Bài viết Giáo viên trường quốc tế phát sách có nội dung nhạy cảm cho học sinh lớp 11 được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online ngày 3-5 thu hút rất nhiều lượt bình luận từ độc giả.
Nhiều bạn đọc cho rằng cần tìm hiểu rõ giá trị nội dung, chứ không nên phê phán chỉ vì vài đoạn văn nhạy cảm, quan trọng là sách "nhạy cảm" nên nêu rõ độ tuổi có thể đọc.
Bạn đọc Lee (khanhly12…@gmail.com) nêu góc nhìn quyển sách của Ocean Vương "cũng là tác phẩm nổi tiếng được xuất bản ở nhiều quốc gia mà, nó hơi nhạy cảm với học sinh thôi. Nhân vật trong truyện cũng đang kể chuyện lúc 17 tuổi đó, nó gây sốc cho phụ huynh vì khác biệt văn hóa".
Bạn đọc tên Cường (hungcuong…@yahoo.com) cho rằng: "Đây là một cuốn truyện ai thích thì đọc, không thích thì thôi, nhưng việc phát sách cho học sinh là không nên. Truyện được viết ở dạng một lá thư của cậu con trai gửi cho người mẹ của mình như một lời tự sự kể cho mẹ nghe những gì mẹ không biết, chưa biết hoặc đã biết.
Truyện có rất nhiều tình tiết, có từ ngữ quá chân thực, nhưng cũng có những từ ngữ tinh tế, có chiều sâu.
Vì vậy, đây là sách dành cho ai thích thì đọc, không nên phát, giống như những 'cảnh nóng' trên phim điện ảnh thì được nhưng không nên phát cảnh đó trên phim truyền hình".
Bạn đọc Minh (nhatminh79…@gmail.com) cho rằng trong câu chuyện này thì "lỗi ở nhà trường vì có lẽ đã không đọc nội dung sách trước khi chọn phổ biến cho học trò. Lỗi lớn nằm ở nhà xuất bản bản dịch vì không giới hạn độ tuổi tiếp cận sách, nhưng vẫn giữ nguyên những đoạn mô tả rất trực tiếp quan hệ tình dục đồng tính nam".
Có nên quản lý sách ở trường quốc tế?
Liên quan sự việc này, bạn đọc Đoàn Hòa (doanhoa…@gmail.com) nêu ý kiến: "Trường quốc tế hoạt động tại Việt Nam nhưng không phải muốn cho học sinh đọc sách gì thì đọc, dù sách đó được xuất bản chính thức tại nước ngoài. Cần phải thông qua thẩm định của ngành giáo dục tại Việt Nam trước khi cho học sinh người Việt Nam học".
Đồng quan điểm, bạn đọc tên Thạch (dinhkimthach…@gmail.com) cho rằng: "Nên có một cơ chế kiểm duyệt tài liệu hoặc sách mà các trường quốc tế sử dụng trong giảng dạy. Đó là chưa kể các trường quốc tế thường không theo chuẩn của Việt Nam. Trước, tôi có nghe vụ học sinh một trường quốc tế vừa không rành tiếng Việt, vừa không biết ngày 30-4 là ngày gì?".
Tuy nhiên, bạn đọc Thạch cũng đưa thêm một góc nhìn khác: "Khi học chương trình quốc tế thì mấy phụ huynh cũng hiểu là ở nước ngoài việc giáo dục giới tính chân thật hơn ở Việt Nam rất nhiều. Nếu phụ huynh nào không thích thì cứ để học ở trường Việt Nam vừa rẻ vừa phù hợp với quan điểm. Chứ giáo dục giới tính ở Việt Nam học nói thật là… chán. Học sinh toàn phải tự 'tìm hiểu' thôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận