Nhưng cuộc sống lại vận hành với những nội dung phức tạp hơn nhiều.
Phóng to |
Đơn cử như quá trình sản xuất album nói trên, ca sĩ Vi Thảo phải hợp đồng sản xuất với Bến Thành Audio, đơn vị này đứng tên liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Âm Nhạc, và để được phổ biến giọng hát của cô ca sĩ top 8 Sao Mai điểm hẹn 2004 ấy, Bến Thành Audio đã phải làm đơn xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) để được thể hiện hai bài hát: Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương) và Hoa nở về đêm (Trần Thiện Thanh).
Điều kỳ lạ là tại sao ngày 29-11-2011 Cục NTBD đã ký giấy phép đồng ý phổ biến hai bài hát trên, nhưng đến ngày 26-6-2012 cũng chính Cục NTBD lại ký quyết định thu hồi sản phẩm có hai bài hát do chính mình cho phép?
Tất nhiên văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực nhạy cảm và việc xử lý chuyện ca hát của người dân trong một nước có lịch sử thăng trầm như Việt Nam luôn tồn tại nhiều lý do khiến Cục NTBD hành xử như trên.
Nhưng một quyết định có hiệu lực sau bảy tháng, kéo theo hàng loạt đầu tư và chi phí lẫn các quan hệ danh dự, tâm huyết cùng không ít kỳ vọng, niềm tin của cả nghệ sĩ, nhà sản xuất và công chúng lại có thể dừng phắt lại bằng một quyết định giản đơn vậy thôi sao?
Ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù những thiệt hại có thể đo đếm được từ phía những người chịu sự ràng buộc của quyết định thu hồi album?
Trong bối cảnh Việt Nam, thật xác đáng khi một nhà cách mạng tiền bối đã so sánh “Văn học nghệ thuật là một mặt trận”. Theo nghĩa đó, một quyết định được ký ban hành cũng giống như một mệnh lệnh “xung phong” được ban ra. Nhưng cứ hình dung Cục NTBD như một vị chỉ huy, sau khi hô “xung phong”, các đơn vị ào ạt xông lên và rồi đến bảy tháng sau, cũng chính vị chỉ huy này hô thêm: “Ấy chết, khoan đã, lùi lại!”. Với quỹ thời gian bảy tháng, một album ca nhạc sau khi được phép sản xuất đã quay về tình trạng chưa được phép thì xã hội đang được quản trị và điều hành kiểu gì vậy?
Cách làm việc như vậy kéo theo nhiều hệ lụy. Trong một lần nói về những yếu tố cấu thành giá sách, lãnh đạo một công ty tư nhân đã lưu ý những trường hợp rủi ro kiểu xin giấy phép xuất bản đâu đấy xong xuôi, rồi đến khi phát hành lại nhận được quyết định buộc thu hồi, việc đầu tư khi đó xem như thất bại hoàn toàn và người làm sách phải hạch toán giá bìa cho quyển khác cao hơn để bù lại khoản thất thoát ấy. Thiệt hại từ việc cấp phép như vậy bị đẩy cho người mua sách.
Thật không sòng phẳng khi những thiệt hại từ sự sai sót của việc cấp phép như trường hợp album Tàu đêm năm cũ trên đây lại ảnh hưởng trực tiếp và trước hết đến túi tiền của nhà đầu tư sản xuất.
Chuyện Tàu đêm năm cũ cũng gợi nhớ lại nhiều vụ cấp phép bất nhất giữa Sở VH-TT&DL với Cục NTBD cho phổ biến các ca khúc trước năm 1975, chuyện cấp phép cho các chương trình nghệ thuật của nghệ sĩ trong nước, Việt kiều và cả quốc tế nhưng rồi bỗng bị thu hồi trước giờ diễn. Nhà tổ chức, nhà sản xuất, nghệ sĩ và cả khán thính giả đều lặng lẽ nhận sự thua thiệt về mình. Họ chỉ mong có một lời giải thích hợp tình hợp lý nhưng có vẻ chỉ có “người dân” là sai, còn người quản lý luôn đúng?
Một xã hội vận hành trong tư duy pháp quyền cần phải thể chế hóa để gắn trách nhiệm của người giữ quyền cấp phép các sản phẩm văn học nghệ thuật với đồng tiền bát gạo của người dân, như triết lý “công thì thưởng, tội thì trừng” giản dị mà sòng phẳng. Có như vậy, những người giữ cửa cấp phép sẽ không thể tùy tiện hô “xung phong” rồi sau đó lại “khoan đã” mặc cho xã hội chịu thiệt hại thế nào.
Nếu trái pháp luật thì có thể đòi bồi thường Vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao Cục NTBD đã cấp phép rồi lại thu hồi? Theo Tuổi Trẻ, quyết định thu hồi ngày 26-6 không đưa ra lý do cụ thể. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Phạm Đình Thắng - cục phó Cục NTBD (đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 29-6), cục “sẽ xem xét hồ sơ xin cấp phép của Bến Thành Audio để so sánh với bản phát hành có giống nhau không. Nếu cục cấp phép sai thì cục sẽ phải chịu trách nhiệm”. Như vậy, có hai khả năng sau đây xảy ra: 1. Nếu file bài hát không đúng lời của tác phẩm và vi phạm các quy định liên quan, tức phía Bến Thành Audio và ca sĩ... có sai phạm thì cục có quyền thay đổi quyết định, chưa cho phép phổ biến bài hát. Trong trường hợp này, phía vi phạm tự chịu các thiệt hại phát sinh. 2. Nếu Cục NTBD có sai sót trong việc thẩm định, cấp phép dẫn đến việc phải thu hồi quyết định cấp phép để sửa sai thì bên bị thiệt hại phải được bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (dựa trên hai căn cứ: có văn bản của cơ quan thẩm quyền xác định hành vi đó là trái pháp luật, có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật đó gây ra). Theo điều 7 Luật khiếu nại (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012), nếu có căn cứ cho rằng quyết định hành chính (quyết định cấp phép, quyết định thu hồi Tàu đêm năm cũ) của Cục NTBD là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ca sĩ, Bến Thành Audio... có thể khiếu nại hoặc khởi kiện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận