08/01/2012 07:15 GMT+7

Yêu anh yêu cả nỗi đau...

LÊ NINH
LÊ NINH

TT - Tôi hỏi bà: “Vì sao biết ông bị bệnh mà vẫn lấy làm chồng?”, bà trả lời gọn trơn: “Vì yêu”.

PLgHPdCd.jpgPhóng to
Bà Phạm Thị Lan chăm sóc chồng - Ảnh: Lê Ninh

Chuyện kể rằng hơn 30 năm trước ở đơn vị pháo binh C12 đóng tại thôn Hà My Đông A, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có anh lính Hoàng Văn Hải được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần do di chứng chiến tranh, viện quân y bó tay không chữa được.

Suốt ngày anh quậy phá, chẳng ai ngăn được những cơn điên dại của anh. Duy nhất chỉ có sự dịu dàng của cô hàng nước trước cổng đơn vị C12 là có thể làm những cơn đau của anh dịu lại. Dù biết anh bị bệnh tâm thần, cô vẫn thương yêu bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình...

Vì yêu...

Bà Phạm Thị Lan, cô hàng nước năm xưa (sinh năm 1957), không sao quên được ngày bà đến xin đơn vị cho phép dẫn ông Hải về quê ông ở tận xã Ninh Tiến, huyện Hoa Lư, tỉnh Hà Nam. Ba mẹ bà không ai biết bà đi đâu, chỉ nghe mấy anh lính trong đơn vị nói nửa đùa nửa thật: “Con Lan theo thằng Hải khùng rồi!”. “Mãi mấy năm sau tôi gửi thư về, mẹ tôi mới biết chính xác tôi ở đâu” - bà Lan kể.

Dẫn được ông về quê, xin gia đình ông Hải cho bà được ở cạnh, gia đình ông lại không đồng ý vì sợ bà sẽ khổ. Hơn nửa năm ông Hải ở cùng cha mẹ, những cơn điên của ông cũng không thuyên giảm. Bao lần tiếng ấm chén bể vang lên trong nhà, chỉ khi có sự xuất hiện của bà Lan ông mới thôi đập phá.

Cuối cùng, gia đình ông Hải cũng đồng ý để hai người đến với nhau với lời nhắn: “Con có ở được với nó thì ở. Khi nào thấy không chịu nổi thì đi, nhà này không ai trách con cả” - bà Lan nhớ lại lời mẹ chồng.

Thế rồi, một đám cưới diễn ra mà chỉ có gia đình nhà trai, nhà gái không có ai vì “sợ biết tôi lấy anh cả gia đình sẽ ra tận Hà Nam ngăn cản...” - bà giải thích.

Ngồi nhìn người chồng đang đùa với chú dế trũi, bà Lan kể tiếp câu chuyện: “Cưới nhau được mấy tháng bỗng nhiên anh Hải hết bệnh. Tôi mừng ghê gớm, hai vợ chồng cũng đi làm ruộng như bao cặp vợ chồng khác... Có với nhau được ba mặt con thì anh bệnh trở lại, lần này nặng hơn 10 năm trước, anh không còn nhận ra tôi nữa. Có lần anh đánh tôi gãy chân, hai đứa lớn chạy sang nhà hàng xóm trốn, đứa nhỏ khóc ré trong nôi...”.

Năm 1989 túp lều tranh hạnh phúc cũng không còn: sau một lần lên cơn, ông Hải đã đốt căn nhà do chính mình dựng nên. Cũng trong thời gian này, sau gần mười năm không nhận được một lá thư của con gái, mẹ bà đã lặn lội ra tận Hà Nam tìm con. Nhà không còn, đất đai lại ít, bà xin phép mẹ chồng cho bà dẫn cả gia đình vào Quảng Nam. “Trong đó ấm hơn, có khi lại tốt cho sức khỏe của anh Hải” - bà xin mẹ chồng.

“Nuôi đủ năm con với một chồng”

Bà nói cuộc sống vợ chồng của bà rất khổ. Nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng nhìn chồng, nhìn con, bà tự an ủi mình: “Vì năm đứa con và một người chồng, tôi không được phép gục ngã” - bà Lan cười mà đôi mắt đỏ hoe.

Năm 1989 về quê, bà được ba mẹ cho mảnh đất, rồi hàng xóm chung tay dựng cho căn nhà. Hai đứa con nữa lần lượt ra đời. Thêm tiếng cười, gánh nặng trên vai bà lại càng nặng hơn. Khi có mang đứa con thứ tư, ba lần bà phải nhờ hàng xóm cột ông Hải lại thuê xe đưa ông ra bệnh viện tâm thần ở Đà Nẵng. Đêm chăm chồng ở bệnh viện, ngày về nhà “cày kéo” nuôi con.

Khi sinh đứa con thứ năm được một tháng, bà phải cõng con trên lưng đi dọc bờ biển từ Điện Dương đến Cửa Đại hái chè Hồ, bán mua gạo nuôi chồng con. “Vì mới sinh, ra ngoài biển gặp gió, với vận động quá nhiều làm mất máu. Có lần ngất lịm đi lúc nào không hay, đến khi nghe con khóc mới sực tỉnh” - bà Lan kể.

Trong căn nhà nhỏ nằm chênh vênh trên đồi cát sắp được quy hoạch làm sân golf ở thôn Hà My Đông A, bà Lan kể chuyện đời mình. Bé Quỳnh, con gái út của bà, ngồi bên cạnh nghe mẹ kể chuyện khóc ngon lành, bà choàng tay ôm lấy con mắng yêu: “18 tuổi rồi mà còn khóc, thương mẹ thì lo học giỏi là mẹ vui rồi”. Giờ ngày ngày bà đi làm thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Ai muốn gặp bà phải tới nhà trước 6g sáng hoặc sau 19g tối.

20g, bà mời tôi ở lại ăn cơm. Bữa cơm tối không có gì ngoài tô canh rau, đĩa cá kho và chén mắm. Bà gắp cá bỏ cho ông nói nhỏ: “Anh ăn đi, nhà mình có khách kìa”, ông nhìn bà rồi cắm cúi ăn, chốc chốc bà lại nhắc: “Anh ăn chậm thôi kẻo đổ”. “Chú Hải thích ngọt ngào, từ ngày cưới nhau cô chỉ gọi anh, chưa bao giờ gọi khác đi vì sợ chú buồn” - bà Lan nói với ánh mắt đong đầy yêu thương.

LÊ NINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp