Phóng to |
Một ảnh được trưng bày tại triển lãm |
90 bức ảnh là 90 lát cắt sinh động, có khi tươi vui, có khi ám ảnh người thưởng lãm. Hí hoáy ghi chép, rồi có khi lại “thừ” mặt ra với những câu chuyện cảm động thời chiến, các bạn nhỏ đến từ Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM - những người may mắn đầu tiên đến với triển lãm Trẻ em thời chiến - đã có một ngày vui buồn lẫn lộn...
Ðã quen với những câu chuyện “thời bao cấp” của ông bà, cha mẹ, nhưng phải đến khi tận mắt nhìn thấy cuộc sống “lạ lẫm” ấy, nhiều câu hỏi như: “Sao các bạn ấy đi học lại phải đội mũ rơm?”, “Sao lại phải học dưới hầm sâu 10m?” mới dần được vỡ lẽ! Dĩ nhiên, trong cuộc sống thời bình, các em sẽ khó lòng hiểu được cảm giác: một tiết học nhiều lần bị “băm nát” bởi tiếng còi báo động máy bay sẽ ra sao, vừa học văn hóa vừa phải đào giao thông hào như thế nào... Nhưng những cái gật gù đầy chia sẻ, sự chăm chú, thích thú khi thấy tuổi nhỏ mà bạn bè đồng lứa làm được những việc “không nhỏ” đã hồn nhiên gieo vào lòng con trẻ niềm tự hào...
Trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, toàn bộ nếp sống xã hội bị đảo lộn, đó là một thử thách thật sự khắc nghiệt với trẻ em. Các em buộc phải thích nghi với cuộc sống kham khổ và thiếu thốn, đặc biệt với các em học sinh ở thành phố khi phải sơ tán về nông thôn: không điện, không nước máy, thậm chí không có bố mẹ ở bên!
Nhưng thật ngạc nhiên và xúc động khi bom đạn, cái chết, cả nỗi sợ thiếu ăn, thiếu mặc cận kề vẫn không ngăn được tình yêu cuộc sống và niềm đam mê nghệ thuật của các bạn nhỏ.
Như Ðặng Thái Sơn - người sau này đã được cả thế giới biết đến bởi tài năng chơi đàn xuất sắc - từng là một cậu bé gầy gò, vừa đeo cặp cứu thương vừa tập đàn violon trên sân gạch nơi sơ tán. Rồi cũng trên nền sàn gỗ đóng tạm của vùng sơ tán ấy, những nữ sinh nhỏ tuổi trường múa vẫn như thiên nga kiêu hãnh tập những động tác khó, và cả những buổi học vẽ phong cảnh đồng quê hiền lành trong những giây phút thanh bình hiếm hoi, những cái Tết trung thu vội vã nhưng vẫn không ngớt tiếng cười. Những hình ảnh đó, nói như lời bà Huỳnh Ngọc Vân, chẳng khác gì “xương rồng vẫn nở hoa dù khô cằn, cát bỏng”.
Trẻ em thời chiến là tên gọi cuộc triển lãm ảnh đang mở cửa tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM (28 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) do bảo tàng phối hợp với NXB Kim Đồng, Thông tấn xã VN, Công ty Tầm Nhìn Á Châu tổ chức, nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN và 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Triển lãm diễn ra từ chiều 28-12-2012 và kéo dài đến hết ngày 28-2-2013. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận