Tuyển Ý là ứng viên vô địch của Euro 2020 - Ảnh: Reuters
Nhà báo Phạm Tấn mở đầu cuộc trò chuyện: "Lợi thế tâm lý của Xứ Wales và Áo là không có gì để mất. Nhưng tôi nghĩ rằng bất ngờ khó xảy ra vì cả Ý và Đan Mạch đều có kinh nghiệm. Ý có thể thắng và giữ sạch lưới, còn Đan Mạch sẽ thắng sít sao trong cuộc chiến thể lực trước Xứ Wales".
* Sau khi xem các đội thi đấu ở vòng bảng, anh đánh giá và chờ đợi gì ở hai cặp đấu này?
- Sau vòng bảng, toàn bộ những gì tuyển Ý làm được có thể gói gọn trong từ chinh phục. Họ chinh phục đối thủ, chinh phục khán giả. Thầy trò HLV Roberto Mancini cùng một lúc làm được hai chuyện, đó là trình diễn và kết quả. Tuyển Ý chơi bóng có triết lý rõ ràng, thắng cả ba trận, ghi 7 bàn và không thủng lưới.
Đan Mạch đã đứng dậy rất mạnh mẽ sau biến cố không may xảy đến với Christian Eriksen. Trận thắng Nga 4-1 rất ấn tượng. Nhưng đặc biệt hơn cả là 45 phút đầu đá với Bỉ, đó là màn trình diễn ấn tượng. Nó cho thấy tính tổ chức và chất lượng đội hình rất ấn tượng của "những chú lính chì".
Ý và Đan Mạch, vì thế, xứng đáng được xếp ở chiếu trên so với Áo và Xứ Wales. Tôi kỳ vọng cả Ý và Đan Mạch sẽ tiếp tục thể hiện lối chơi đó trong các trận đấu ở vòng 16 đội.
* Tuyển Ý tại Euro 2020 có gì giống và khác so với quá khứ? Họ có phải là ứng viên vô địch của giải?
- Tuyển Ý đã thành công giai đoạn đầu của cuộc cách mạng về lối chơi. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi từ bóng đá phòng ngự sang tấn công. Và giai đoạn này kéo dài khoảng 2 năm qua, dưới bàn tay của HLV Mancini và các trợ lý. Cuộc cách mạng này có thể liên tưởng với sự thay đổi của tuyển Đức ở World Cup 2006 của HLV Jugern Klinsmann và trợ lý Joachim Loew đã lột xác, trở nên trẻ trung và giàu sức tấn công.
Với một đội bóng như thế, họ xứng đáng là ứng cử viên vô địch. Nhưng Ý lại rơi vào nhánh có quá nhiều các ông lớn của châu Âu, trong khi chuỗi 13 trận toàn thắng kể từ vòng loại Euro tới nay của họ chưa gặp đối thủ nào nằm trong nhóm tinh hoa của châu Âu. Do đó, sức mạnh của tuyển Ý cần phải được kiểm chứng.
* Nhiều người nói rằng kết quả vòng bảng đã không phản ánh đúng thực lực của Đan Mạch. Anh nghĩ sao về nhận định này?
- Để lý giải về sự tỏa sáng kịp thời của Đan Mạch, hãy nhìn vào đội hình của họ. Công thức mà họ chọn cho Euro đó là sử dụng một thế hệ cầu thủ giàu kinh nghiệm với nhiều gương mặt trên dưới 30 tuổi và đã chinh chiến nhiều năm như thủ môn Kasper Schmeichel (34 tuổi), Simon Kajer (32 tuổi), Thomas Delan (29 tuổi), Martin Braithwaite (30) để kết hợp với dòng máu trẻ Andreas Christensen, Joakim Maehle, Pierre-Emile Hojbjerg, Andreas Skov Olsen, Mikkel Damsgaard. Kinh nghiệm chơi bóng ở các CLB hàng đầu châu Âu giúp họ tỏa sáng trong màu áo tuyển Đan Mạch.
* Lối chơi của Xứ Wales dường như phụ thuộc quá nhiều vào Gareth Bale. Tương tự, Áo không thể sống thiếu David Alaba. Anh có nghĩ đây vừa là điểm yếu của họ không?
- Tuyển Áo thường xếp sơ đồ chiến thuật với ba trung vệ để phát huy vai trò của Dabid Alaba, dâng cao từ cánh và xâm nhập trung lộ sút xa để tạo ra đột biến. Tuy nhiên, tôi nghĩ Xứ Wales mới có vẻ dựa vào một cá nhân nhiều hơn. Bale sau ba trận có sáu pha dứt điểm nhưng chưa ghi bàn thắng nào vì các đối thủ tìm cách hóa giải anh. Nó phản ánh tại sao Xứ Wales không còn tạo ấn tượng như ở Euro 2016, khi họ vào tới bán kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận