Một con phố vắng lặng tại quận Navigli cổ kính ở “kinh đô thời trang” Milan. Milan là một trong những thành phố áp dụng lệnh phong tỏa - Ảnh chụp màn hình AP
Bạn có thể đóng cửa trường học trong một hoặc hai tuần và điều này rất cần thiết ở Ý. Nó sẽ xảy ra ở các nước châu Âu khác. Nhưng câu hỏi quan trọng vẫn là khi nào nên làm điều đó.
Thủ tướng của nước Áo láng giềng Ý, ông Sebastian Kurz, cho rằng việc các nền dân chủ khác của châu Âu nối gót các hành động cực đoan của Ý chỉ là vấn đề thời gian.
Chỉ trong ngày 8-3, số ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch bệnh COVID-19 ở nước này tăng gần 1.500 ca, lên đến 7.375 trường hợp trong khi số tử vong tăng vọt lên 366 người. Các chuyên gia y tế Ý nhanh chóng chỉ ra phần lớn những người đã chết cho đến nay đều trên 60 tuổi và mắc các bệnh nền nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư, trước khi bị nhiễm virus corona chủng mới.
Cứng rắn như tại Vũ Hán
Tính đến chiều 9-3 (giờ Việt Nam), với 366 người chết, Ý chỉ đứng sau Trung Quốc về số người tử vong vì dịch COVID-19. Điều này buộc chính quyền Rome phải hành động.
Một sắc lệnh phong tỏa được Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thông qua ngay trong đêm 8-3 và có hiệu lực ngay lập tức đối với khu vực miền bắc giàu có của đất nước, bao gồm thủ đô tài chính Milan.
Các biện pháp cực đoan mới của Ý tương tự như cách Trung Quốc đã làm với Vũ Hán. Tất cả người dân không được vào hoặc rời khỏi vùng Lombardy, khu vực giàu có nhất của Ý, cũng như 14 tỉnh thuộc bốn khu vực khác, bao gồm Venice, Modena, Parma, Piacenza, Reggio Emilia và Rimini. Chỉ những người có lý do đã được chứng minh, liên quan đến công việc hoặc vấn đề sức khỏe mới có thể di chuyển ra vào khu vực phong tỏa.
Các nhân viên y tế tại những vùng cách ly không được cho nghỉ phép. "Chúng ta phải hạn chế sự lây lan của virus và ngăn các bệnh viện của chúng ta khỏi bị tràn ngập bởi người bệnh", ông Conte nhấn mạnh trong cuộc họp báo rạng sáng 8-3, mô tả đất nước hình chiếc ủng đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp.
Nhưng không hiểu bằng cách nào đó, dự thảo của sắc lệnh này đã bị rò rỉ ra ngoài trước khi ông Conte đặt bút lên ký đến tận vài ngày, dẫn tới một luồng chạy dịch từ bắc vào nam. Trên mạng xã hội Facebook, người đứng đầu vùng Puglia ở phía nam, ông Michele Emilian, đã phải lên tiếng kêu gọi người dân miền bắc "hãy dừng lại và quay trở về nhà, đừng mang theo dịch bệnh tới Puglia".
Để ngăn nguy cơ dịch lây lan, ông Emilian đã ký ban hành quy định cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người đến từ vùng phong tỏa. Các vùng phía nam khác như Calabria, Sicily và Basilicata cũng áp dụng các biện pháp tương tự.
Nguồn: Cơ quan bảo vệ dân sự Ý -Tư liệu: DUY LINH - Đồ họa: N.THÀNH
Bảo vệ người già
Thống kê của EU cho thấy Ý có dân số già nhất châu Âu với tỉ lệ người trẻ tuổi thấp nhất và tỉ lệ những người trên 65 tuổi cao so với bất kỳ quốc gia thành viên EU nào khác. Độ tuổi trung bình của người Ý hiện là 45,9 so với trung bình 42,8 của EU và cao hơn tất cả các nước EU, ngoại trừ Đức.
"16% số người chết ở Ý là 60-69 tuổi, 30% trong khoảng 70-79 tuổi, 42% ở 80-89 tuổi và 6% trên 90 tuổi. Các phân tích của chúng tôi cho thấy 80% người đã chết có nhiều hơn hai bệnh lý, chỉ có 2% không có bệnh lý" - viện trưởng Viện Y tế quốc gia Ý Silvio Brusaferro đặt vấn đề trong cuộc họp báo ngày 7-3.
Dân số cao tuổi được xem là yếu tố dẫn tới việc Chính phủ Ý ra quyết định đóng cửa tất cả các trường học ít nhất đến ngày 15-3. Mặc dù tỉ lệ lây nhiễm ở những người trẻ tuổi có vẻ thấp, nhưng có những lo ngại rằng học sinh có thể truyền bệnh cho các thành viên lớn tuổi trong gia đình, đặc biệt là ở một quốc gia có mối quan hệ gia đình gần gũi như Ý, theo tờ The Local của Ý.
"Các biện pháp được đưa ra trong những ngày này chỉ để nhằm tránh một đợt dịch lớn" - Viện Y tế quốc gia Ý giãi bày trong một thông cáo. "Trong trường hợp có nhiều ca nhiễm COVID-19, chúng ta phải xem xét thực tế rằng Ý có dân số già, thực sự già hơn nhiều so với Trung Quốc và họ rất cần được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm", một đoạn trong thông cáo nhấn mạnh.
Trên trang web chính thức của mình, Bộ Y tế Ý khuyến cáo những người trên 75 tuổi nên ở trong nhà "càng nhiều càng tốt" và hạn chế tiếp xúc xã hội trong những tuần tới. Lời khuyên tương tự cũng được đưa ra cho những người trên 65 tuổi có bệnh nền, đặc biệt là những người có bệnh về hô hấp.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Chi 8,4 tỉ USD dập dịch
Theo Hãng tin Bloomberg, Chính phủ Ý đã công bố kế hoạch chi 7,5 tỉ euro (khoảng 8,4 tỉ USD) để giải quyết các ổ dịch COVID-19, hiện đang tập trung ở miền bắc nước Ý, nơi có cơ sở hạ tầng hiện đại, giàu có. Nhà chức trách lo ngại nếu không mạnh tay giải quyết triệt để ổ dịch này, dịch bệnh lan xuống miền nam với kinh tế và hệ thống y tế yếu kém hơn sẽ khiến đất nước rơi vào cảnh "bế tắc", hỗn loạn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Ý nỗ lực tuyển dụng thêm 20.000 y bác sĩ mới, đồng thời kêu gọi người đã nghỉ hưu hỗ trợ các khoa hô hấp và bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện đang quá tải bệnh nhân.
MINH HẢI
Nhà tù nổi loạn
Biện pháp cứng rắn của chính quyền Ý còn phát sinh thêm nhiều vấn đề xã hội khác. Tù nhân tại ít nhất 4 nhà tù ở Naples Poggioreale (phía nam), Modena (phía bắc), Frosinone (miền trung) và Alexandria (phía tây bắc) đã nổi loạn chống lại các quy định thăm nom mới vừa được ban hành trong mùa dịch COVID-19, trong đó bao gồm việc cấm tiệt gia đình được phép vào thăm.
Các cuộc nổi dậy bắt đầu khi thân nhân của những tù nhân này biểu tình bên ngoài nhà tù vì bị ngăn cản vào trong, theo tờ Stampa. Ít nhất 1 tù nhân đã thiệt mạng, theo một tổ chức bảo vệ nhân quyền cho các tù nhân ở Ý.
Nghiêm trọng hơn, tại nhà tù Torre del Gallo ở Pavia, phía nam Milan, các tù nhân nổi loạn đã bắt 2 lính canh làm con tin và lấy chìa khóa, mở cửa ngục giải thoát cho đồng bọn. Ở một số nhà tù "ôn hòa" hơn, các tù nhân sau khi nổi loạn đã đưa yêu sách khôi phục quyền được thân nhân thăm viếng và cố gắng đàm phán với ban quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận