Bộ phim Thầu Chín ở Xiêm (kịch bản: Đinh Thiên Phúc, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất. Trong ảnh: Nguyễn Mạnh Trường trong vai Thầu Chín |
Thế nhưng, bộ phim Thầu Chín ở Xiêm phần nào đã vượt qua được cái khó ấy để đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc.
Thầu Chín ở Xiêm với nội dung và cách thể hiện khá chân thật, đã gây được thiện cảm cho người xem. Mặc dù ở thời điểm đó, thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về con người và vùng đất - nơi Bác hoạt động ở Thái Lan không nhiều. Nhưng êkip làm phim bằng những sáng tạo và nỗ lực của mình đã thể hiện bộ phim khá sinh động, đủ sức gây được ấn tượng và có sự lôi cuốn nhất định. Tuy nhiên, nếu diễn viên đóng vai Thầu Chín có ngoại hình phù hợp hơn, văn hóa vùng miền ở các địa phương từ bản Đông đến Udon Thani, bao gồm: bối cảnh, đạo cụ, phục trang, các sinh hoạt dân sinh, âm nhạc... được thể hiện rõ nét và đa dạng hơn thì bộ phim sẽ thuyết phục và thú vị hơn. |
Bộ phim chỉ là một quãng thời gian hoạt động cách mạng rất ngắn của Nguyễn Ái Quốc tại Xiêm (Thái Lan) với bí danh Thầu Chín - từ tháng 7-1928 đến tháng 9-1929.
Thế nhưng bằng sự cầu kỳ, kỹ càng trong việc tái hiện bối cảnh lịch sử một cách chân thực từ bến cảng Bangkok đến bản Đông, Udon Thani... cũng như trung thành với những chi tiết lịch sử như Nguyễn Ái Quốc cùng các cộng sự là chí sĩ Đặng Thúc Hứa, vợ chồng bà Đặng Quỳnh Anh (o Nho)... khôn khéo vượt qua sự truy lùng gắt gao của mật thám Pháp (Paul Hùng) để dựng xưởng cưa, nhà cộng đồng và trường học... nên bộ phim vẫn đủ sức khắc họa tương đối rõ nét hình tượng Nguyễn Ái Quốc với một khát vọng lớn lao về nền độc lập cho dân tộc trong buổi đầu gầy dựng phong trào cách mạng.
Bên cạnh đó, điểm sáng trong Thầu Chín ở Xiêm là những thước phim lay động lòng người khi đạt được tính ẩn dụ cao.
Một tách trà ướp hoa ngâu Nguyễn Ái Quốc mang theo. Một nắm đất quê nhà gửi đến tay người con xa xứ. Một tiếng thủ thỉ gợi miền ký ức về cha - cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc... Và tiếng ru con ạ ời văng vẳng trong đêm: Chiều chiều ra đứng bờ sông/Muốn về quê mẹ ơ... mà không có đò... Để rồi, theo đó, mạch chảy tự sự của Thầu Chín tuôn trào - những lời dẫu bền chí vững gan nhưng nghe sao mà xót xa:
“Tôi xa quê hương đã 17 năm, kỳ này về Xiêm việc công tư đan chéo. Ngoài việc củng cố cơ sở cách mệnh, tôi chỉ ước mình vượt núi băng rừng đặt chân về đất mẹ dù chỉ một giờ một khắc rồi biệt xứ cũng cam lòng! Đêm nay nghe tiếng ru hời thấy mình cô độc...”.
Trên cái nền câu chuyện lịch sử đầy chất đa cảm ấy, Nguyễn Mạnh Trường đã vào vai Thầu Chín, dẫu đôi chỗ còn khiến người xem có cảm giác anh đang “cố” với một khuôn mặt quá điển trai, hình dáng quá vạm vỡ... nhưng bù lại, với đôi mắt sáng, ánh nhìn mạnh mẽ nên phần nào anh đã gieo vào lòng khán giả một hình tượng khá tươi mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Còn với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, trước mối quan tâm của dư luận về việc xử lý như thế nào một đề tài truyền thống cách mạng (?), lại trả lời rất đơn giản:
“Với tôi, dù đề tài nào thì phim cũng chỉ là phim thôi. Thật khó có thể tự nói về bộ phim của mình, nhưng tôi làm Thầu Chín ở Xiêm bằng cảm xúc. Và tôi muốn chạm vào cảm xúc của người xem”.
Phim tiếp tục được công chiếu miễn phí trên toàn quốc từ ngày 30-1 đến 5-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận