20/09/2016 18:08 GMT+7

Ý tưởng “thấy là mua ngay” từ các tuần lễ thời trang

BÌNH MINH (Theo BBC)
BÌNH MINH (Theo BBC)

TTO - Tại các kinh đô thời trang như Anh, Mỹ, Pháp, Ý, các thương hiệu đang có bước chuyển mình trong cách tiếp cận và đưa sản phẩm đến tay khách hàng ngay lâp tức sau các tuần lễ thời trang, theo BBC ngày 19-9.

Người mẫu trình diễn tại London Fashion Week 2016 ngày 18-9 - Ảnh: Reuters

Giờ đây, sau mỗi chương trình biểu diễn, khách hàng có thể mua ngay sản phẩm mà họ vừa thấy trên sàn catwalk thay vì phải chờ đến sáu tháng sau như trước kia.

Nhân dịp Tuần lễ thời trang New York mới đây và Tuần lễ thời trang London đang diễn ra, phóng viên hãng tin BBC, Lucy Hooker, có bài phân tích về xu hướng mới trong làng thời trang này và lý giải vì sao có sự thay đổi.

Tuần lễ thời trang để làm gì?

Tuần lễ thời trang London diễn ra hai lần mỗi năm vào tháng 2 và tháng 9. Trong ngành công nghiệp thời trang, đây là một show thương mại cho phép thương hiệu trình làng các thiết kế mới, các phóng viên thời trang đến đưa tin, và khách hàng đổ xô đi mua trang phục.

Theo các nhà tổ chức, nền công nghiệp thời trang đóng góp 28 tỉ bảng vào kinh tế Anh và hiện vẫn đang tiến triển, cung cấp việc làm cho hàng trăm ngàn người.

Bên cạnh đó, sự kiện dạng này giúp cho những nhãn hàng và người mẫu non trẻ có cơ hội cất lên tiếng nói - theo Peter Ruis, giám đốc thương hiệu thời trang Jigsaw, lý giải.

“Hai mươi năm trước, chỉ có khoảng 300 đến 400 nhãn hàng thời trang ở châu Âu. Giờ đây, có hàng triệu thương hiệu ở khắp mọi nơi, nên Tuần lễ thời trang London giúp chúng tôi nổi bật lên trong số đó”, Peter Ruis nhận định.

Thương hiệu thời trang Jigsaw lần đầu tiên tham dự Tuần lễ thời trang London - Ảnh: Jigsaw

Điều gì đã thay đổi?

Trước đây, một nhà thiết kế giới thiệu các trang phục mới vào mùa thu nhưng thực tế các sản phẩm này được bày bán vào mùa xuân năm sau.

Tương tự, các show thời trang vào tháng hai trình làng những thiết kế dành cho mùa đông.

Điều này cho phép các chủ bút xuất bản nhiều hình ảnh đẹp trong tạp chí hàng tháng, đồng thời giúp khách hàng “chuẩn bị tinh thần” mua sắm trước khi hàng chính thức được bày bán ở cửa hiệu.

Tuy nhiên, tại Tuần lễ thời trang London hồi tháng 2 -2016, Burberry là thương hiệu đầu tiên thực hiện ý tưởng “thấy ngay, mua ngay” hay còn gọi là “sàn diễn thời trang bán lẻ”.

Theo đó, thương hiệu này trình làng sản phẩm và cho phép khách hàng mua ngay lập tức. Các bộ sưu tập của Burberry lần đó đều được dán nhãn “không theo mùa” và “ngay lập tức”, hàng có sẵn trên toàn cầu.

Khoảng một nửa các sản phẩm thuộc bộ sưu tập Unique của thương hiệu thời trang Topshop được bày bán ngay sau show diễn - Ảnh: Topshop

Ngay sau đó, thương hiệu Topshop và Jigsaw nối đuôi theo cách làm này.

Tại Tuần lễ thời trang New York, Ralph Lauren tổ chức show diễn ở đại lộ Madison. Ngay khi sàn diễn khép lại, khách tham dự được hướng dẫn đến thẳng cửa hàng Ralph Lauren, cũng nằm ngay trên đại lộ này, để mua các thiết kế họ vừa được xem.

Tương tự, hai thương hiệu lớn là Tom Ford và Tommy Hilfiger cũng áp dụng cách làm này.

Natasha Pearlman, biên tập viên tạp chí Grazia, nói với kênh BBC Radio 4 nhiều thương hiệu bắt đầu hiểu rằng rất khó để khiến khách hàng hứng thú với những thiết kế khi họ phải chờ đến tận sáu tháng sau.

“Bạn cần đáp ứng những gì khách hàng muốn. Khách hàng mang lại lợi nhuận… Bạn càng tiếp xúc với nhiều khách hàng, càng mang cho họ nhiều sản phẩm để mua, thì họ càng hứng thú”, Natasha nhận định.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ xu hướng mới.

“Thời trang từng là một thế giới của sự quyến rũ, tinh tế và khan hiếm”, Patrick Grant, giám đốc sáng tạo của thương hiệu Norton & Sons ở Savile Row (Anh) cho biết.

“Cá nhân tôi cảm thấy có điều gì đó tuyệt vời ở một thế giới như thế. Giờ đây, mọi thứ thật lộn xộn. Cách làm của các thương hiệu hiện giờ rất dân chủ, nhưng vấn đề mà tôi thấy là, mọi thứ đang dần mất đi sức hấp dẫn”, Patrick chia sẻ.

Không phải thiết kế nào trên sàn diễn thời trang cũng dễ mặc, nhưng giờ ít ra khách hàng dễ mua chúng hơn - Ảnh: Getty

Vì sao?

Đối với các thương hiệu bình dân như Zara hay H&M, một khi xuất hiện ở các tuần lễ thời trang, khách hàng chỉ phải chờ vài tuần để có thể mua sản phẩm.

Bên cạnh đó, internet cũng là yếu tố góp phần thay đổi cục diện.

Các phóng viên mảng thời trang đang phải đương đầu với một cuộc cách mạng trong cách làm việc, bởi những blogger độc lập hoặc những người có sức ảnh hưởng về thời trang giờ đây có thể tác động đến việc khách hàng nên hoặc không nên mua sản phẩm nào. 

Với tốc độ cập nhật thông tin nhanh chóng của internet, nếu một thương hiệu cao cấp chờ đến sáu tháng mới trình làng các thiết kế, thì sản phẩm có nguy cơ trông đã lỗi thời.

Hơn nữa, vì ngành công nghiệp thời trang đang trở nên toàn cầu hóa hơn bao giờ hết, nên việc thiết kế cho “mùa” tiếp theo dường như trở nên vô nghĩa.

Khách hàng có thể cùng lúc mua quần áo mùa hè tại Mỹ và mùa đông tại Úc (mùa đông ở Úc rơi vào tháng hè ở các nước khác, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 - ND).

Ngay khi sàn diễn khép lại, khách tham dự được hướng dẫn đến thẳng cửa hàng Ralph Lauren, cũng nằm ngay trên đại lộ này, để mua các thiết kế họ vừa được xem - Ảnh: Getty

Điều gì không thay đổi?

Có một vài điều vẫn tồn tại trong làng thời trang.

Mỗi sáu tháng, lại có những cuộc tranh cãi về ảnh hưởng của các người mẫu mình dây và việc thiếu sự đa dạng sắc tộc trên sàn catwalk.

Các nhà thiết kế vẫn tiếp tục sáng tạo những bộ cánh kỳ dị - không phải vì họ nghĩ rằng khách hàng sẽ mặc chúng mà vì các sản phẩm này giúp tạo nên bản sắc thương hiệu và khiến mọi người nhớ lâu hơn.

Bên cạnh đó, các báo và tạp chí, dù là bản in hay trực tuyến, đều kiên trì đăng tải những bức ảnh lung linh của các ngôi sao được mời ngồi hàng đầu tại sự kiện thời trang.

 
BÌNH MINH (Theo BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp