Sau 4 năm, Quách Thị Lan vẫn chưa được trao HCV Asiad 2018 khi đối thủ của cô dương tính với doping - Ảnh: MINH ĐỨC
Không chỉ các VĐV nghi ngờ sử dụng doping bị mất tinh thần, các VĐV khác cũng bị ảnh hưởng.
Trước đó, thông tin từ ngành thể thao cho biết có trên 10 VĐV của thể thao Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với doping trong thời gian qua.
Trong đó, trong 17 mẫu xét nghiệm trước SEA Games 31 thì có đến 6 VĐV của môn thể hình có kết quả dương tính với doping. Các VĐV này đã bị loại khỏi đội tuyển thể hình Việt Nam dự SEA Games 31.
Tạm thời không được thi đấu
Nhưng không may, ngay tại SEA Games 31 cũng có một nhóm VĐV Việt Nam (có thể lên đến 5-6 người) có kết quả xét nghiệm mẫu A dương tính với doping.
Trong số đó có những VĐV điền kinh đoạt HCV. Những ngày qua, các VĐV bị nghi ngờ sử dụng doping đã tiến hành giải trình với bộ môn, Tổng cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam về quá trình sinh hoạt, ăn uống, điều trị chấn thương (nếu có) trong quá trình chuẩn bị và tham dự SEA Games 31.
Trong bản giải trình của một nữ VĐV giành HCV SEA Games 31, cho biết cô có dùng một loại sữa bổ sung. Dù vậy trước khi uống cô có xin ý kiến của những người có trách nhiệm và được hướng dẫn là có thể sử dụng được, an toàn.
Trong 2 năm qua, VĐV này từng nhiều lần bị chấn thương nặng, nhẹ khác nhau nhưng cô luôn nỗ lực tập luyện, điều trị. Thành tích của cô ở trong nước và Đông Nam Á là vô đối nên việc cố tình sử dụng doping để có HCV là điều không cần thiết.
Trong hai ngày 12 và 13-10 vừa qua, mặc dù có tên trong danh sách tham dự Giải điền kinh vô địch quốc gia các nội dung tiếp sức 2022 nhưng cô đã không thi đấu.
Các địa phương chủ quản có VĐV nghi ngờ dương tính với doping cũng chủ động rút tên của VĐV của mình khỏi các cuộc thi nhằm tránh để lại hậu quả nặng nề hơn sau này. Họ cũng sẽ không có tên trong danh sách tham dự Đại hội thể thao toàn quốc vào tháng 12 tới nếu chưa có kết quả xét nghiệm mẫu B.
Chờ thông tin của cơ quan chức năng
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam từng có không dưới 20 VĐV có kết quả xét nghiệm dương tính với doping từ cấp độ đội tuyển trẻ đến đội tuyển quốc gia. Nhiều VĐV đã nhận án phạt nặng của liên đoàn thể thao quốc tế vì hành vi sử dụng doping dù vô tình hay cố ý.
Ngày 14-10, ông Trần Văn Mạnh - tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam - cho biết đến lúc này VĐV điền kinh Quách Thị Lan vẫn chưa được trao HCV Asiad 2018. Trước đó, vào tháng 7-2019, Cơ quan Liêm chính điền kinh (AIU) xác định VĐV Kemi Adekoya (Bahrain) dương tính với doping tại Asiad 2018.
Với kết luận này, HCV vàng của cô ở nội dung 400m rào tại Asiad 18 được trao cho VĐV Quách Thị Lan - người đứng thứ hai.
Thế như đến thời điểm này, 4 năm sau Asiad 2018, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) vẫn chưa hoàn thành thủ tục để trao lại HCV cho Quách Thị Lan. Ông Mạnh cho biết Ủy ban Olympic Việt Nam đã đi hỏi OCA về việc này và vẫn tiếp tục phải chờ.
Một thành viên đoàn thể thao Việt Nam cho biết quy trình công bố và xử lý VĐV dương tính với doping thường kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm.
Lý do bởi Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA), các liên đoàn thể thao quốc tế cần có những kiểm tra, đánh giá chặt chẽ vì liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, danh tiếng của các VĐV. Đơn giải trình của các VĐV nghi ngờ sử dụng doping cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xác định mức độ vi phạm, đưa ra án phạt của cơ quan chức năng với VĐV đó.
Tôi rất sợ!
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-10, một VĐV điền kinh giành HCV tại SEA Games 31 chia sẻ: "Những ngày qua chúng tôi rất lo lắng trước thông tin trong đội có VĐV dương tính với doping.
Tôi rất sợ! Trước SEA Games 31, tôi được Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội phát cho hai loại thực phẩm bổ sung, một dạng viên uống còn một dạng bột. Tôi có uống loại bột, còn dạng viên thì không dùng.
Dù vậy, nếu tôi nhớ không nhầm đây cũng chính là các sản phẩm mà SEA Games 30 năm 2019 chúng tôi cũng dùng và không có bất kỳ rủi ro nào xảy ra".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận