03/11/2024 11:28 GMT+7

Yêu cầu không gắn nội dung không liên quan vào biển báo giao thông

Nhà thầu Sơn Hải gắn hàng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm” trên biển báo hiệu đường bộ cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, theo cơ quan chức năng là không đúng quy định pháp luật.

Yêu cầu không gắn nội dung không liên quan vào biển báo giao thông - Ảnh 1.

Biển báo ghi thông tin Sơn Hải bảo hành 10 năm như thế này đã được gỡ bỏ - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Không ghi nội dung bảo hành công trình vào biển báo hiệu đường bộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hồng Điệp - trưởng Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông Cục Đường bộ Việt Nam - cho biết điểm b khoản 1 điều 45 Luật Giao thông đường bộ quy định biển báo hiệu đường bộ thuộc về công trình báo hiệu đường bộ.

Khoản 3 điều 45 Luật Giao thông đường bộ quy định: "Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ".

Do vậy nhà thầu Sơn Hải gắn dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên biển báo hiệu đường bộ cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là không đúng quy định pháp luật.

Gắn dòng chữ ‘Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm’ trên biển báo giao thông là không đúng

Thứ hai, trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019 về báo hiệu đường bộ thì trên các biển báo hiệu không có quy định ghi thời gian bảo hành công trình, hoặc cam kết về thời gian bảo hành công trình.

Luật Xây dựng và quy định khác của pháp luật xây dựng cũng không có quy định về việc phải gắn biển cam kết bảo hành trên công trình xây dựng.

Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Nghị định số 44/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nêu rõ: Dự án xây dựng đầu tư sử dụng vốn nhà nước thì công trình xây dựng hoàn thành được hình thành từ vốn của nhà nước, sau khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng phải lập hồ sơ tài sản và giao cơ quan nhà nước quản lý tài sản.

Do đó, theo ông Điệp, nhà thầu Sơn Hải nói biển báo hiệu trên đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là tài sản của doanh nghiệp (nhà thầu) là không đúng.

Theo quan sát của phóng viên, chiều 2-11, những biển báo hiệu đường bộ (gồm: tên đường, tốc độ tối đa, tối thiểu) có gắn dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" thuộc phạm vi gói thầu của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đã được dỡ bỏ hoàn toàn.

Còn những biển báo tương tự, không có thông tin bảo hành tại các gói thầu khác vẫn giữ nguyên.

Tuy nhiên, tại biển tên hầm Tam Điệp thuộc cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 thông số kỹ thuật của hầm vẫn còn ghi nội dung Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 10 năm.

"Khi mới đưa vào khai thác cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu tôi thấy lạ vì các biển báo tên đường, tốc độ tối đa, tối thiểu đoạn gói thầu Sơn Hải làm lại ghi thông tin bảo hành. Nhà thầu bảo hành công trình lâu hơn quy định cũng tốt nhưng việc đó là cam kết với chủ đầu tư bằng văn bản, còn ghi lên biển báo hiệu đường bộ người khác lại nghĩ là tìm cách quảng bá cho doanh nghiệp.

Biển báo hiệu đường bộ cần đúng, đủ thông tin rõ ràng, ngắn gọn càng tốt" - anh Phạm Cường, người thường xuyên lái xe từ Hà Nội về quê ở Nghệ An, cho biết.

Cần thực hiện đúng quy định về biển báo hiệu đường bộ

Theo một chuyên gia giao thông, biển báo giao thông phải đặt đúng và đủ nội dung. Việc đưa thêm nội dung không liên quan báo hiệu đường bộ bằng chữ nhỏ ở dưới khiến tài xế khó đọc, mất tập trung khi lái xe.

Thứ hai, biển báo hiệu đường bộ nghi nội dung nhà thầu bảo hành 10 năm dễ dẫn đến cách hiểu là quảng cáo trá hình.

Không được gắn vào biển báo hiệu đường bộ nội dung không liên qua - Ảnh 2.

Biển báo đúng hồ sơ thiết kế và hồ sơ hoàn công dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Ngoài ra với dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là dự án đầu tư công từ ngân sách nhà nước. Sau khi thi công xong, chủ đầu tư nghiệm thu trả tiền, nhà thầu bàn giao công trình cho nhà nước. Cho nên không thể nói biển báo hay các hạng mục khác trên đường là tài sản của nhà thầu.

"Qua việc này cần xem lại trách nhiệm của cả chủ đầu tư và tư vấn giám sát tại sao lại cho nhà thầu lắp biển báo hiệu đường bộ có nội dung không phù hợp, và để đến sau 1 năm cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác mới tháo biển"- chuyên gia nhận định và cho rằng qua việc này Bộ Giao thông vận tải cần quán triệt các đơn vị, nhà thầu thực hiện đúng quy định về biển báo hiệu đường bộ.

Theo thông tin từ Khu Quản lý đường bộ 2, việc tháo biển báo hiệu tại gói thầu do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công tại cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu để xóa bỏ dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" được thực hiện theo chỉ đạo của Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam.

Lý do là trong hồ sơ thiết kế dự án được các cơ quan có thẩm quyền duyệt, hồ sơ hoàn công đối với hạng mục biển báo có thiết kế và nội dung về tên đường, tốc độ tối đa, tối thiểu, không có thông tin bảo hành của nhà thầu.

Giữa năm 2024, Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng đi kiểm tra dự án đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư) chỉ đạo nhà thầu thi công phải sửa chữa, khắc phục đúng theo hồ sơ thiết kế.

Tuy nhiên, sau đó các bên không thực hiện nên Khu Quản lý đường bộ 2 đã yêu cầu đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa ngay những biển báo không đúng với hồ sơ thiết kế, có dòng chữ quảng cáo không đúng quy chuẩn.

Không được gắn vào biển báo hiệu đường bộ nội dung không liên qua - Ảnh 3.Khu quản lý đường bộ tháo chữ trên biển thông báo, Tập đoàn Sơn Hải nói công an sẽ làm rõ

Khu quản lý đường bộ II cho rằng biển báo trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là của Nhà nước, nên chỉ đạo xóa chữ không có trong thiết kế. Nhưng Tập đoàn Sơn Hải vẫn khẳng định đây là tài sản doanh nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp