01/04/2019 08:14 GMT+7

Ý kiến luật sư: Đoàn Thị Hương phải được trả tự do theo luật Malaysia

LUẬT SƯ PHÙNG ANH TUẤN
LUẬT SƯ PHÙNG ANH TUẤN

TTO - Theo luật sư Phùng Anh Tuấn (công ty luật VCI Legal), Đoàn Thị Hương nên được hưởng sự miễn trừ truy tố tương tự như bị cáo người Indonesia Siti Aisyah xét trên nhiều khía cạnh pháp lý khác nhau.

Ý kiến luật sư: Đoàn Thị Hương phải được trả tự do theo luật Malaysia - Ảnh 1.

Đoàn Thị Hương (giữa) tại tòa án tối cao Shah Alam ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur ngày 14-3 - Ảnh: REUTERS

Sáng nay (1-4), Tòa án tối cao Shah Alam ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia tiếp tục xét xử Đoàn Thị Hương. Đây được xem là phiên tòa mang tính quyết định. Phiên tòa 14-3 trước đó, công tố viên đã bác đơn tha bổng Hương.

Phiên tòa hôm nay được đánh giá là quan trọng bởi Tổng chưởng lý Malaysia sẽ một lần nữa cho biết câu trả lời của ông trước lá đơn thỉnh nguyện trả tự do thứ hai cho Đoàn Thị Hương.

Có hay không phân biệt đối xử?

Ngày 11-3 năm 2019, Siti Aisyah, người phụ nữ Indonesia bị buộc tội giết Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên tại sân bay Kuala Lumpur năm 2017, đã được trả tự do sau khi Malaysia quyết định gỡ bỏ cáo buộc giết người đối với cô.

Ý kiến luật sư: Đoàn Thị Hương phải được trả tự do theo luật Malaysia - Ảnh 2.

Cô Siti Aisyah tham dự cuộc họp báo tại Đại sứ quán Indonesia ở Kuala Lumpur ngày 11-3, sau khi được tòa Malaysia trả tự do - Ảnh: REUTERS

Công Tố Viện Malaysia (DPP) thông báo cho Tòa án Tối cao Malaysia rằng Viện chỉ rút lại tội giết người đối với Siti Aisyah, và Tòa đã đưa ra quyết định "bãi bỏ truy tố nhưng không xóa trắng án" (hay DNAA) theo Điều 254 Bộ luật Tố tụng Hình sự Malaysia (BLTTHS).

Ở đây một quyết định DNAA đã được đưa ra vì Viện công tố gỡ bỏ việc truy tố khi vụ án chưa hoàn thành. Điều này có nghĩa là, nếu sau này các bằng chứng buộc tội trở nên đủ thuyết phục, Công Tố Viện vẫn có quyền xét lại và truy tố Siti Aisyah dù trên thực tế, DPP có lẽ sẽ không thực hiện quyền truy tố này.

Bị cáo còn lại, cô Đoàn Thị Hương người Việt Nam, vẫn tiếp tục bị đưa ra xét xử vì Viện công tố Malaysia chỉ yêu cầu gỡ cáo buộc đối với Siti Aisyah.

Ở đây điểm đáng nói là DPP đã không đưa ra bất kì lý do nào cho việc đối xử khác nhau như vậy và vì vậy kể từ khi Siti Aisyah được thả tự do, đã có một sự phản đối công khai lớn đối với quyết định không áp dụng DNAA cho Đoàn Thị Hương tương tự như Siti Aisyah của Công Tố Viện và chính phủ Malaysia.

Sự phản đối này đến từ cả công chúng cho tới giới hành nghề luật và các đại diện của cơ quan lập pháp ở cả trong lẫn ngoài Malaysia. Nhìn từ bên ngoài, người ta có thể thấy đây là một sự phân biệt đối xử khá rõ ràng trong khi đó hai đại diện quan trọng nhất cho quyền lực hành pháp của chính phủ Malaysia với trách nhiệm đại diện cho công chúng bảo vệ luật pháp thì lại không có câu trả lời rõ ràng nào.

Cụ thể Công Tố Viên Trưởng của Malaysia đã không đưa ra một lý do cụ thể nào cho quyết định tiếp tục truy tố còn Thủ tướng Mahathir, tuy đã trả lời công luận, lại nói rằng Viện công tố chỉ tuân theo "nguyên tắc pháp quyền và thượng tôn pháp luật" (Rule of law) mặc dù ông nói rằng ông không biết các lý do chi tiết.

Câu hỏi nhiều người quan tâm do vậy là trên thực tế, có đúng là Đoàn Thị Hương đã không nhận được sự đối xử bình đẳng trong tư pháp mà mình xứng đáng được hưởng theo nguyên tắc pháp quyền và thượng tôn pháp luật của Malaysia hay không?

Ý định phạm tội chung định nghĩa thế nào? 

Tháng 8 năm 2018, Tòa án chấp nhận cáo trạng của công tố viên đối với hai bị cáo nữ này và cho rằng họ có cùng ý định phạm tội với bốn người Bắc Triều Tiên - những người cho đến nay vẫn chưa bị bắt và truy tố, và rằng hai người phụ nữ này đã gây ra cái chết của Kim Jong-nam, do đó, Tòa đã yêu cầu hai người phụ nữ biện hộ cho hành vi của mình.

Ý kiến luật sư: Đoàn Thị Hương phải được trả tự do theo luật Malaysia - Ảnh 3.

Đoàn Thị Hương tại tòa án tối cao Shah Alam ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur ngày 14-3 - Ảnh: REUTERS

Do Siti Aisyah đã được thả trước khi Công Tố Viện ra bản luận tội, vấn đề ở đây là liệu ý định chung trong việc giết Kim Jong-nam có thể được dùng làm căn cứ buộc tội Đoàn Thị Hương, bị cáo duy nhất còn lại trong phiên sơ thẩm hay không. Nói cách khác, hiện Hương là người duy nhất bị buộc tội giết người, cụ thể là có "ý định phạm tội chung" trong việc giết Kim Jong-nam.

Do đó, cần phải tìm hiểu ý định phạm tội chung (common intention) được định nghĩa như thế nào theo luật hình sự Malaysia (BLHS). Điều 34 BLHS quy định như sau:

"Khi một tội được thực hiện bởi một số người, để thực hiện ý định phạm tội chung của cả nhóm, từng người trong nhóm phải chịu trách nhiệm cho hành động phạm tội theo cách tương tự như trường hợp tội phạm được thực hiện bởi một mình cá nhân đó." Theo logic pháp lý có thể lập luận điều ngược lại - việc miễn trách nhiệm cho hành động phạm tội của một cá nhân cũng phải được áp dụng cho các cá nhân khác có cùng ý định phạm tội trong nhóm.

Từ định nghĩa trên và từ các sự kiện được công bố về việc mưu sát Kim Jong-nam như cáo buộc, có thể thấy một số điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, cáo trạng lẽ ra đã phải chứng minh và cáo buộc tội đối với cả hai bị cáo nữ một cách tương tự chứ không thể chỉ chứng minh và cáo buộc tội phạm với một người còn một người được bỏ qua chỉ vì quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia.

Thứ hai, và quan trọng hơn, quyết định xóa quyết định/hoặc không truy tố một người (Siti Aisyah) trong nhóm bị cáo có ý định phạm tội chung cũng như lập luận pháp lý cho quyết định đó phải được áp dụng tương tự cho người còn lại (Đoàn Thị Hương) vì tình trạng tương tự pháp lý của hai bị cáo có chung ý định phạm tội là cơ sở chính của nguyên tắc pháp lý và Điều 34 BLHS về ý định phạm tội chung như đã trích dẫn ở trên.

Cuối cùng, trách nhiệm hình sự của hai bị cáo nữ lẽ ra phải giống hệt nhau nếu tòa án chấp nhận bản luận tội & truy tố của Công Tố Viện và việc miễn trừ trách nhiệm đó, ở đây là hủy bỏ truy tố Siti Aisyah đáng lẽ ra cũng phải được áp dụng cho Đoàn Thị Hương, một thành viên cùng nhóm có ý định phạm tội chung.

Do đó, quyết định của Viện công tố trong việc hủy truy tố Siti Aisyah và không hủy cho Đoàn Thị Hương trên về mặt có vẻ không hợp lý và thiếu căn cứ pháp lý. Dường như, Đoàn Thị Hương đã không được đối xử công bằng trên cơ sở pháp luật. Đương nhiên người, ta cũng không thể loại trừ trường hợp trong hồ sơ điều tra và truy tố có những chứng cứ buộc tội Đoàn Thị Hương không tồn tại cho Siti Aisyah. 

Ý kiến luật sư: Đoàn Thị Hương phải được trả tự do theo luật Malaysia - Ảnh 4.

Bị cáo người Việt Đoàn Thị Hương tại phiên tòa mới đây nhất ở Malaysia - Ảnh: AFP

Phạm tội như nhau, phạt giống nhau 

Một trong những nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi trong luật hình sự là các cá nhân đóng vai trò tương tự trong cùng một kế hoạch tội phạm sẽ nhận được các hình phạt giống nhau. 

Thực thi công lý đòi hỏi rằng các hình phạt tương tự phải được áp dụng cho hai người phụ nữ này. Tuy nhiên, Viện công tố Malaysia cuối cùng đã không đối xử bình đẳng với hai người phụ nữ này.

Nhìn chung, khả năng phạm tội là một trong những yếu tố chính trong việc quyết định bản án của các bị cáo với phạm vi hình phạt luật định và theo các văn bản hướng dẫn về việc tuyên án.

Không giống như các quốc gia theo hệ thống thông luật khác, Malaysia không có văn bản hướng dẫn tuyên án và vì vậy các thẩm phán Malaysia có toàn quyền cân nhắc và suy xét trong thực tiễn xét xử.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của Đoàn Thị Hương, toàn quyền quyết định tuyên án của họ không thể hiện nhiều vì án tử hình là hình phạt bắt buộc cho tội giết người nếu Hương bị tuyên có tội. Do đó, sự khác biệt về hình phạt đối với Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah có khả năng sẽ vô cùng lớn (tử hình so với được hủy truy tố) nếu Đoàn Thị Hương bị tuyên có tội.

Tại các quốc gia thông luật khác, các thẩm phán coi sự khác biệt về hình phạt là một yếu tố giảm nhẹ nếu có sự khác biệt đáng kể, rất lớn hoặc hiển nhiên. 

Rõ ràng là Viện công tố Malaysia đã không đưa ra bất kỳ lý do nào cho việc hủy truy tố Siti Aisyah mà không hủy truy tố Đoàn Thị Hương. Tại một số quốc gia thông luật, tòa án có thẩm quyền thường tuyên rằng hình phạt nhẹ hơn áp dụng cho một trong các bị cáo của vụ án có thể là tình tiết giảm nhẹ nếu không có cơ sở thuyết phục nào cho việc đối xử khác biệt giữa các bị cáo trong vụ án.

Sự khác biệt trong việc tuyên hình phạt trong các vụ án nêu trên chủ yếu căn cứ trên quyết định cá nhân của những người bị buộc tội trước tòa (ví dụ: nhận tội hoặc biện hộ mình vô tội, hoặc yêu cầu xét giảm trách nhiệm hình sự). Trường hợp của Đoàn Thị Hương thì khác. Cả Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah đều biện hộ mình vô tội.

Nếu Đoàn Thị Hương bị tuyên có tội và nhận án tử hình, chỉ trích trên toàn cầu sẽ là kết quả không tránh khỏi cho sự bất công, sự khác biệt đối xử mà hoàn toàn không có căn cứ trên pháp luật này. Do Tòa án Malaysia không có bất kỳ lựa chọn nào để giảm nhẹ hình phạt tử hình đối với Đoàn Thị Hương, nên biện pháp duy nhất có thể xóa đi sự bất công này là Viện công tố Malaysia phải rút lại các cáo buộc đối với Đoàn Thị Hương.

Hy vọng phán quyết công bằng! 

Công bằng trong tố tụng và sự tuân thủ đúng trình tự, thủ tục (due process) của pháp luật là những yếu tố quan trọng của quyền bình đẳng trước tòa án và của quyền được xét xử công bằng, được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế.

Ý kiến luật sư: Đoàn Thị Hương phải được trả tự do theo luật Malaysia - Ảnh 5.

Hành động bất công, thiếu chuyên nghiệp với Đoàn Thị Hương. Ảnh: REUTERS

Theo luật quốc tế về quyền con người về quyền bình đẳng trước tòa án, Đoàn Thị Hương phải được trả tự do ngay lập tức vì cáo buộc của cô giống hệt với Siti Aisyah. Hoặc, ít nhất Hương phải được biết lý do của sự phân biệt đối xử giữa mình và Siti Aisyah để chuẩn bị biện hộ cho phiên tòa sắp tới, phiên tòa sẽ phải tuân theo nguyên tắc công bằng trong tố tụng và sự tuân thủ đúng trình tự, thủ tục tố tụng. Rất tiếc là, thực tế cho thấy, trong số các quyền nêu trên, không có quyền nào được thực thi.

Việc Viện công tố Malaysia quyết định hủy truy tố một mình Siti Aisyah dường như không hề hợp pháp hay hợp lý theo BLHS Malaysia, cho thấy đây là hành động không công bằng và thiếu chuyên nghiệp. Hơn nữa, quyết định này dường như cũng vi phạm các nguyên tắc của luật nhân quyền quốc tế như đã được ghi nhận trong Hiến pháp Malaysia. 

Chúng tôi hy vọng Malaysia sẽ đưa ra quyết định công bằng và thượng tôn pháp quyền đối với Đoàn Thị Hương, không chỉ vì cô là người Việt Nam mà còn vì nguyên tắc công bằng trong đối xứ và tiến trình tư pháp công bằng là những chuẩn mực nhân quyền và pháp quyền mà Hiến chương Liên Hiệp Quốc và tuyệt đại đa số các quốc gia và nhân loại tiến bộ đã luôn đề cao và kêu gọi thực hành cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Liên đoàn luật sư kiến nghị có biện pháp bảo vệ Đoàn Thị Hương

TTO - Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có đơn kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, đề nghị có ngay biện pháp bảo vệ công dân Đoàn Thị Hương đang bị xét xử tại Malaysia.

LUẬT SƯ PHÙNG ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp