06/06/2017 13:21 GMT+7

Yêu đảo, lập nghiệp ở đảo

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Họ là những người trẻ đảo Phú Quý (Bình Thuận), là ngư dân trẻ bám biển trên con tàu đánh bắt xa bờ, là người con của đảo nhiều năm đi học xa nhà, rời bỏ công việc chốn thị thành trở về đảo nhỏ làm homestay.

*** Error ***
Ngư dân trẻ Đồng Văn Lĩnh (27 tuổi) đã gắn bó với tàu, với biển cả từ năm anh 18 tuổi đến giờ - Ảnh: V.THỦY

Họ đều nói về đảo, về biển quê mình với niềm tự hào ánh lên trong mắt. Niềm vui của người này là trở về đảo từ khơi xa với khoang tàu đầy ắp cá tôm, với người kia là thấy du khách đến đảo cũng mến đảo, yêu người.

Tôi là ngư dân

Ngư dân trẻ Đồng Văn Lĩnh, 27 tuổi - chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngư dân trẻ thôn Đông Hải, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) - đang neo tàu cá ở một bãi biển xanh biếc bình yên của đảo. Lĩnh là người được lựa chọn đại diện cho ngư dân trẻ góp mặt trong bộ ảnh chủ đề biển đảo của Hội Sinh viên Việt Nam để quảng bá cho hành trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc 2017” tổ chức tại Phú Quý đầu tháng 6.

Ngồi trên con tàu đánh cá với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tàu, Lĩnh nhớ những chuyến đi ở ngư trường. Lĩnh kể năm 18 tuổi đã bắt đầu theo cha chú lênh đênh trên con tàu đánh cá đi khơi xa. “Mỗi lần ra khơi đi 14-15 ngày, dài nhất hơn tháng. Đi chừng 2-3 ngày đến những vùng khơi xa ở Trường Sa để có nhiều cá” - Lĩnh kể.

Có những lúc gặp mưa bão tàu tròng trành mạnh đến vài ngày không thể nấu ăn, cả tàu phải nhịn đói là chuyện thường. Nhưng biển với Lĩnh ngay cả những ngày lênh đênh trên biển bao la luôn có bầu bạn, liên lạc với nhau bằng bộ đàm, nói chuyện với nhau suốt, đồng ca vang biển.

Câu lạc bộ Ngư dân trẻ thôn Đông Hải có 22 bạn trẻ. Đồng đội ngoài khơi xa cũng là anh em cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ. Ở đảo gặp nhau là chuyện khó vì ai cũng đi biển nhiều hơn ở nhà, “chỉ có mùa cuối năm, tháng 9, 10 âm lịch biển động thì mới hay gặp nhau”. Vậy nên những buổi sinh hoạt của câu lạc bộ chủ yếu ở ngay trên biển, không nhìn thấy mặt nhau, chỉ nghe tiếng máy tàu, tiếng sóng lẫn trong giọng nói.

Ông chủ homestay

Một người trẻ khác trên đảo Phú Quý - Nguyễn Văn Giởi (28 tuổi) - xa đảo đi học, tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM ngành tài chính, ngân hàng rồi đi làm ổn định ở đất Sài Gòn nhộn nhịp, nhưng rồi Giỏi lại về với đảo khởi nghiệp làm homestay.

Giởi kể hồi còn sinh viên thấy trên những diễn đàn có nhiều người hỏi đường đến đảo Phú Quý, mọi người đều “mù mờ thông tin”, phải dò dẫm từng chút nên Gii cũng tham gia bình luận, để lại số điện thoại để ai muốn tới đảo có thể gọi nhờ hướng dẫn đường đi, giờ tàu, cách mua vé, các địa điểm trên đảo... Rồi những nhóm bạn trẻ đến đảo trở về viết bài khen đảo, khen người, Giởi cảm thấy rất đỗi tự hào về đảo quê mình.

“Dịp 30-4-2015, lúc đó tôi đang làm việc ở Sài Gòn thì có một nhóm bạn tới đảo vào mùa cao điểm 30-4 hết phòng gọi điện nhờ tôi tìm giúp nhà dân. Nhớ là nhà mình cũng chỉ có ba mẹ ở nên tôi đã chỉ đường cho họ tìm đến nhà. Không muốn lấy tiền nhưng họ cứ đòi trả 50.000 đồng/người/đêm”, Giởi kể. Cuối năm đó, “đi xa nhà lâu ngày về đảo lại chẳng muốn rời đi nữa”, Giỏi quyết định ở nhà khởi nghiệp làm homestay (đón khách lưu trú và trải nghiệm cuộc sống gia đình).

Homestay của Giởi là căn nhà khang trang nằm cách bờ biển vài chục bước chân, ngăn cách bởi hàng cây cách dày chắn gió biển. Ngồi trước hiên nhà ngay dưới tán cây cách, nghe gió biển thổi ầm ù và sóng biển lào xào, Vân (24 tuổi), khách ở homestay, lúi húi chuẩn bị xe máy đi tham quan đảo cùng nhóm bạn.

Vân kể mình là sinh viên “học cùng trường với anh Giởi, đọc các diễn đàn thấy Phú Quý đẹp, có homestay của anh sinh viên cùng trường” nên tìm dịp để đến đảo. Khách của homestay chủ yếu là những bạn trẻ như Vân, thích homestay vì “rẻ, gần gũi với biển và chủ nhà chân chất”.

Ngoài căn nhà của gia đình, Giởi còn kết nối với năm hộ dân khác để cùng làm homestay. “Khách du lịch đến Phú Quý dễ thương lắm. Dân ở đây không xả rác, khách cũng không nỡ xả nên biển sạch đẹp. Trong tương lai tôi rất muốn nhiều người dân cùng làm homestay thay vì xây resort, khách sạn sẽ phá vỡ cảnh quan và mất đi vẻ đẹp nguyên sơ. Du khách đến ở nhà dân gần gũi với cuộc sống, với thiên nhiên. Đó cũng là cách để du lịch ở đảo phát triển bền vững” - Giởi nói.

Tuyệt vời nhất là con người

*** Error ***
Ông chủ homestay Nguyễn Văn Giởi và những người  khách trên đảo - Ảnh: V.THỦY

Ông chủ homestay Nguyễn Văn Giởi nói điều tuyệt vời nhất ở Phú Quý không phải là thiên nhiên mà là con người. “Dân Phú Quý chân chất, hồn hậu, hàng quán không bao giờ tăng giá, “chặt chém” nên du khách cảm thấy rất thoải mái, thư giãn” - Giỏi nói.

Khách đến ở được Giởi tận tình chỉ đến chùa Linh Sơn “đẹp như bức tranh”, mộ Thầy Nại ngập gió nhìn ra biển mênh mông, con dốc lên cột cờ Phú Quý “đẹp như cảnh trong phim”, bãi cát Triều Dương xanh biếc nhìn ra Hòn Tranh. Nhưng Giỏi cho rằng nơi mình thích nhất là bãi biển ngay sau nhà, “chiều chiều ra ngắm hoàng hôn nghe sóng vỗ, hứng gió biển”. Đảo quê nhà là những phút bình yên như thế.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp