19/10/2017 18:01 GMT+7

Y tế và bảo hiểm 'cự' nhau, quyền lợi người bệnh vẫn mơ hồ

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Cuộc đối thoại giữa hai ngành bảo hiểm xã hội và y tế sáng 19-10 về BHYT đã nóng đến phút chót, từ "căng quá" liên tục xuất hiện. Nhưng rồi người bệnh sẽ được gì sau phiên đối thoại này thì lại chưa rõ ràng!

Y tế và bảo hiểm cự nhau, quyền lợi người bệnh vẫn mơ hồ - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Thị Minh phát biểu tại phiên đối thoại. Cuộc đối thoại có cả Bộ trưởng và hai thứ trưởng Bộ Y tế, phía Bảo hiểm có cả tổng giám đốc và phó tổng giám đốc - Ảnh: L.ANH

Cả hai cùng có lỗi

Phát biểu ngay sau Bộ trưởng Bộ Y tế tại phiên đối thoại, khi ông Đặng Hồng Nam, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, đang "tố" những sai sót của phía bảo hiểm, ông Phạm Lương Sơn, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, đã nói bằng giọng không dễ nghe "anh Nam lộng ngôn" trước hàng trăm giám đốc các bệnh viện, lãnh đạo tỉnh thành và cả Bộ trưởng Bộ Y tế lẫn tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN. Không khí phiên đối thoại đã nóng bỏng ngay từ đầu.

Theo ông Nam, toàn ngành bảo hiểm hiện có trên 2.300 giám định viên, mỗi giám định viên cần giám định khoảng 5.000 hồ sơ/tháng là quá sức so với giám định viên. Chính Bảo hiểm xã hội VN báo cáo Thủ tướng trình độ giám định viên hạn chế, và chính các giám định viên trình độ hạn chế này lại ra những quyết định khiến bệnh viện bối rối, khó khăn.

"Ở Hải Dương, bệnh viện chỉ định chụp CT không phát hiện bệnh trên cơ địa người bị liệt, chỉ định tiếp chụp cộng hưởng từ phát hiện nhồi máu não nhưng bảo hiểm đến, không thanh toán dịch vụ chụp CT. 

Ở Quảng Ninh, Trung tâm Y tế Quảng Yên không thực hiện được dịch vụ phải chuyển bệnh nhân, nhưng bảo hiểm xuất toán 390 triệu đồng ấy vì cho rằng bệnh nhẹ không đáng chuyển. Bệnh viện không chữa được thì phải chuyển bệnh nhân, chứ như thế nào là bệnh nhẹ?" - ông Nam chất vấn.

Nhưng Bảo hiểm xã hội VN thì đầy các hồ sơ tố lại các bệnh viện. Ông Dương Tuấn Đức, giám đốc Trung tâm giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, phàn nàn càng ngày càng có dấu hiệu người bệnh nhiều bệnh hơn, vì chẩn đoán phải "chiều" các chỉ định dịch vụ và thuốc quá rộng trước đó. 

Theo ông Đức, có tình trạng chỉ định bệnh nhân vào nội trú bất thường khi Hà Giang 21% bệnh nhân tới khám có chỉ định điều trị nội trú, Phú Thọ 19%, trong khi con số chung chỉ là 10%.

Tại Nghệ An có bác sĩ làm tới 163 ca siêu âm/ngày, tính theo định mức mỗi ca 20 phút (định mức để tính lương bác sĩ và đảm bảo chất lượng dịch vụ) thì ông Đức cho rằng một ngày của bác sĩ ấy phải dài… 40 giờ. 

Qua giám định chuyên đề tại 5 bệnh viện Việt Đức, Xanh Pôn, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Phụ sản Hà Nội và Phụ sản T.Ư, ông Đức cho biết có hàng chục tỷ đồng đã phải chi vì bệnh viện chia nhỏ dịch vụ, có dịch vụ vốn có tổng chi 8 triệu, nhưng bệnh viện chia nhỏ và đã thu tới 50 triệu, thậm chí có bệnh nhân được chia nhỏ dịch vụ và kê phí dịch vụ nong bao quy đầu 2 lần.

Y tế và bảo hiểm cự nhau, quyền lợi người bệnh vẫn mơ hồ - Ảnh 2.

Ông Đặng Hồng Nam, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế tại cuộc đối thoại. Bệnh viện liên tục vỗ tay cổ vũ cho ông trong suốt bài phát biểu - Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Móc túi bảo hiểm

Cũng theo ông Đức, tình trạng lạm dụng dịch vụ đã phổ biến đến mức bệnh viện in sẵn danh mục xét nghiệm, bệnh nhân vào là chỉ định mà không tính đến biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân. Vì vậy nhiều bệnh nhân nấm da, viêm bờ mi, rối loạn giấc ngủ, đục thủy tinh thể ở người già đều được chỉ định nội soi tai mũi họng! 

Qua kiểm tra cũng cho thấy nhiều bệnh viện và tỉnh thành mua sắm thiết bị và thuốc với mức giá bất hợp lý, như stent tim của Ấn Độ lại mua với giá cao hơn hàng Thụy Sỹ, mua thuốc cao hơn 50% so với mức giá chung… 

Những vụ "móc túi" bảo hiểm này, cùng với việc tăng giá dịch vụ y tế khiến riêng 2017 dự kiến Quỹ Bảo hiểm y tế bội chi 10.000 tỷ đồng.

Người bệnh được lợi gì sau đối thoại?

Quỹ Bảo hiểm y tế phải chi bộn trong năm 2017. Nhiều tỉnh thành đã chi trên 170% quỹ, thậm chí có tỉnh chi 200% quỹ dù mới hết 9 tháng đầu năm. 

Nhưng người bệnh không được lợi gì, tiền đã chi không dành để nâng chất lượng dịch vụ, mua thuốc tốt hơn cho bệnh nhân, mà tốn tiền mua thuốc và vật tư giá cao, lạm dụng dịch vụ. Tiền của người đóng bảo hiểm, nhưng lợi ích thì người đóng không được nhận.

"Điều quan trọng sau đối thoại này có hướng đến mục tiêu chung không, có cùng ngồi lại để tháo gỡ không, thôi tranh công đổ lỗi, thôi công tôi lỗi anh mà ngành bảo hiểm phải lắng nghe ý kiến của bệnh viện, cái gì không thuyết phục phải nắn chính ngay. 

Các cán bộ bảo hiểm phải nhớ một điều: ngành Bảo hiểm xã hội không có quyền lực gì, không được hướng dẫn sai các quy định đã có. Mong ngành y tế sớm có đủ quy chuẩn để bác sĩ khi làm đỡ phải ngó, làm thì bảo hiểm có trả tiền không? Bảo hiểm cũng đỡ phải đi xuất toán nếu chi không hợp lý, đỡ mang tiếng ác. Theo định mức chi hiện nay, nhiều người nói là định mức vật tư cao thì ngành y tế sớm sửa, tiền đã ít thì phải dành cho việc có ích"- bà Minh nói.

Trao đổi với báo chí sau phiên đối thoại, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng cả ngành y tế và bảo hiểm đều đang có vấn đề. Vấn đề do cơ chế, do chính sách chưa đồng bộ, việc kiểm tra để ngành nào làm tốt lại chưa làm được. 

"Cả hai ngành đều áp đặt nhau dẫn đến người bệnh sẽ rất khổ. Khi đến khám chữa bệnh lại bị o ép. Tôi đã nói rồi, hai ngành cùng thắng chỉ người dân thua. Trách nhiệm của Bảo hiểm là giữ tiền cho đúng, cho chắc chắn, thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh kịp thời, còn ngành y tế thì chăm sóc sức khỏe người dân tốt nhất, có y đức" - ông Lợi nhắn nhủ.

Những nguyên nhân gây bội chi quỹ bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội siết chi, Bộ Y tế phản ứng Năm 2018 tổ chức đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế chi trả
LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp