Ông Nick Sloane trình bày ý tưởng xẻ băng Nam Cực giải hạn Nam Phi trong một hội thảo hồi tháng 5-2018 - Ảnh: AFP
"Nghe có vẻ điên rồ đó, nhưng nếu đi sâu vào chi tiết vấn đề, bạn sẽ thấy nó hoàn toàn ổn", ông Nick Sloane - người đưa ra ý tưởng xẻ băng giải hạn, nói với hãng thông tấn AFP.
Cụ thể, theo Sloane, các khối băng sẽ được xẻ một cách có chọn lọc dựa trên các dữ liệu quan trắc và không ảnh. Mỗi khối sẽ có chiều dài khoảng 1km, rộng 500m và cao khoảng 250m với bề mặt phẳng.
Để đưa khối băng dài gấp 3 lần một tàu sân bay này về đất liền, Sloane đề nghị chỉ cần sử dụng 2 tàu kéo cỡ lớn và phủ bên ngoài nó một lớp vải để hạn chế tan chảy trong quá trình di chuyển trên đại dương. Sẽ mất khoảng 3 tháng để kéo khối băng khổng lồ này về đất liền, với chi phí khoảng 100 triệu USD.
Thông qua các hệ thống ống dẫn và máy nghiền nước đá, nước chảy ra từ khối băng sẽ được thu thập và cung cấp cho người dân. Theo tính toán, với mỗi khối băng như vậy, người ta có thể thu được 150 triệu lít nước mỗi ngày và liên tục trong vòng 1 năm. Tất nhiên, người ta sẽ cần bỏ thêm khoảng 50 - 60 triệu USD để "thu hoạch" nước tan từ băng.
"Những tảng băng như vậy được tạo thành từ nguồn nước trong lành nhất thế giới. Ở Nga, người ta thường dọn dẹp và đẩy những tảng băng khỏi các giàn khoan dầu. Nhưng chúng chỉ nặng khoảng nửa tấn. Ở đây chúng ta đang nói về ý tưởng kéo một khối băng 100 triệu tấn", ông Sloane hồ hởi.
Để giữ khối băng chảy quá nhanh đến mức không kịp thu nước, ông Sloane còn có kế hoạch kéo nó về phía bắc Cape Town khoảng 150km, nơi dòng hải lưu lạnh Benguela sẽ giữ nhiệt độ nước luôn ở 0 độ C.
Nếu ý tưởng của ông Sloane thành công, nó có thể mở đường cho việc sử dụng băng ở các vùng lạnh khác như Bắc Cực. Trong ảnh: Một khối băng khổng lồ trôi gần thị trấn Ferryland của Canada - Ảnh: REUTERS
Tình trạng hạn hán và thiếu nước diễn ra gần như mỗi năm ở Cape Town, buộc chính quyền thành phố phải liên tục tìm kiếm các ý tưởng đối phó. Từ việc xây các nhà máy khử nước biển thành nước ngọt đến việc siết chặt các quy định sử dụng nước, bao gồm cả việc cấm xả nước trong nhà vệ sinh nếu không cần thiết.
Việc chính quyền Cape Town có bị thuyết phục bởi ý tưởng của ông Sloane hay không vẫn chưa rõ.
"Cho tới thời điểm hiện tại, với chúng tôi, đào nước ngầm hay khử nước mặn vẫn là ý tưởng rẻ hơn và có thể chấp nhận được", phó thị trưởng Cape Town Ian Neilson nói với AFP.
Các vấn đề kỹ thuật khác cũng được đặt ra bao gồm việc nước thu được từ khối băng tan của Sloane sẽ nhập vào hệ thống cung cấp nước của Cape Town như thế nào. Một số tỏ ra nghi ngờ khối băng sẽ cung cấp được số lượng nước như ông Sloane tính toán.
Tuy nhiên, với Sloane, người đàn ông 56 tuổi này vẫn rất kiên định với ý tưởng của mình, khẳng định khối băng khổng lồ như vậy sẽ xuất hiện tại Cape Town trước tháng 3-2019 nếu chính quyền bật đèn xanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận