29/11/2023 09:57 GMT+7

Yêu lịch sử qua vở opera Khung cảnh lãng quên

Tinh tế và nên thơ, muốn về đọc lại lịch sử, khiến mình bỗng mê cải lương... Ít ai nghĩ vở opera Khung cảnh lãng quên của một đạo diễn người Pháp gốc Việt kể về quá khứ lại gợi nhiều rung cảm đến vậy.

Phân cảnh họa sĩ Trần Văn Cẩn và Thúy cùng bức chân dung nổi tiếng Em Thúy trong vở opera Khung cảnh lãng quên - Ảnh: Huỳnh Vy

Phân cảnh họa sĩ Trần Văn Cẩn và Thúy cùng bức chân dung nổi tiếng Em Thúy trong vở opera Khung cảnh lãng quên - Ảnh: Huỳnh Vy

Trước thềm đêm diễn vừa qua tại Nhà hát TP.HCM, đạo diễn Olivier Dhenin Hữu đã định cáo lỗi cùng khán giả vì sức khỏe một vài diễn viên không tốt.

Nhưng trước khán phòng đầy ắp, tất cả như được tiếp thêm năng lượng để cháy trên sân khấu, mang đến một đêm công diễn opera hòa quyện nghệ thuật, lịch sử đầy cảm xúc. Khi kết thúc, những tràng pháo tay dài không ngớt đã đền đáp nỗ lực của cả ê kíp.

Hơn 3 giờ đồng hồ, vở opera năm hồi của biên kịch - đạo diễn Olivier đưa khán giả ngược dòng quá khứ, không chỉ tìm lại ký ức lãng quên dọc theo biên niên sử những gia đình phải ly tán trong thời Pháp thuộc, mà còn sống lại cả lịch sử ngàn năm văn hiến đầy thăng trầm lẫn hào hùng của nước Việt con cháu Rồng Tiên.

Tất cả được chuyển tải đẹp như thơ, như họa trên sân khấu bằng hình thức opera sáng tạo, giao thoa giữa nghệ thuật biểu diễn phương Đông và phương Tây, đan xen hài hòa giữa chuyện kể, lời thơ và âm nhạc.

Nhiều khán giả tự hào khi lần đầu nghe nghệ sĩ Pháp hát opera lời thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, rưng rưng trước những phân cảnh opera kết hợp cải lương mượt mà, xúc động trước số phận trớ trêu và lòng yêu nước nồng nàn của gia đình vua Thành Thái, Duy Tân...

Màn trình diễn hết mình của các nghệ sĩ hai nước góp thêm cảm xúc lạ mà quen, khác biệt nhưng phù hợp, chạm vào trái tim khán giả.

Những lời thoại, lời ca đẫm chất thơ trích dẫn từ những truyền thuyết, thơ ca quen thuộc của Việt Nam. Những tà áo dài, khung ảnh thờ, mũ miện phục trang, từng bối cảnh, đạo cụ trên sân khấu... được chăm chút tỉ mỉ, tối giản nhưng gợi tả.

Từng chi tiết về các mốc thời gian lịch sử, cách dàn dựng sân khấu, âm nhạc, âm thanh ánh sáng... đều khiến người xem bất ngờ: "Sao một đạo diễn Pháp lại hiểu và làm về lịch sử, văn hóa Việt đẹp và thơ như thế?".

Từ những bức ảnh cũ và câu chuyện riêng của gia đình mình, đạo diễn Olivier đã đưa lên sân khấu một mảnh nhỏ của lịch sử, một góc nhìn riêng về miền đất huyền thoại ông ngỡ đã lãng quên.

Khoảnh khắc hai em nhỏ xoay từng khung ảnh thờ về phía khán giả, trong đó có cả ảnh thật của gia đình đạo diễn khiến người xem rung động. Những nhân vật của vở opera đã ở đó và ra đi, tiếp tục "con đường" của họ.

Nhưng chúng ta, những người ở lại, cần hiểu về quá khứ, tìm về nguồn cội. Thông điệp đó hẳn sẽ còn ở lại rất lâu trong lòng mỗi khán giả của Khung cảnh lãng quên.

Đặc biệt, mẹ ruột của đạo diễn Olivier hơn 20 năm mới trở lại Việt Nam để xem tác phẩm tâm huyết của con trai mình.

"Tác phẩm chứa đựng nhiều chiều sâu lịch sử của đất nước và mang tính nghệ thuật cao, giao thoa giữa Đông và Tây, giữa Việt Nam và Pháp. Dù vở diễn chủ yếu bằng tiếng Pháp và có phụ đề, nhưng câu chuyện, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất... đều rất thuyết phục.

Tác giả hẳn đã tìm hiểu rất kỹ về lịch sử, văn hóa Việt, dùng trí tưởng và sáng tạo của mình để mang đến một tác phẩm ý nghĩa như thế này" - ông Trần Phước Anh, giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, tâm đắc.

Sau TP.HCM, vở opera Khung cảnh lãng quên sẽ diễn tiếp vào ngày 28-11 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).

Đạo diễn Pháp dựng opera Khung lãng quên để tìm nguồn cội Việt NamĐạo diễn Pháp dựng opera Khung lãng quên để tìm nguồn cội Việt Nam

Là nhà thơ, nhà soạn kịch và đạo diễn sân khấu sống tại Pháp, Olivier Dhénin Hữu chưa từng nghĩ sẽ đến lúc hồi ức Việt Nam tưởng chừng đã lãng quên lại thôi thúc ông phải tìm về.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp