13/02/2022 13:30 GMT+7

'Y tế cơ sở phải tăng ca mới hết việc'

THẢO LÊ - XUÂN MAI
THẢO LÊ - XUÂN MAI

TTO - Hiện dịch COVID-19 tại TP.HCM đã được kiểm soát, hệ thống y tế cơ sở đã dần khôi phục và trở lại chức năng thường quy như trước đây nhưng nhân viên y tế vẫn còn đối diện với khối lượng công việc khổng lồ.

Y tế cơ sở phải tăng ca mới hết việc - Ảnh 1.

Chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Y tế cơ sở - sức khỏe cộng đồng" diễn ra sáng 13-2 - Ảnh: L.H.

Sáng 13-2, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình, Sở Thông tin và truyền thông tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Y tế cơ sở - sức khỏe cộng đồng".

Lượng công việc quá tải, còn nhiều điểm yếu

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy sự quá tải y tế, đặc biệt hệ thống y tế cơ sở. Dù vậy nhưng cả hệ thống đã nỗ lực hết mình, cùng với lực lượng chi viện không quản ngại khó khăn, làm cả ngày và đêm để đáp ứng công tác phòng chống dịch. 

Hiện dịch đã được kiểm soát, y tế cơ sở đã dần khôi phục và trở lại chức năng thường quy như trước đây nhưng khối lượng công việc rất lớn, thậm chí khổng lồ. 

"Với khối lượng công việc lớn, biên chế còn hạn hẹp, anh em y tế cơ sở đã cố gắng chia sẻ, tăng ca, thậm chí một người phải đảm đương nhiều vị trí, chức năng nhiệm vụ thì mới làm hết các việc ở y tế cơ sở", ông Dũng chia sẻ. 

Liên quan đến việc thiếu hụt nhân sự tại y tế cơ sở, ông Lâm Hùng Tấn - phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết theo quy định hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ có 5-10 nhân viên y tế. Do đó, trong đợt dịch vừa qua, y tế cơ sở đã không thể đáp ứng hết việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo ông Tấn, với số lượng nhân viên y tế ít ỏi theo quy định thì chỉ phù hợp với địa bàn phường, xã có 6.000 - 20.000 dân. Tuy nhiên, với dân số tại TP.HCM rất đông, hầu hết các phường, xã có trên 50.000 dân, thậm chí có nơi trên 100.000 dân.

"Từ thực tế đó, TP đã nghiên cứu và đề xuất các bộ ngành liên quan theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên y tế/20.000 dân. Khi thêm 2.000 - 3.000 dân thì cần 1 nhân viên y tế để phù hợp với cơ cấu dân số của từng địa phương", ông Tấn nói.

Chỉ có khoảng 60% trạm y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Cũng tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết hiện nay, Bảo hiểm xã hội đang triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 178 trạm y tế cơ sở, chỉ chiếm khoảng 60% tổng số trạm của TP.

Trong đó, số thẻ bảo hiểm đăng ký ban đầu hiện nay chỉ trên 9.000 thẻ, chiếm 0,11% số thẻ. Năm 2021, số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế chỉ khoảng 114.000 lượt, chiếm khoảng 0,9% số lượt khám chữa bệnh.

Nói về nguyên nhân người dân không “mặn mà” việc khám chữa bệnh tại các trạm y tế, ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng do sự thiếu hụt về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tại các trạm.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc hiện tại ở các trạm chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh. “Bà con khi khám ở bệnh viện tuyến 2, tuyến 3 với các bệnh mãn tính ổn định, khi về trạm y tế với danh mục hơn 200 loại thuốc thì chỉ đáp ứng một phần nhỏ”, ông Dũng nói.

Phó giám đốc Sở Y tế cũng cho biết thời gian tới, ngành y tế sẽ phối hợp Bảo hiểm xã hội TP tăng cường phòng khám đa khoa vệ tinh của các bệnh viện quận huyện đặt tại các trạm y tế và các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Khẩn trương xây dựng giải pháp, nâng cao chất lượng

Phát biểu tại chương trình, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã đề nghị các sở ban ngành khẩn trương xây dựng các giải pháp và các chương trình nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, sớm trình UBND TP để có chỉ đạo kịp thời.

UBND TP cũng sẽ sớm hoàn thiện đề án nâng cao năng lực y tế phường xã, thị trấn, tập trung nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách để thu hút bác sĩ, nhân viên y tế về công tác tại các trạm y tế; phát huy hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình.

UBND TP cũng sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các phần mềm tại các trạm, đảm bảo liên thông với các tuyến trên. Ngoài ra, TP sẽ nghiên cứu mô hình hoạt động trạm y tế theo hình thức công tư để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt nhất.

Phó chủ tịch UBND TP cho biết thêm, UBND TP sẽ sớm thực hiện các quy trình để chuyển trung tâm y tế trực thuộc các sở y tế về quận huyện và TP Thủ Đức.

Năm 2022 có 60 dự án đầu tư y tế cơ sở

Liên quan đầu tư, nâng cấp sửa chữa trạm y tế cơ sở, từ năm 2018, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đã đầu tư, nâng cấp 68 trạm y tế. Năm 2022, số trạm y tế sẽ được đầu tư tăng đáng kể.

Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM - cho hay căn cứ nhu cầu xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho ngành y tế giai đoạn 2021 - 2025, TP ưu tiên vốn đầu tư là 10.700 tỉ đồng với 79 dự án và đã được HĐND TP thông qua.

Riêng năm 2022, tổng vốn đầu tư cho 60 dự án với kinh phí với 5.042 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, để đáp ứng tình hình mới, các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND TP đề xuất trung ương thêm nguồn vốn đầu tư từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho lĩnh vực y tế là 178 dự án với hơn 6.500 tỉ đồng.

TP.HCM: Thêm lực lượng trẻ hỗ trợ tuyến y tế cơ sở TP.HCM: Thêm lực lượng trẻ hỗ trợ tuyến y tế cơ sở

TTO - Sắp tới tại TP.HCM sẽ có 3 lực lượng thường trực tham gia hỗ trợ tại mạng lưới y tế cơ sở là sinh viên y đa khoa năm 5, năm 6, các bác sĩ chương trình thực hành 18 tháng của Sở Y tế và các giảng viên khoa y tế công cộng.

THẢO LÊ - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp