13/08/2021 10:09 GMT+7

Y tế Mỹ bất ngờ vì người trẻ mắc COVID-19 nhiều hơn và trở nặng nhanh

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, ghi nhận tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 trẻ tăng đột biến so với các đợt dịch trước, bệnh trạng của họ cũng nặng hơn.

Y tế Mỹ bất ngờ vì người trẻ mắc COVID-19 nhiều hơn và trở nặng nhanh - Ảnh 1.

Người trẻ đeo và không đeo khẩu trang trong một quán bar ở New Orleans, Louisiana, đầu tháng 8-2021 - Ảnh: NYT

Các bác sĩ tuyến đầu ở những điểm nóng COVID-19 trên khắp nước Mỹ nhận thấy một điều lạ lùng: bệnh nhân họ chữa bây giờ không giống những người năm ngoái.

Ngoài điểm chung đa số chưa tiêm vắc xin, bệnh nhân mới có xu hướng trẻ hơn - chỉ trong độ tuổi 20, 30 - triệu chứng nặng hơn và chuyển biến xấu nhanh hơn.

Một loại COVID-19 khác hẳn?

Theo báo New York Times, nhiều bác sĩ nghi ngờ chủng Delta là nguyên nhân chính của hiện tượng này. Các nghiên cứu rải rác ở nhiều quốc gia đã ghi nhận Delta có thể gây bệnh nặng hơn các chủng cũ, nhưng chưa có dữ liệu cụ thể nào cho thấy nó nguy hiểm hơn ở người trẻ.

Một số chuyên gia tin rằng thay đổi này liên quan đến tỉ lệ tiêm vắc xin trong nhóm dân số trẻ. Tính đến đầu tháng 8, hơn 80% người Mỹ tuổi từ 65-74 đã chủng ngừa đầy đủ, riêng độ tuổi 18-39 chỉ chưa đầy một nửa - theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ.

Khoảng 97% bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Mỹ đều là người chưa tiêm ngừa.

"Tôi thấy chưa có bằng chứng thuyết phục về việc Delta gây bệnh nặng hơn ở người trẻ. Điều này có thể liên quan đến hành vi - bao gồm việc chúng ta đang mở cửa lại các hoạt động, vài nơi còn không bắt buộc đeo khẩu trang, khác hẳn so với 15-16 tháng trước" - bác sĩ Adam Ratner, giáo sư nhi khoa và vi sinh học từ Đại học New York, nhận xét.

Tuy nhiên, vẫn còn điều gì đó chưa rõ ràng khiến không ít bác sĩ băn khoăn.

Thời điểm cuối tháng 1-2021, dữ liệu CDC ghi nhận người trên 65 tuổi chiếm một nửa số bệnh nhân nhập viện, dưới 50 tuổi chỉ khoảng 22%. Còn bây giờ người lớn tuổi chiếm chưa đầy 1/4 giường bệnh, trong khi độ tuổi 18-49 chiếm đến 41%.

"Có điều gì đó ở con virus khác biệt trong nhóm tuổi này. Trước đây chúng tôi thỉnh thoảng hay thốt lên: 'Ủa, trẻ khỏe vầy sao nhập viện?', còn bây giờ nó trở nên phổ biến hơn nhiều. Tôi nghĩ nó là một loại COVID mới" - bác sĩ Catherine O’Neal, lãnh đạo Trung tâm Y khoa Our Lady of the Lake (bang Louisinana), cho biết.

Bác sĩ Cam Patterson - hiệu trưởng Đại học Arkansas về khoa học y tế - nhận thấy độ tuổi trung bình của bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện UAMS trong mùa đông là 60, bây giờ giảm chỉ còn 40.

"Cảm nhận của chúng tôi là người lớn trẻ hơn, khỏe mạnh hơn dễ bị tổn thương trước chủng Delta so với các chủng virus tồn tại trước đây. Sự thay đổi này trùng hợp chính xác với sự xuất hiện của chủng Delta ở Arkansas" - bác sĩ Patterson nhận xét.

Y tế Mỹ bất ngờ vì người trẻ mắc COVID-19 nhiều hơn và trở nặng nhanh - Ảnh 2.

Một bệnh nhân nhập viện ở Houston ngày 16-7 - Ảnh: NYT

Nhiều nghi vấn chưa giải đáp

"Con virus này có vẻ không còn phân biệt tuổi tác nhiều nữa" - bác sĩ Angie Honsberg, giám đốc khoa chăm sóc tích cực thuộc Bệnh viện University Medical Center (Las Vegas), nhận xét về Delta.

Hồi đầu dịch năm ngoái, bệnh nhân COVID-19 thường nhập viện sau khoảng 1-2 tuần ở nhà với các triệu chứng. Họ sẽ được chữa ở khu bình thường một thời gian trước khi cần đặt nội khí quản hoặc chăm sóc tích cực.

Nhưng giờ mọi thứ đã khác, các bệnh nhân trẻ của bác sĩ Honsberg trở nặng nhanh hơn. "Nghi ngờ của tôi là cách hoạt động của chủng Delta có gì đó khác" - bà chia sẻ.

Ở thành phố Springfield, bang Missouri, bác sĩ Terrence Coulter - giám đốc khoa chăm sóc tích cực thuộc Bệnh viện CoxHealth 500 giường - cho biết bệnh nhân COVID-19 của họ cũng trẻ hơn và bệnh nặng hơn so với các đợt dịch trước.

"Hồi đầu ai cũng nghĩ bệnh nhân trẻ và con nít có khi nhiễm bệnh còn không biết, hoặc có triệu chứng thì cũng nhẹ. Với chủng Delta thì không còn vậy, 100% bệnh nặng hơn nhiều so với chủng virus cũ" - bác sĩ Coulter đánh giá.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 nhập viện có bệnh nền như tiểu đường, béo phì hoặc cao huyết áp - các yếu tố tăng nặng của bệnh - nhưng có những bệnh nhân trẻ hoàn toàn bình thường.

"Đó là điều làm tôi sợ nhất. Virus tấn công người trẻ khỏe không ai nghĩ là có thể bệnh nặng đến vậy. Họ thường mất nhiều thời gian để hồi phục, vài người bị tổn thương phổi vĩnh viễn" - bác sĩ Coulter cho biết thêm.

Chủng Delta xuất hiện chưa được bao lâu nên các nghiên cứu về nó vẫn đang được tiến hành trên khắp thế giới. Các nhà khoa học phát hiện nó dễ lây hơn, người nhiễm mang tải lượng virus cao hơn, có thể gây bệnh nặng hơn...

Và cũng có ý kiến nói độc lực có vẻ cao của Delta đơn giản chỉ là kết quả của khả năng lây mạnh, cụ thể khi số người nhiễm càng nhiều, số ca bệnh nặng chắc chắn tăng theo cho dù bản thân virus có thể không độc hơn các chủng cũ bao nhiêu.

"Tôi chưa thấy bằng chứng Delta lựa chọn con nít và người trẻ trưởng thành để tấn công. Ấn tượng của tôi là nó lây quá mạnh nên bất cứ ai chưa tiêm ngừa đều dính, trong đó bao gồm người trẻ" - bác sĩ Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học nhiệt đới quốc gia, Đại học Y Baylor, nêu quan điểm.

Trẻ em mắc COVID-19 có nguy hiểm không, xử trí thế nào? Trẻ em mắc COVID-19 có nguy hiểm không, xử trí thế nào?

TTO - Trẻ em mắc COVID-19 sẽ như thế nào? Có nguy hiểm hay không? Điều trị COVID-19 cho trẻ em có khác gì với người lớn? Trẻ béo phì, mắc bệnh nền cần lưu ý ra sao?

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp