Kiểm tra bo mạch điện tử tại một nhà máy Khu công nghệ cao Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm đưa ra tại diễn đàn thu hút đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng ngày 30-11. Ông cho biết Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) đến năm 2025.
Theo ông Tâm, với quyết tâm phát triển ngành ICT, đến nay Việt Nam đã có 58.000 doanh nghiệp ICT. Chiến lược trong thời gian tới là chuyển đổi từ gia công, lắp rắp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng "Make in Vietnam" - sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.
Hiện tổng doanh thu ngành ICT năm 2020 đạt 124,6 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2020 đạt bình quân 15,2%/năm - một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và quy mô lớn nhất của cả nước.
Các mặt hàng điện thoại và máy tính vẫn đứng vững trong danh sách top 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất năm 2020, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu hơn 15 tỉ USD.
Chia sẻ về bức tranh chung đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam, ông Kim Jinmo - phó giám đốc Văn phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng (KOTRA) - cho hay đa số doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn tập trung đầu tư vào miền Bắc (59%) và miền Nam (35%). Trong khi đó, đầu tư Hàn Quốc vào Đà Nẵng chỉ mới chiếm gần 6%.
Theo ông Kim Jinmo, các khó khăn khi doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam là tình trạng nhảy việc cao, tiêu chuẩn thuế chưa rõ ràng, khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu và các hạn chế liên quan dịch COVID-19.
Theo KOTRA, hậu COVID-19 nhà đầu tư đã thay đổi tiêu chí đánh giá đầu tư từ lợi thế chi phí cạnh tranh sang sự ổn định. Do đó, việc đảm bảo an toàn và ổn định cho hoạt động kinh doanh là rất quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận