Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG
Luật cho phép thành lập DN trong nhà trường, nhưng có độ vênh giữa chính sách và thực tiễn. Khó, nhưng không phải không làm được
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH
"Dự đoán sức tăng trưởng của ngành bia thủ công, Hiệp hội các nhà nấu bia ở tỉnh Ontario (Canada) đã 'bắt tay' với trường cao đẳng địa phương, xây dựng chương trình đào tạo về bia tươi vào năm 2010. Từ đó, xưởng bia hoạt động như một doanh nghiệp trong nhà trường, là nơi học và thực hành nghề của sinh viên".
Chuyên gia Jon Ogryzio với hơn 40 năm kinh nghiệm về giáo dục nghề nghiệp đã bắt đầu bài chia sẻ như thế, tại diễn đàn chính sách tăng cường sự liên kết của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.
Chương trình do dự án Kỹ năng nghề nghiệp Việt Nam (VSEP) tổ chức.
Nhà trường, doanh nghiệp thiết kế chương trình đào tạo
Qua 7 năm liên kết, chỉ trong năm 2016, tính riêng Trường cao đẳng Niagara, nơi ông Jon công tác, đã đào tạo gần 200 lao động có tay nghề, đáp ứng thị trường bia tươi đã tăng trưởng 500%.
"Doanh nghiệp đã cung cấp thông tin thị trường, xu hướng ngành nghề, số lượng lao động, kỹ năng để được tuyển dụng... Dựa vào đó, nhà trường xây dựng chương trình học. Kết quả đào tạo sẽ được đánh giá lại bởi doanh nghiệp, và điều chỉnh nếu có biến động thị trường", chuyên gia Canada chia sẻ.
Bài học kinh nghiệm ở đây, theo ông Jon, là nhà trường chủ động mời doanh nghiệp tham gia quá trình thiết kế, phát triển, triển khai chương trình đào tạo, cho họ thấy lợi ích đôi bên. Còn doanh nghiệp chủ động "đặt hàng" đào tạo, và dự trữ nguồn nhân lực phù hợp định hướng kinh doanh.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Canada thường có ban tư vấn (bao gồm chủ doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo địa phương) để tham vấn cho nhà trường.
Trong khi đó nhà trường được tự chủ về chương trình đào tạo với tính chất tinh gọn, dễ điều chỉnh, cập nhật.
Tham gia thảo luận tại diễn đàn, đại diện các trường cao đẳng ở tỉnh rất hứng thú với kinh nghiệm này.
Tuy nhiên, họ lại cho rằng đa số doanh nghiệp ở địa phương có quy mô vừa và nhỏ, chuộng lao động phổ thông, chưa có kinh phí cho đào tạo. Ngoài ra, việc thành lập doanh nghiệp trong trường học vướng rất nhiều luật công chức, viên chức, luật phòng chống tham nhũng...
Trả lời cho vấn đề này, ông Jon nói: "95% doanh nghiệp liên kết với trường chúng tôi có quy mô nhỏ, họ thiếu người giỏi và không có khả năng đào tạo lao động bài bản như các tập đoàn lớn. Việc thành lập doanh nghiệp trong trường ở Canada cũng không dễ dàng.
Để sản xuất mặt hàng đồ uống đặc biệt như bia, nhà trường đã làm việc với rất nhiều sở ngành, vất vả gần 2 năm để mở nhà xưởng. Nhưng chương trình này xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, giúp tăng cường cơ sở vật chất cho sinh viên, giảng viên, nên được doanh nghiệp hỗ trợ tiến hành".
Thừa nhận việc thành lập doanh nghiệp trong nhà trường khó, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: "Luật cho phép thành lập, nhưng có độ vênh giữa chính sách và thực tiễn. Khó, nhưng không phải không làm được. Một số trường đã thành công, chúng ta có thể tham khảo những mô hình đó".
Còn đại diện dự án VSEP cũng đề xuất: "Doanh nghiệp địa phương có thị phần nhỏ. Nhưng thông qua họ, nhà trường có thể tiếp cận hiệp hội ngành hàng với quy mô lớn hơn, nhu cầu lao động nhiều hơn".
Kết nối nhà trường - doanh nghiệp
Báo cáo tại diễn đàn, tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - dẫn ra số liệu: năm 2016, cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhưng chỉ có 285 cơ sở thuộc doanh nghiệp.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận dù luật đã quy định một số ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo, nhưng nhìn chung DN vẫn chưa sốt sắng; tính chất liên kết nhà trường - doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, tự phát, thiếu bền vững.
Trong khi một số đại biểu trong nước tính đến phương án chế tài để bắt buộc doanh nghiệp tham gia đào tạo, thì các chuyên gia Canada nhấn mạnh đến tinh thần tự nguyện hợp tác. Nhà trường phải chứng minh được giá trị đào tạo ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
TS Xuân Hùng chia sẻ thêm: "Vấn đề lớn nhất là doanh nghiệp thiếu thông tin. Bao nhiêu doanh nghiệp biết rằng họ được hưởng ưu đãi thuế nếu đầu tư cho đào tạo? Một số doanh nghiệp biết luật lại cho rằng chính sách chưa hấp dẫn.
Tuy nhiên, các tập đoàn lớn không cần ưu đãi gì thêm, vì chính sách tuyển dụng ở VN đã quá dễ dàng. Họ tuyển dụng hàng chục nghìn lao động phổ thông với giá rẻ, thay vì đầu tư cho đào tạo".
Giải quyết khúc mắc này trong liên kết đào tạo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Sắp tới đây, bộ sẽ thành lập ban điều phối việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường trên từng địa bàn, trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI).
Ban điều phối sẽ giới thiệu doanh nghiệp lớn, vừa hoặc nhỏ lân cận địa bàn trường có nhu cầu nhân lực, để sinh viên đến học tập; thậm chí tính đến phương án đưa đón sinh viên đi thực hành xa, miễn doanh nghiệp đó có nhu cầu".
Vấn đề tự chủ cũng được các trường nhắc đi nhắc lại, từ việc cập nhật chương trình đào tạo phù hợp thị trường, mời nghệ nhân, doanh nhân về giảng dạy cho sinh viên cao đẳng, đến việc tạo cơ chế để giảng viên, cán bộ được cử đi học tập trở về trường thực hiện thay đổi.
Xu hướng "bỏ đại học vào cao đẳng": đâu cũng có!
Bộ Giáo dục tiên tiến và phát triển kỹ năng tỉnh Ontario (Canada) thực hiện cuộc khảo sát năm học 2016-2017 tại các trường CĐ cho thấy: có 29% sinh viên CĐ đã có bằng cử nhân, 17% sinh viên đã từng học ĐH nhưng bỏ ngang.
Tại diễn đàn, một số trường CĐ tại VN thừa nhận có xu hướng "bỏ ĐH vào CĐ" đang diễn ra, nên đề nghị cần phải có văn bản hướng dẫn liên thông ngược từ ĐH xuống CĐ!
Ngoài ra, "tâm lý của sinh viên tốt nghiệp CĐ thật sự chưa sẵn sàng với công việc. Khi được giao việc như công nhân, sinh viên CĐ có vẻ ngần ngại, họ chờ vị trí tốt hơn. Thợ thì họ không phải, thầy càng chưa. Nhà trường nên chuẩn bị kỹ năng mềm, tâm lý làm việc cho sinh viên" - đại diện khối doanh nghiệp chia sẻ tại diễn đàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận