Ảnh: V.V.T. |
“Không nên quy chụp tư tưởng, cũng không nên xúc phạm người phát ngôn trái chiều một cách nặng nề. Bởi sự tôn trọng trong trao đổi mới là xã hội dân chủ |
GS Nguyễn Minh Thuyết |
Sau khi đại tá phi công Trần Quang Khải hi sinh khi làm nhiệm vụ huấn luyện trên máy bay Su30-MK2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có quyết định đặc cách tuyển vợ anh vào biên chế chính thức, làm giáo viên Trường Chu Văn An (Hà Nội).
Nhưng sau đó cô giáo Trần Thị Mỹ Hà, Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), đã bày tỏ sự không đồng tình với quyết định này, với dòng chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Ku Tây không thích điều này”.
Ý kiến này ngay lập tức nhận được nhiều phản ứng trái chiều của cư dân mạng. Sau đó chi bộ Trường THPT Trần Nhân Tông đã phải họp khẩn và đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cô Hà vì phát biểu nói trên.
Sự việc này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng những ngày qua. Ngày 23-6, trả lời một tờ báo điện tử, ông Nguyễn Đức Chung đã bày tỏ quan điểm cá nhân cho rằng “nhà trường không nên kỷ luật cô Hà chỉ vì nêu ý kiến trên mạng xã hội”.
Về câu chuyện nói trên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng quyết định của chủ tịch UBND TP Hà Nội đặc cách tuyển vợ phi công Trần Quang Khải vào biên chế chính thức tại Trường Chu Văn An là quyết định kịp thời, có tình, có lý.
Quyết định ấy thể hiện chính sách hậu phương quân đội đối với gia đình những chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc.
Về lý, GS Thuyết cho rằng vợ của phi công hiện đang dạy hợp đồng ở Trường Chu Văn An nên việc tuyển dụng cô ấy nằm trong thẩm quyền của chủ tịch UBND TP Hà Nội.
“Một quyết định của TP hay bất kỳ hành vi hành chính, hành vi xã hội nào cũng có thể tạo ra những suy nghĩ khác nhau của người dân.
Cô giáo Trần Thị Mỹ Hà - với tư cách là một người dân - có thể có suy nghĩ riêng của mình. Cô ấy có quyền tự do ngôn luận - quyền đã được Hiến pháp đảm bảo.
Tôi có đọc ý kiến của cô giáo Hà thì thấy rằng ý kiến đó không xúc phạm đến ai cả. Cô ấy chỉ bày tỏ ý kiến không đồng tình với quyết định của Chủ tịch Chung. Trong xã hội thì ta phải làm quen với việc người khác có ý kiến về cùng một vấn đề có thể khác với ta.
Thậm chí có thể có những ý kiến khác với số đông. Việc tồn tại những ý kiến khác nhau trong xã hội là một điều hết sức bình thường và lành mạnh, miễn là ý kiến đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật hay vi phạm nghiêm trọng đạo đức.
Những ý kiến như vậy không đáng phải để cho các cơ quan, tổ chức hay nhà chức trách phải xử lý” - GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.
Vì thế, GS Thuyết cho rằng việc những người khác phát biểu, trao đổi, thảo luận với cô giáo Hà trên Facebook về vấn đề vừa qua là bình thường. Không nên quy chụp tư tưởng, cũng không nên xúc phạm người phát ngôn trái chiều một cách nặng nề. Bởi sự tôn trọng trong trao đổi mới là xã hội dân chủ.
GS Thuyết nói thêm: “Việc chi bộ Trường THPT Trần Nhân Tông tiến hành kiểm điểm và kỷ luật cô giáo Hà là việc làm vội vàng, thể hiện nhận thức không đúng về dân chủ, về tự do ngôn luận của công dân.
Quyết định kỷ luật của chi bộ nhà trường đưa ra với cô Hà là không đúng, và hình thức kỷ luật cô Hà như vậy là rất nặng.
Nếu các đồng nghiệp của cô Hà trong chi bộ không đồng tình với ý kiến của cô thì có thể trao đổi với cô ấy một cách thân tình, để làm sao cô Hà có thể bộc lộ nguyên do vì sao cô ấy có ý kiến như vậy...
Cần phải quen với việc có những ý kiến đa dạng, có những ý kiến khác với mình, thậm chí có những ý kiến khác với cấp trên. Có lẽ từ nay về sau chúng ta nên hành xử theo một cách khác trong xã hội”.
Về quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (với tư cách là phó bí thư thành ủy) chỉ đạo rút lại kỷ luật cô Hà, GS Thuyết cho rằng đó là quyết định nhạy bén, nhân văn.
Về những ý kiến trên mạng xã hội xoay quanh sự việc của cô Hà, GS Thuyết đưa ra lời khuyên: những người khác có thể có ý kiến khác với cô Hà, nhưng nên bình luận và hành xử một cách có văn hóa. Dù bình luận trên mạng xã hội được coi là ảo, nhưng cũng cần phải có thái độ đúng mực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận