Việc tìm kiếm lò giết mổ mới không dễ và đặt ra mối lo về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm khi có quá nhiều nơi giết mổ rồi đưa thịt heo vào thành phố tiêu thụ.
Đưa heo từ Đồng Nai về giết mổ ở Long An
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online qua điện thoại, bà Nguyễn Kim Oanh, một thương lái heo tại Đồng Nai, cho hay bà chuẩn bị nghỉ bán heo vì không tìm được lò giết mổ thay thế.
Trong suốt hơn 5 năm qua, bà Oanh đều đưa heo lên lò mổ Xuyên Á để giết thịt rồi đem ra chợ đầu mối Hóc Môn bán.
Trung bình, mỗi ngày bà Oanh bán ra 90-100 con heo vì thế khi lò mổ Xuyên Á bị đóng cửa bà trở tay không kịp đành phải nghỉ bán hai hôm.
Sau đó nhờ một người quen giới thiệu một lò mổ nhỏ ở Bình Tân (TP.HCM) bà Oanh đưa 60 con heo đến nhờ giết mổ.
Thế nhưng, sáng 3-10 đơn vị giết mổ thông báo chỉ làm được 30 con, còn 20 con phải để lại vì nhiều người đặt làm quá, lò mổ không làm nổi đành chia sẻ mỗi người làm một ít.
"Lượng heo buôn bán giảm chỉ còn 20-30% so với ngày thường mà chưa biết mai kia có chỗ giết mổ heo hay không nên tôi sẽ tạm nghỉ một thời gian để tính cách khác", bà Oanh cho biết.
Trong khi đó, ông T. cũng là một thương lái heo tại Đồng Nai, đã phải đưa heo ở tỉnh này xuống các lò mổ tại Long An để giết mổ rồi vận chuyển ngược lại TP.HCM tiêu thụ.
"Lỡ mua ở Đồng Nai rồi nên phải vậy. Hết đợt này tôi chuyển mua heo ở các tỉnh miền Tây cho thuận đường. Lò mổ ở các địa phương đều nhỏ và đã đầy nhóc heo khắp nơi đổ về rồi", ông T. cho biết.
Xuyên Á, lò mổ vừa bị tạm dừng hoạt động, có công suất giết mổ 5.000-6.000 con heo/đêm, là lò mổ lớn nhất tại TP.HCM cũng như khu vực xung quanh,
Đây là nơi tập trung giết mổ heo của rất nhiều thương lái tại TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận.
Sau khi giết mổ heo tại đây, các thương lái chỉ mất khoảng 25 phút là đưa heo mảnh ra sạp tại các chợ đầu mối.
Chính vì thế, khi lò mổ này tạm ngưng hoạt động, các thương lái phải tản ra khắp các lò mổ khác tại TP.HCM cũng như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… rồi chở ngược lại thành phố.
Lại lo an toàn vệ sinh ở các lò mổ nhỏ
Trong khi đó, lò mổ của Công ty cổ phần Vissan được nhiều thương lái tìm đến để giết mổ heo, nhưng lại bị từ chối.
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, quy trình giết mổ của Vissan rất rõ ràng, muốn đưa heo đến giết mổ tại đây phải có hợp đồng giữa hai bên, kèm theo đó là những quy định về đảm bảo nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Với những quy định như vậy thì không thể muốn đưa heo đến giết mổ tại lò của Vissan là giết mổ được ngay mà phải có quá trình làm việc. Vì vậy những ngày qua dù nhận được nhiều lời đề nghị của thương lái nhưng chúng tôi vẫn phải từ chối", bà Ninh cho hay.
Cũng theo bà Ninh, dù không nhận giết mổ heo gia công cho các thương lái nhưng Vissan đề nghị bán heo mảnh của công ty cho những người này để họ vẫn có nguồn thịt để kinh doanh bình thường.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Nai cho biết, mỗi ngày Đồng Nai đưa khoảng 5.000 con heo về TP.HCM để giết mổ cung cấp thịt cho thị trường thành phố, trong đó, điểm đến giết mổ lớn nhất là lò mổ Xuyên Á.
Vì vậy, việc lò mổ này bị đóng cửa sẽ dẫn đến tình trạng nhiều thương lái phải tìm những lò mổ khác thay thế sẽ làm xáo trộn hoạt động kinh doanh.
Hơn nữa, việc tìm các lò mổ đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm cũng như đủ công suất để xử lý 5.000 con heo/đêm như của Xuyên Á là không dễ dàng vì đa số các lò mổ ở các địa phương xung quanh là lò mổ nhỏ lẻ, quy mô chỉ từ 100-400 con/đêm.
"Nếu heo về nhiều thì sẽ nảy sinh vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm và dịch bệnh đối với các cơ sở nhỏ lẻ như vậy", ông Quang cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận