân hoang dại...

Chúng tôi ngủ lại ở đồn biên phòng Pa Ủ, nửa đêm nghe tiếng xe ồn ào, thức giấc mới hay đó là xe chở quà tết của một nhóm thiện nguyện từ Hà Nội vừa lên tới.

Đấy là nhóm của cô gái có nick là An An Trần cùng hơn 20 bạn bè của cô, áp tết lại góp nhau vận động mua áo ấm, ủng mới, bánh kẹo mang lên cho các em học sinh và thầy cô ở Pa Ủ.

Sáng hôm đó, chúng tôi theo nhóm bạn trẻ này ra Mu Chi, nhìn những em bé La Hủ sung sướng nhận quà với áo ấm, ủng mới, bánh kẹo, nhìn ngôi trường khang trang hơn và cảm thấy vui nhất là học sinh giờ đã đông hơn rất nhiều so với thời điểm chuyến lên đây của chúng tôi từ bốn năm trước.

Những lần lên đây, chúng tôi cứ ngắm mãi bàn chân của những đứa trẻ La Hủ. Đấy là những bàn chân rất lạ. Móng chân hầu như không có, những cái móng bị cùn, ngắn ngủn ngay từ mũi ngón chân. Sinh ra đã chân trần trên đá núi. Thịt da trẻ thơ non mềm đến mấy rồi cũng phải thích nghi với cuộc sống núi rừng.

Nhớ lại chuyến trao quà xuân của báo Tuổi Trẻ dịp cuối năm 2011 cho thầy cô giáo và học sinh trải dài từ Pa Vệ Sủ lên Pa Ủ, Ka Lăng, Tá Bạ..., ám ảnh trong chúng tôi vẫn là những đôi chân La Hủ ấy, những đôi chân trẻ thơ với lớp da dày thô ráp phăm phăm bước đi trên những tảng đá sắc nhọn.

Hôm đó, có một nhóm học sinh ở bản Cờ Lò 2 hầu hết đều đi chân đất, hỏi ra mới hay các em đã đi bộ hơn 30km đường rừng để ra tới Mu Chi này.

Thầy giáo Phìn Văn Đức - dân tộc Giáy, người đã dẫn các em ra đây nhận quà - giải thích với chúng tôi rằng trường dự kiến cử giáo viên nhận quà từ bản Mu Chi rồi chuyển vào cho các em, bởi từ trung tâm xã vào bản hoàn toàn không có phương tiện giao thông nào đi lại được. Để đến điểm dạy, các thầy chỉ có cách cuốc bộ.

Thầy Đức kể: Từ 8g sáng qua, 17 thầy trò cùng lên đường, đi tới cuối giờ chiều thì đến bản Nậm Hãn, từ bản Nậm Hãn các thầy cô giáo ở điểm trường trung tâm có xe máy tiếp tục chạy ra đây thêm 17km nữa để đón các em rồi đưa vào bản Mu Chi. Đêm qua, các em được nghỉ lại, chờ sáng nay nhận quà.

Câu chuyện những em học sinh ở bản Cờ Lò 2 đi bộ 30km đường rừng ra nhận quà lại quay về trong câu chuyện của chúng tôi với đại tá Vũ Quang Mạo, phó chủ nhiệm chính trị biên phòng Lai Châu.

Đại tá Mạo bảo: Do ranh giới hành chính không tương thích với địa giới thiên nhiên nên chuyện đi bộ ra xã mất hai, ba ngày đường là chuyện thường ngày ở đây.

Ví như hai bản Cờ Lò 1 và Cờ Lò 2 của xã Pa Ủ, từ trung tâm vào đến bản hoàn toàn không thể nào mở đường dù là đường mòn vì bị ngăn cách bởi lớp lớp núi dựng đứng.

Muốn ra trung tâm xã Pa Ủ, thầy cô, học sinh, dân bản đều phải đi vòng về địa bàn của khu vực Mường Tè Xã, sau đó mới từ Mường Tè Xã quay ngược lên lại Pa Ủ.

Nhưng sau bốn năm trở lại với vùng đất quần cư của người La Hủ, những con đường dù chưa sánh kịp miền xuôi nhưng so với trước đây còn hơn cả một giấc mơ.

Bản Mu Chi nhìn từ Trường tiểu học số 2 Pa Ủ - Ảnh: Việt Dũng
Bản Mu Chi nhìn từ Trường tiểu học số 2 Pa Ủ - Ảnh: Việt Dũng

Mai rồi ngọn nguồn Đà Giang...

Hình ảnh vùng “tây bắc của Tây Bắc” này hôm nay cũng giống như hình ảnh của nhiều vùng cao dọc dài biên ải mà chúng tôi từng gặp nhiều năm trước.

Ví như Hà Giang, đâu xa xôi gì, mới chưa đến mười năm trước nghe đến Mèo Vạc, Đồng Văn cứ như chốn nào thăm thẳm lắm, vậy mà giờ đây trên con đường từ thành phố Hà Giang vào Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc không ngày nào không hối hả kìn kìn những đoàn xe chở du khách chiêm ngưỡng cao nguyên đá, chiêm ngắm những mùa hoa, chiêm cảm vẻ đẹp hùng vĩ của con đường Hạnh Phúc...

Trên con đường dọc sông Đà ngược lên Mường Tè, ngược lên Ka Lăng, Thu Lũm, thủy điện Lai Châu đã biến dòng sông hung dữ thành một mặt hồ chứa nước biếc xanh dài tít tắp, hai bên đường là những bản làng soi bóng, những con đường đã mở len lỏi nối từng bản nhỏ.

Nếu có những tour tuyến được thiết kế chu đáo lên với vùng núi non sông nước là lãnh địa của cộng đồng La Hủ, chắc chắn khoảng cách tiếp cận với miền xuôi của tộc người này sẽ nhanh hơn.

Nếu ai từng khát khao đặt chân lên Lũng Cú cực bắc, A Pa Chải cực tây, hay Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt - thì ở đây cũng có một địa chỉ cho bước chân chinh phục: đấy là cột mốc cũng là điểm ghi dấu nơi con sông Đà đổ vào Việt Nam, con sông Đà với bao huyền thoại hùng vĩ trong văn chương và truyền kỳ.

Nếu giờ đây những dân “phượt núi” đã không thể ngước nhìn đỉnh Phanxipan khi cái cột mốc tam giác kim loại trên đỉnh luôn nghìn nghịt người chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam nhờ hệ thống cáp treo thì sao không nghĩ đến Phu Si Lung, ngọn núi cao thứ hai Việt Nam chỉ sau Phanxipan vài chục mét ngay lãnh địa của người La Hủ?

Tất nhiên với đỉnh núi nằm ngay trên đường biên giới hai quốc gia, việc chinh phục sẽ cần nhiều yếu tố liên quan đến an ninh, biên phòng, tuy nhiên đã từng có cột mốc số 0 ngay ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, cực tây Việt Nam từ lâu nay đã được hàng vạn người tìm đến. Vậy nên giấc mơ về một tuyến đường lên đỉnh Phu Si Lung là điều nên nghĩ.

Ngược ngọn nguồn Đà Giang để sững sờ cùng những thung mây, những sân mây mênh mang với vẻ đẹp đặc thù của núi non vùng Ka Lăng, Thu Lũm.

Đấy là những chuyến lãng du trên con thuyền ngược lòng hồ thủy điện Lai Châu hôm nay, lên tận thượng nguồn để thưởng thức không chỉ thiên nhiên mà cả những loài cá tôm đặc hữu của sông Đà vang bóng.

Bao giờ thì trên con đường men sông Đà sẽ rộn ràng những chuyến xe ngược lên đây, chạm vào những đôi chân trần La Hủ? Tôi lại nhớ đến những chuyến đi thiện nguyện của rất nhiều người trẻ đang khởi động.

Lên đây, mang yêu thương cho những đời dân hoang dại. Lên đây, để yêu hơn núi non sông nước biên cương.

Lên đây, để thấy được sự hi sinh thầm lặng mà vĩ đại của những người lính biên phòng đang từng ngày, từng giờ xua bóng tối ra khỏi những phận đời bao năm chìm trong thâm u rừng thẳm.

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp