Phần chia sẻ xúc động của các thầy cô giáo cắm bản - Ảnh: QUANG THẾ |
Sự hi sinh dành cho học sinh là vô cùng lớn, nhưng khi nói về mong muốn thì nhiều thầy cô cắm bản chỉ nói rằng: “Chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm nhiều hơn tới các em học sinh vùng cao. Chúng tôi có vất vả một tí nhưng thấy các em đến lớp đông là vui rồi. Nhiều vùng mùa đông đến các em không có áo mặc. Thương học trò lắm…”.
Buổi lễ đã khiến nhiều người xúc động khi phóng sự về thầy cô cắm bản thiếu thốn nhiều về vật chất nhưng vẫn cố gắng bám trụ mang “cái chữ” đến cho học sinh. Có thầy cô giáo gắn bó cả đời với bản làng. Có cô giáo ở Lạng Sơn nhưng với tình yêu học sinh đã vào tận bản làng ở đại ngàn Tây nguyên để giảng dạy.
Những vùng thầy cô giáo cắm bản “biệt lập” với bên ngoài bởi không có sóng điện thoại, không có điện, không có đường giao thông... Nhưng không chỉ dạy học, thầy cô còn dạy người dân cách trồng hoa màu và chăn nuôi. Bởi vậy, ở các vùng thầy cô cắm bản luôn được người dân bản địa gọi là “con”.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ ở Hà Nội của cô Nguyễn Thị Hạ với học sinh trường tiểu học xã Xuân Đài, Tân Sơn, Phú Thọ - Ảnh: QUANG THẾ |
“Không có sóng điện thoại mỗi khi muốn gọi điện cho người nhà tôi phải trèo lên cây để mong có được chút sóng rơi nhưng nhiều lúc chỉ nghe được vài câu do nhiễu sóng”, cô Lò Thị Chiển đang công tác ở trường mầm non Nậm Khăn, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, Điện Biên, cho biết.
Thầy Nguyễn Hồng Hiệp công tác tại trường tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, Nghệ An, cho biết đã 15 năm cắp bản, đường nơi thầy cắm bản xấu đến mức xe máy cũng không vào được. Cũng bởi vậy nên điểm trường có 41 giáo viên nam mà không có giáo viên nữ do đường xá vô cùng khó khăn.
Là một trong những giáo viên trẻ nhất, cô Phùng Thị Huyền (25 tuổi, đã có 4 năm cắm bản) đang công tác tại trường mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, Điện Biên, chia sẻ rất buồn vì không thường xuyên được gặp con, phải gửi con về quê để ông bà chăm.
“Trong lần này xuống Hà Nội thì tôi và con đã được ngủ với nhau một đêm. Đến ngày hôm sau chia tay con nhưng không dám đứng trước mặt con. Mỗi khi xa con tôi không biết nói gì cả! Chỉ khóc! Nhưng xa trường thì lại nhớ các con ở lớp. Các con ở điểm bản luôn chờ thầy cô tới lớp.”, cô Huyền tâm sự.
Cô Phùng Thị Huyền (25 tuổi, đã có 4 năm cắm bản đang công tác tại trường mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, Điện Biên) cảm động khi chia sẻ về công tác dạy học ở trường - Ảnh: QUANG THẾ |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phi Long, bí thư Trung ương Đoàn, bày tỏa sự chia sẻ, khâm phục tới những thầy cô giáo cắm bản.
“Những thầy cô giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Có được sự thành công của ngành giáo dục phải nói đến sự đóng góp của các thầy cô giáo, đặc biệt là các giáo viên cắm bản để đem “con chữ” đến vùng cao. Chương trình nhằm tri ân, cổ vũ động viên các thầy cô và đồng thời thông qua hoạt động này muốn xã hội quan tâm nhiều hơn nữa tới những thầy cô cắm chốt ở những vùng khó khăn”, ông Long chia sẻ.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long đồng tổ chức nhằm tuyên dương 64 thầy cô giáo cắm bản tiêu biểu đang công tác tại 64 huyện nghèo.
Trước đó ban tổ chức đã trao sổ tiết kiệm 10 triệu đồng cho mỗi một thầy cô cùng nhiều phần quà.
Nhiều cô giáo, thầy giáo xúc động khi nghe câu chuyện của các đồng nghiệp - Ảnh: QUANG THẾ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận