Phóng to |
Ông Trần Huy Trường - Ảnh: C.V.K. |
- Thanh tra Bộ Tài chính đã kiểm tra cơ cấu giá thành, chi phí tại ba doanh nghiệp kinh doanh sữa có thị phần khá lớn ở VN hiện nay, đó là Công ty TNHH Nestlé VN, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition VN và Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến - nhà phân phối độc quyền các sản phẩm sữa do Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition nhập khẩu.
Sở dĩ chỉ kiểm tra ba doanh nghiệp vì trước đó Tổng cục Thuế đã chủ trì kiểm tra các doanh nghiệp sữa khác. Đáng lưu ý, tất cả doanh nghiệp được kiểm tra đều có chi quảng cáo tiếp thị vượt quy định, góp phần khiến giá sữa cao.
Chi quảng cáo vượt quy định
* Thưa ông, cụ thể chi phí quảng cáo của các hãng sữa ra sao? Bộ Tài chính đã yêu cầu xử lý số tiền chi quảng cáo quá lớn này như thế nào?
- Qua kiểm tra Công ty TNHH Nestlé VN, năm 2008 công ty này đã chi bán hàng trên 32 tỉ đồng, trong đó riêng tiền quảng cáo tiếp thị là 20,5 tỉ đồng, chiếm tới 38% tổng chi phí. Trong khi đó, chi phí tài chính khác chỉ khoảng 1,1 tỉ đồng, chi phí quản lý cũng chỉ 19 tỉ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2009, chi phí quảng cáo của Nestlé VN đã lên đến trên 14 tỉ đồng, chiếm khoảng 30% chi phí kinh doanh.
Công ty Mead Johnson VN chi quảng cáo còn cao hơn. Tổng chi phí bán hàng sáu tháng cuối năm 2008 khoảng 120 tỉ đồng thì chi quảng cáo đã chiếm trên 83 tỉ đồng, chi lương chỉ 26 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm 2009 mức chi này có giảm nhưng quảng cáo vẫn lên tới 52 tỉ đồng. Như vậy, dù phải nhập nguyên liệu nhưng riêng chi phí quảng cáo năm 2008 đã bằng 53,46%, sáu tháng năm 2009 bằng 36,22% tổng chi phí.
Các công ty có chi phí quảng cáo vượt quy định đều đã được yêu cầu phải gạt phần vượt trần sang lợi nhuận sau thuế. Chúng tôi nhận định dù phải tự trừ vào lợi nhuận thì chi phí quảng cáo vẫn được cộng vào giá sữa và người tiêu dùng phải chịu.
* Cùng là sữa Mead Johnson nhưng cả Công ty Mead Johnson Nutrition VN lẫn Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến đều chi quảng cáo?
- Đúng vậy. Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến sáu tháng đầu năm 2008 vẫn là nhà nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm của Mead Johnson về bán và quảng cáo chỉ được chi 17 tỉ đồng, nhưng từ tháng 7-2008 đến 6-2009, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition giữ vai trò nhập khẩu, Tân Tiến chỉ là nhà phân phối thì chi phí quảng cáo của Tân Tiến lại tăng vọt, lên đến 60 tỉ đồng.
Và khi giá vốn có xu hướng giảm, Công ty Tân Tiến đã tăng chi phí tiếp thị, quảng cáo và chi phí nhân công cũng như phí khác. Sáu tháng đầu năm 2009 so với sáu tháng đầu năm 2008, tiền lương ở công ty này tăng từ 29,53% lên 35,84%; chi phí tiếp thị, quảng cáo tăng từ 21,21% lên 42,75%.
Doanh nghiệp hứa giảm giá
Mua 1 bán 2 Theo thanh tra Bộ Tài chính, sáu tháng đầu năm 2009, sữa Enfagrow 900g được nhập khẩu với giá 108.150 đồng/hộp, tính cả thuế thành 113.000 đồng/hộp nhưng giá bán lẻ công bố là 266.818 đồng/hộp. Sữa Enfakid 900g giá nhập khẩu tính cả thuế là 108.000 đồng/hộp nhưng giá bán lẻ là 229.545 đồng/hộp. |
- Chúng tôi chỉ kiểm tra cấu thành giá khi sữa bắt đầu nhập vào VN, còn việc có được gửi giá ở nước ngoài không thì không xác định được. Với việc kiểm tra này, chúng ta xác định được các yếu tố như chi phí nhân công, chi phí quản lý... chiếm bao nhiêu phần trăm giá thành sữa. Qua kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá, tiết giảm chi phí quảng cáo cùng nhà phân phối quản lý giá bán sữa đến người tiêu dùng.
Công ty TNHH Nestlé VN đã tiếp thu khuyến nghị này và giảm giá sữa NAN cho trẻ em 7-12% giá bán so với giá tháng 9-2009. Công ty Mead Johnson VN dù chưa giảm giá nhưng cũng hứa sẽ cố gắng giảm. Họ chỉ yêu cầu các chính sách và yêu cầu giảm giá cần mang tính phổ biến chung cho các doanh nghiệp kinh doanh sữa.
* Thưa ông, như vậy mới chỉ là hình thức nhắc nhở. Các doanh nghiệp không nghe hoặc làm chiếu lệ, ta cũng khó điều chỉnh được?
- Hiện chúng ta đang theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp được quyền định giá. Theo thông tư của Bộ Tài chính, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện đăng ký giá. Nhưng theo quy định thì đa số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa đều có vốn nhà nước dưới 50% do vậy không thuộc đối tượng đăng ký giá bán các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đây cũng là vấn đề cần sớm khắc phục để quản lý giá sữa tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận