Phóng to |
Đóng gói trái cây đông lạnh tại Công ty Long Uyên, Tiền Giang - Ảnh: MỄ THUẬN |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm xuất khẩu rau quả của VN đạt 205,6 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đa dạng hóa
Ông Đàm Văn Hưng, chủ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), cho biết những năm trước vì chưa có nguồn hàng ổn định về số lượng và chất lượng nên ông chỉ nhắm đến thị trường Trung Quốc (TQ) để xuất khẩu. Tuy nhiên, việc “độc quyền” xuất khẩu bưởi da xanh sang TQ khiến ông nhiều phen đứng tim. “Có lúc chở mấy container hàng tới cửa khẩu bị hạch sách đủ chuyện, cuối cùng không qua được đành bán tống bán tháo cho thương lái trong nước. Còn chuyện bị ép giá thì xảy ra thường xuyên” - ông Hưng cho hay.
Chủ động tìm kiếm thị trường Để có được những thị trường ổn định và tiềm năng, ông Phan Quốc Nam cho biết hơn 40% khách hàng tìm tới công ty thông qua website, còn lại đều do ông phải đi tìm kiếm chào hàng từng nơi thông qua các hội chợ quốc tế. Để mở rộng thêm một thị trường mới, ông Nam phải tìm hiểu và chuẩn bị 4-5 tháng. Như thị trường Mỹ, ông phải mất hơn hai năm mới tìm được đối tác làm ăn lâu dài. Từ việc tìm hiểu thị hiếu của thị trường đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn của từng nước, ông Nam đều nghiên cứu kỹ. |
Để tự cứu, một mặt ông Hưng vẫn giữ mối làm ăn với đối tác TQ, một mặt tự tìm thêm các thị trường mới như Đức, Tây Ban Nha, Na Uy, Hà Lan và Canada.
Theo ông Hưng, những thị trường này rất khó tính, nhưng nếu VN đáp ứng được thì xuất khẩu rất ổn định chứ không thường xuyên “hắt hơi, sổ mũi” như thị trường TQ. Cách làm của ông Hưng là liên hệ với các đầu mối xuất khẩu trái cây của người Việt ở các nước, tham gia nhiều hội chợ trái cây quốc tế để quảng bá bưởi da xanh VN.
Một cách làm khác để tăng sản lượng xuất khẩu trái cây là đông lạnh. Ông Phan Quốc Nam, giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (Tiền Giang), cho biết ông chọn cách này để tránh các rào cản kỹ thuật khắt khe của thị trường châu Âu, Mỹ... đối với trái cây tươi. Trái cây sau khi tách vỏ được cấp đông của Long Uyên hiện đã có mặt ở Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển, Hà Lan, Na Uy với sản lượng lớn.
Ông Nam cho biết thêm việc xuất trái cây đông lạnh sang châu Âu không khó, vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải tích cực tìm kiếm các thị trường nhỏ như siêu thị, trung tâm mua sắm để đưa sản phẩm gần gũi với người tiêu dùng. Từ đầu năm 2011 đến nay, Công ty Long Uyên nhận đơn đặt hàng đều đặn, đặc biệt có đối tác yêu cầu một số lượng rất lớn khiến công ty không thể đáp ứng. “Hiện chúng tôi đang đầu tư nâng cấp gấp đôi công suất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu” - ông Nam nói.
Theo Hiệp hội Trái cây VN, với nỗ lực của các doanh nghiệp trong thời gian qua, mặt hàng trái cây của VN đã có mặt tại hơn 50 thị trường khác nhau trên khắp thế giới. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu nên rau quả VN không còn quá phụ thuộc vào thị trường TQ như trước đây.
Trái cây tươi tăng tốc
Dù vẫn còn chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu trái cây (khoảng 5-6%) nhưng trái cây tươi ngày càng chiếm vai trò quan trọng do nhu cầu của thị trường lớn và nhiều rào cản kỹ thuật vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand... đã và đang được từng bước dỡ bỏ.
Sau gần ba năm có mặt tại thị trường Mỹ, trái thanh long của VN ngày càng được thị trường này chấp nhận nhiều hơn. Nếu như năm đầu tiên xuất khẩu thanh long vào thị trường Mỹ chỉ đạt trên 100 tấn thì đến năm 2010 lên đến 856 tấn. Còn theo Cục Bảo vệ thực vật, chỉ trong năm tháng đầu năm, lượng thanh long vào thị trường này đã đạt con số 750 tấn, bằng gần 90% tổng lượng xuất khẩu của cả năm 2010. Tại thị trường Nhật Bản, thanh long vẫn được xuất khẩu với số lượng ổn định 40 tấn/tháng và thị trường Hàn Quốc là 20 tấn/tháng dù đang trong giai đoạn thăm dò thị trường.
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới thị trường Đài Loan sẽ mở cửa trở lại cho trái thanh long VN sau khi gián đoạn vì các thủ tục kiểm dịch. Đài Loan là một thị trường tiêu thụ thanh long rất lớn của VN trước kia, mỗi năm nhập khẩu cả chục ngàn tấn.
Như vậy, cùng với việc đàm phán xuất khẩu thanh long vào các thị trường khó tính khác như Úc, New Zealand... trái chôm chôm cũng đã được thị trường Mỹ cho phép nhập khẩu đang mở ra cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho trái cây tươi của VN trong thời gian tới. Theo giám đốc một công ty xuất khẩu trái cây, chôm chôm VN có thể xuất khẩu sang Mỹ ngay trong tháng 6 vì mọi thủ tục về liều lượng chiếu xạ đã xong, chỉ chờ sự đồng ý của cơ quan quản lý VN trước khi xuất khẩu.
Pháp, Nhật... mua nhiều trái cây VN Năm 2010, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ trái cây tươi lớn nhất của VN với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 235 triệu USD (chiếm 50%), Nhật Bản đứng thứ hai với khoảng 54,5 triệu USD. Tuy nhiên bốn tháng đầu năm nay, bên cạnh TQ vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, hàng rau quả VN đã có tốc độ phát triển rất nhanh ở nhiều thị trường khác ở châu Á và châu Âu. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Indonesia tăng gần ba lần từ 8,5 triệu USD năm 2010 lên 24,8 triệu USD năm 2011. Các thị trường lớn khác của châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia... cũng có mức tăng trưởng khá từ 20-80%. Xuất khẩu rau quả sang các thị trường chính tại châu Âu cũng có mức tăng trưởng ấn tượng như Pháp tăng 49%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận