Phóng to |
Thu hoạch tôm tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng - Ảnh: Chí Quốc |
Phóng to |
Nhập khẩu tôm vào Mỹ bảy tháng đầu năm 2013 đạt 223.293 tấn - Nguồn: NOAA’S National Marine Fisheries Service - Đồ họa: V.CƯờng |
Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định đánh thuế chống trợ cấp không chỉ thiệt hại hàng chục triệu USD của các doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của hàng trăm ngàn nông dân và công nhân khi xuất khẩu tôm sụt giảm.
Loại thuế bất công!
Đó là phản ứng của ông Trần Thiện Hải - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), đồng thời là giám đốc Công ty thủy hải sản Minh Hải (Bạc Liêu) - khi vừa nhận được tin DOC đánh thuế chống trợ cấp với tôm của VN. Là một doanh nghiệp xuất khẩu tôm VN nhiều năm vào Mỹ, ông Hải dự báo các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn trong thời gian tới. “Cũng giống như vụ kiện chống bán phá giá, vụ kiện chống trợ cấp (CVD) sẽ kéo dài lê thê năm này qua năm khác với rất nhiều thủ tục mệt mỏi và tốn kém mà doanh nghiệp sẽ phải theo đuổi. Việc đánh thuế của DOC là bất công không chỉ với doanh nghiệp xuất khẩu tôm của VN mà còn với cả trăm ngàn công nhân và nông dân liên quan”, ông Hải bức xúc.
Trước đó, ngày 12-8, DOC đã quyết định áp mức thuế chống trợ cấp lên các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của VN. Trong đó, mức thuế suất CVD đối với hai bị đơn bắt buộc là Công ty thủy sản Minh Quí và Công ty Thủy sản Nha Trang lần lượt là 7,88% và 1,15%. Mức thuế suất CVD toàn quốc cho tất cả công ty khác của VN xuất khẩu vào Mỹ là 4,52%. Dù giảm hơn so với mức thuế suất sơ bộ mà DOC đưa ra hồi tháng 6-2013 (6,07%), nhưng đây là một phán quyết bất lợi đối với ngành tôm của VN do các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thái Lan, Indonesia có mức thuế bằng 0. Ngoài VN, các nước còn lại trong vụ kiện CVD đều có mức thuế suất cao hơn nhiều như Ecuador (10,13-13,51%), Trung Quốc (18,16%), Ấn Độ (10,54-11,14%)...
Ông Lê Văn Quang - tổng giám đốc Công ty cổ phần Minh Phú, đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất của VN, cho biết phán quyết của DOC sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ. Trong bối cảnh giá thành tôm của VN thường cao hơn các nước trong khu vực, nay thêm thuế sẽ rất khó cạnh tranh với tôm từ Thái Lan và Indonesia. “Chúng tôi đang cùng với luật sư rà soát lại kết quả của DOC để có những khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan này” - ông Quang nói.
Diễn biến vụ kiện * Ngày 28-12-2012, Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ (COGSI) đã đệ đơn kiện lên DOC đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ bảy nước, trong đó có VN. * Ngày 15-1-2013, đại diện chính phủ VN và Mỹ có buổi tham vấn tại DOC. * Ngày 18-1: DOC chính thức tiến hành điều tra. * Ngày 11-2: DOC chọn hai bị đơn bắt buộc là Minh Phú và Nha Trang Seafoods đồng thời bổ sung bốn nội dung điều tra. * Ngày 29-5: DOC ra kết quả thuế CVD sơ bộ. * Ngày 12-8: DOC ra kết luận thuế CVD chính thức. |
Theo VASEP, quyết định áp thuế CVD là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm VN trong lúc các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua. Như vậy với quyết định này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm VN vào Mỹ sẽ phải chịu hai loại thuế: thuế chống bán phá giá đối với tôm VN nhập khẩu vào Hoa Kỳ (hiện ở mức gần 1%) và thuế CVD, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại VN.
Ngày 14-8, VASEP ra thông cáo báo chí phản đối quyết định về mức thuế CVD của DOC đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm VN và đề nghị Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) xem xét công tâm, đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.
Có thể kiện Mỹ ra WTO
Theo Vasep, giống như các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, vụ kiện chống trợ cấp cũng do hai cơ quan của Mỹ là DOC và ITC tiến hành điều tra độc lập. Chỉ khi hai cơ quan này cùng đồng ý thì việc đánh thuế mới có hiệu lực. Hiện ITC đang điều tra xem việc nhập khẩu tôm từ VN và các nước có gây thiệt hại ngành sản xuất tôm nội địa hay không và kết quả cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối tháng 9 tới. Nếu ITC cho rằng việc nhập khẩu tôm từ các nước trên gây thiệt hại cho ngành sản xuất tôm nội địa, mức thuế của DOC sẽ được giữ nguyên và áp dụng đối với các lô hàng nhập vào Mỹ kể từ tháng 6-2013 (thời điểm DOC ra phán quyết sơ bộ). Ngược lại, nếu ITC cho rằng việc nhập khẩu tôm không làm thiệt hại về vật chất và đe dọa thiệt hại về vật chất ngành sản xuất tôm nội địa thì phán quyết của DOC không có hiệu lực.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, cho biết VN có nhiều hi vọng từ kết luận của ITC vì có mức thuế CVD thấp nhất trong năm nước chịu thuế mà DOC đưa ra. Các nhà nhập khẩu và các nhà bán lẻ của Mỹ cũng ủng hộ các nước xuất khẩu tôm vì tôm nhập khẩu chiếm trên 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường Mỹ. Với quyết định của DOC sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ, do họ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu mà họ đang quen tiêu thụ.
Các doanh nghiệp và VASEP đang làm việc tích cực với các luật sư để đưa ra những bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của VN không nhận được sự trợ cấp của Chính phủ. “Trong trường hợp xấu nhất là mức thuế mà DOC áp dụng được giữ nguyên, VN vẫn có thể kiện Mỹ ra WTO” - ông Hòe cho biết.
Mất hơn 10 triệu USD tiền thuế Theo VASEP, tính từ đầu năm đến ngày 15-7, xuất khẩu tôm của VN vào thị trường Mỹ đạt 289 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2012. Có được sự tăng trưởng khá mạnh này là do giá các loại tôm bán vào Mỹ đều tăng so với năm 2012. Nếu mức thuế CVD được giữ nguyên thì các lô tôm xuất khẩu từ tháng 6-2013 sẽ bị đánh thuế, nên số tiền thuế mà các doanh nghiệp phải trả trong năm nay sẽ vào khoảng trên 11 triệu USD. Chưa kể, VN vẫn đang phải chịu thuế chống bán phá giá kéo dài nhiều năm qua. Do mỗi năm DOC sẽ tiến hành xem xét để xác định lại mức thuế, nên dù hiện thuế chống bán phá giá đang là 1% nhưng có thể sang năm sẽ tăng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận