Phóng to |
Luala concert là một trong những chương trình mới nhất tiếp cận khán giả đời thường tại Hà Nội. Có lẽ đơn vị khởi xướng cho "phong trào" âm nhạc xuống phố tại VN chính là Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật âm nhạc VN khi cách đây năm năm, trung tâm này đưa nghệ sĩ ra hát ở khu phố đi bộ (Ðồng Xuân).
Từ chiếu xẩm Đồng Xuân, đàn bầu Bát Giác
Một khán giả của chương trình Luala concert - chị Lê Xuân (quận Tây Hồ) - chia sẻ: “Nhạc thính phòng được đưa xuống phố theo tôi là một ý tưởng không tồi, tuy nhiên địa điểm được chọn không phải là lý tưởng bởi tiếng ồn của xe cộ át hết cả tiếng đàn”. Còn anh Hà Hữu Minh (quận Hoàn Kiếm) nhận xét: “Như tôi chứng kiến, chỉ trừ những nghệ sĩ hoặc du khách nước ngoài, còn lại khách vãng lai VN không ai xem hết cả chương trình hòa nhạc, nhiều người chỉ dừng xe một lát (thậm chí không tắt máy). Nếu chỉ bởi mục đích giới thiệu hình ảnh về nhạc cụ hoặc dàn nhạc thì có thể đạt được tiêu chí, chứ giới thiệu âm nhạc thính phòng cho đông đảo dân chúng thì tôi thấy rất khó”. |
Khi lần đầu tiên nhóm nghệ sĩ Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Văn Ty ôm đàn và đồ nghề ngồi xuống chiếu giữa chợ Ðồng Xuân hát những làn điệu xẩm, chèo quen thuộc của người VN, không ít người đã có ý chê bai, ngán ngẩm. Ðơn giản chỉ vì ngoài nghệ thuật hát xẩm vốn xuất phát từ đường phố, hè chợ; các loại hình âm nhạc khác đều được biểu diễn trong những không gian âm nhạc đặc trưng của mình.
Tuy nhiên, với mục tiêu quyết tâm đưa âm nhạc dân gian đến gần với công chúng hơn thông qua loại hình biểu diễn miễn phí ngoài trời, chiếu xẩm ở chợ Ðồng Xuân đã bền bỉ đến với khán giả suốt năm năm, thu hút hàng ngàn người nghe mỗi đêm diễn.
Và để không gây nhàm chán cho khán giả, các nghệ sĩ đã liên tục đổi "món" bằng nhiều tiết mục khác nhau. Dù trời nóng nực hay lạnh giá thì cứ đến 20g tối thứ bảy, chủ nhật, khán giả lại kéo đến vây kín khu vực biểu diễn. Sau mỗi tiết mục lại rộ lên tiếng vỗ tay của khán giả tán dương nghệ sĩ.
Sau chiếu xẩm Ðồng Xuân, vào đầu năm 2010, một dự án âm nhạc khác xuống phố hai buổi/tuần là dự án của nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú tại Nhà bát giác (sau tượng đài vua Lý Thái Tổ). Với mục đích giới thiệu rộng rãi với khán giả về lịch sử hình thành và sự độc đáo của cây đàn một dây này, NSƯT Hoàng Anh Tú đã kiên trì bám trụ sân khấu Nhà bát giác với số tiền thù lao rất khiêm tốn do Sở VH-TT&DL Hà Nội chi trả.
Thời gian đầu, có những buổi diễn chỉ có vài khán giả đến xem. Không nản lòng, "dù một khán giả xem chúng tôi vẫn biểu diễn", Hoàng Anh Tú đã nói như thế và dần dần ngày càng nhiều người thích thú tìm hiểu về cây đàn bầu.
Tâm sự sau gần hai năm gắn bó với sân khấu Nhà bát giác, NSƯT Hoàng Anh Tú cho rằng cái được nhất mà anh đã làm khi thực hiện dự án này chính là mang đến cho hàng ngàn khách vãng lai quanh hồ Gươm một không gian âm nhạc đậm chất Việt. Và đương nhiên, địa điểm biểu diễn này đã trở nên quen thuộc với rất nhiều khán giả là khách qua đường.
Đến âm nhạc bác học trên vỉa hè
Ra đời gần nhất (20-11 vừa qua) là Tôi yêu sự sẻ chia của Học viện Âm nhạc quốc gia VN cũng chính tại Nhà bát giác vào sáng chủ nhật hằng tuần trong khoảng thời gian 60 phút (từ 9g). Không chỉ mang các loại hình âm nhạc đến gần với khán giả thủ đô, đây cũng là cơ hội để các học viên Học viện Âm nhạc quốc gia VN được tập luyện trước khán giả.
Với đội ngũ học viên đông đảo của nhiều khoa nên nội dung các buổi biểu diễn Tôi yêu sự sẻ chia được thay đổi liên tục: thanh nhạc, dây, gõ, piano, nhạc cụ dân tộc... Vậy nên, dù mới ra đời nhưng đây lại chính là sân khấu hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị. Ông Tạ Quang Ðông, phụ trách dự án này, cho rằng: "Không chỉ có một điểm biểu diễn như hiện tại mà học viện đang tìm một số địa điểm khác phù hợp để tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả".
Trước đó, báo chí cũng đã rộn rã đưa tin về chương trình hòa nhạc cổ điển Luala concert trước cửa Nhà xuất bản Âm Nhạc (16 Lý Thái Tổ, Hà Nội). Buổi hòa nhạc đầu tiên (11-11) của Luala concert đã thu hút được khá nhiều người hiếu kỳ. Tuy nhiên, vì biểu diễn trên đường phố - nơi nhiều phương tiện cơ giới qua lại - nên việc các nghệ sĩ tập trung vào biểu diễn sẽ khó khăn hơn nhiều là có một không gian ngoài trời giống như góc chợ Ðồng Xuân hay sân khấu Nhà bát giác.
Bởi vậy, dù được truyền thông để ý và nhiều người nổi tiếng tham gia, bước đầu những buổi hòa nhạc của Luala concert cũng chỉ dừng lại ở mức tạo được sự tò mò cho khán giả. Ðường Lý Thái Tổ lại là đường một chiều, không có chỗ đậu xe nên những khán giả muốn xem hòa nhạc đều phải đứng dưới lòng đường.
Ðưa âm nhạc đến gần với công chúng là mục đích hoàn toàn tốt đẹp, chí ít phục vụ được đông đảo khán giả bình dân, đặc biệt là những người cả đời chẳng dám mơ đặt chân đến Nhà hát lớn. Tuy nhiên, không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có thể đưa xuống phố, và cũng không phải bất kể chỗ nào cũng có thể biểu diễn âm nhạc. Công chúng sẽ được thụ hưởng tốt hơn nếu các dự án âm nhạc đường phố chọn được địa điểm phù hợp để khán giả có thể nghe nhạc mà không vi phạm Luật an toàn giao thông hay gây phiền hà cho những người khác.
HOÀNG ĐIỆP
TP.HCM: còn chờ nhân rộng Tại TP.HCM, vào mỗi sáng chủ nhật bắt đầu từ ngày 20-11 đến hết 4-12, tại công viên Tao Đàn và công viên 23-9, người đi đường không khỏi thích thú dừng chân tại nhà chòi 1 (đối diện khách sạn New World) để thưởng thức miễn phí chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc của những nghệ sĩ đến từ Đoàn ca múa nhạc Bông Sen TP.HCM. Tiếng đàn tam thập lục réo rắt, đàn bầu nỉ non và t’rưng sống động lần lượt thu hút hàng chục người nghe đứng vây quanh. Đây là một trong những dự án nằm trong chương trình Tôi yêu sự sẻ chia đang gây thu hút vài tuần qua. Trước đó, từ tháng 8-2009 đến nay, có lẽ người dân thành phố và rất nhiều du khách nước ngoài đã không còn xa lạ với chương trình Không gian âm nhạc ngoài trời (Trung tâm biểu diễn - Nhạc viện TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM tổ chức) tại sảnh ngoài của Nhà hát TP (hiện nay là từ 8g-9g sáng thứ bảy hằng tuần). Tiến sĩ Văn Thị Mai Hương - giám đốc Nhạc viện TP - chia sẻ: “Trong hoàn cảnh luôn luôn thiếu vốn, thiếu kinh phí thực hiện, chúng tôi vẫn đang nỗ lực đưa dàn nhạc của mình đến với đông đảo người nghe, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân thành phố trong một không gian mở. Việc đưa nhạc hàn lâm đến gần với công chúng có lẽ cần được nhân rộng với sự giúp đỡ của nhiều phía, đặc biệt là của truyền thông”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận