20/08/2020 12:12 GMT+7

Xuất ngoại nhập học giữa mùa COVID-19

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Khi dịch COVID-19 vẫn phức tạp, nhiều du học sinh về nước tránh dịch và ở lại, đăng ký các học phần trực tuyến cho học kỳ sau. Bên cạnh đó, vẫn có không ít học sinh, sinh viên lại khăn gói sang xứ người nhập học.

Xuất ngoại nhập học giữa mùa COVID-19 - Ảnh 1.

Vũ Hải và các bạn trở lại Ý trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Có nhiều lý do khác nhau khiến sinh viên phải chấp nhận lựa chọn khó khăn: xuất ngoại giữa mùa dịch.

Thẻ cư trú sắp hết hạn

Giữa tháng 8-2020, Nguyễn Vũ Hải (quê Hà Nội) - sinh viên thạc sĩ quản trị du lịch ĐH Bergamo (Ý) - vừa trở lại Ý chuẩn bị cho năm học mới. Ngày 8-3, Hải về nước để "trú ẩn" khi Ý đang là tâm dịch. Hải chia sẻ lần này quay lại vì nhiều lý do, trong đó quan trọng là sắp hết hạn thẻ cư trú. Thẻ chỉ cho phép ra khỏi Ý không quá 6 tháng, nếu quá hạn, du học sinh phải xin lại visa.

"Xin lại visa cần đáp ứng nhiều yêu cầu ngặt nghèo và tiềm ẩn rủi ro không đậu. Vì vậy, mình quyết định quay về Ý luôn cho yên tâm, không lo gián đoạn việc học. Chưa kể qua năm 2021, nhiều khả năng COVID-19 sẽ khiến thủ tục gián đoạn, thậm chí không được chấp nhận" - Hải nói.

Hành trình sang lại châu Âu của Hải không dễ dàng. Trước hết, Hải phải lấy giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được bay. Emirates là một trong số hãng hiếm hoi mở đường bay từ Hà Nội sang Ý lúc này, nhưng yêu cầu rất rõ phải xuất trình giấy tờ chứng nhận âm tính COVID-19 trong từng chặng bay. Đến nơi, Hải tiếp tục làm nhiều thủ tục với cơ quan y tế địa phương và phải cách ly tại nhà hai tuần.

Tương tự, Trần Diễm Quỳnh (quê Hà Nội) cũng đang gói ghém hành trang chuẩn bị sang lại Ý cho kịp lúc thẻ cư trú hết hạn vào ngày 15-9. Đang học thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính ĐH Messina (Ý), Quỳnh cho biết trường linh hoạt tổ chức học, thi theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, tùy theo nguyện vọng sinh viên. Thế nhưng, Quỳnh chọn quay lại Ý để đề phòng tình huống không xin được visa khi thẻ cư trú hết hạn.

"Để quay lại châu Âu, mình đã tìm hiểu rất kỹ hành trình chuyến bay: nối chuyến ở những nước nào, có phải chờ lâu ở sân bay, có cần xét nghiệm COVID-19 trước không, cần khai báo giấy tờ gì khi nhập cảnh. Dù vậy, mình cũng hơi lo bị lây nhiễm khi ở trên máy bay và tại sân bay" - Quỳnh nói.

Chấp nhận mất phí giữ chỗ

Có con chuẩn bị nhập học tại ĐH UniLaSalle (Pháp), chị Kim Liên (Hà Nội) cân nhắc đủ đường. Khác với những trường công tại Pháp thường có học phí thấp và thường nộp tiền sau khi nhập học, trường tư như UniLaSalle thường yêu cầu các tân sinh viên đóng một khoản giữ chỗ. Khoản phí trả trước này có thể là 20%, 30%, 50% học phí tùy trường, phần còn lại sẽ trả khi tân sinh viên nhập học.

Chị Liên cho biết đã đóng cho trường khoảng 2.300 euro từ nhiều tháng trước. Dù vậy, đến nay thấy tình hình dịch COVID-19 vẫn còn khó đoán, chị không nỡ cho con sang xứ người, thay vào đó sẽ chuyển cho con học tại Việt Nam. 

"Trường bên kia có nói nếu tôi bảo lưu, trường sẽ chuyển khoản phí đã đóng sang học kỳ tiếp theo. Mà giờ nhà tôi đã quyết cho con ở lại Việt Nam, không sang nữa nên đang viết thư xin trường cho lấy lại khoản tiền đã đóng, chẳng biết có được không. Nếu không, tôi cũng chịu mất tiền chứ không thể để con đi nguy hiểm" - chị Liên nói.

Nguyễn Phan Bảo Thụy - phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp - cho biết từng trường sẽ đưa ra thông báo riêng về kỳ nhập học sắp tới. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông báo chung của ngành giáo dục Pháp về thay đổi lịch khai giảng hay bắt buộc ĐH dạy trực tuyến hoàn toàn. Vì vậy, sắp đến kỳ nhập học vào tháng 9, các bạn tân sinh viên lại sang Pháp như mọi khi.

Bảo Thụy cũng cho biết phần lớn du học sinh Việt Nam tại Pháp được yêu cầu hạn chế tụ tập đông người tại các sự kiện, thư viện và chủ động đeo khẩu trang khi ra ngoài. "Các trường cũng được khuyến cáo sắp xếp các buổi học cho hợp lý để đảm bảo các yêu cầu về an toàn y tế" - Thụy nói.

Du học sinh được điều trị COVID-19 miễn phí

Theo Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính phủ và các trường tại New Zealand đưa ra nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn này, bao gồm quỹ hỗ trợ 1 triệu đôla New Zealand nhằm giúp học sinh, sinh viên quốc tế vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 và các quỹ khác do các tổ chức, cá nhân tài trợ.

Để hỗ trợ tối đa cho du học sinh, Chính phủ New Zealand cũng linh hoạt điều chỉnh chính sách visa, như cho phép tự động gia hạn visa không phát sinh chi phí đối với các học sinh, sinh viên ở New Zealand trong thời gian đại dịch. Bên cạnh đó, quyền đi làm của sinh viên cũng được nới lỏng, tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế tham gia các công việc thiết yếu như làm việc trong siêu thị và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Ngay từ khi dịch mới khởi phát ở New Zealand, chính phủ nước này xác định học sinh, sinh viên quốc tế được hưởng quyền lợi chăm sóc y tế miễn phí khi điều trị COVID-19, đồng thời đưa ra những hướng dẫn chi tiết về các đường dây nóng để học sinh, sinh viên nhận hỗ trợ khi cần.

2 giải pháp cho sinh viên bị kẹt

PGS.TS Trần Hà Minh Quân - viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (ISB), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết hiện vẫn chưa có chuyến bay thương mại từ Việt Nam đến Úc, do đó du học sinh còn ở trong nước vẫn chưa thể sang để vào học kỳ tiếp theo. Theo ông Quân, các trường ở Úc chủ yếu đưa ra hai hướng để giảm nhẹ những ảnh hưởng từ COVID-19.

Một là cung cấp các học phần trực tuyến cho các sinh viên đã đăng ký nhập học nhưng không thể sang học trực tiếp. Hai là tăng cường kết nối với những trường ĐH tại các thị trường trọng điểm, mở một số chương trình du học bán phần. Theo đó, sinh viên sẽ học 1 hay 2 năm ở Việt Nam, trước khi chuyển tiếp sang nước ngoài hoàn tất số tín chỉ còn lại.

Phạt 15 triệu đồng nhà trường bắt 800 học sinh đi học trong dịch COVID - 19 Phạt 15 triệu đồng nhà trường bắt 800 học sinh đi học trong dịch COVID - 19

TTO - Liên quan đến vụ 'Cấm thì cấm, một trường ở Biên Hòa vẫn bắt 800 học sinh đi học', chiều 19-8 UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho hay đã áp dụng hình thức phạt Trường tiểu học, trung học cơ sở Nguyễn Khuyến 15 triệu đồng.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp